Ứng dụng công nghệ trong việc sửa chữa bảo trì hệ thống điện đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng

Việc ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, an toàn, tiết kiệm, tránh thất thoát lãnh phí là mục tiêu của ngành điện toàn cầu. Mới đây, nhóm nhà khoa học Nga thuộc Viện Hàng không Moscow (MAI) và Học viện Quân sự Lực lượng Tên lửa Chiến lược đã đạt được một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực công nghệ với việc phát triển một phương pháp mới sử dụng máy bay không người lái (UAV) để phát hiện các đường dây điện ngầm bị hư hỏng. Kết quả nghiên cứu đã vượt qua các bài thử nghiệm và mang lại triển vọng lớn trong việc nâng cao hiệu suất và độ tin cậy của hệ thống điện.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố của MAI, hãng thông tấn Nga TASS  phương pháp mới này sử dụng UAV để đo giá trị thay đổi của trường cảm ứng điện từ tại các điểm có sự cố. Điều này được thực hiện thông qua việc sử dụng dòng điện tần số cao 1.024 kHz để phát hiện đường dây cáp điện bị hư hỏng nằm sâu dưới lòng đất.

Cụ thể, UAV sẽ được triển khai để bay dọc theo tuyến cáp ngầm và đo giá trị của trường cảm ứng điện từ ở độ cao nhất định. Những điểm mà UAV phát hiện có giá trị cảm ứng điện từ cao bất thường sẽ được đánh dấu bằng GPS, giúp người vận hành xác định chính xác địa điểm sự cố và tiếp cận nhanh chóng.

Điều đặc biệt là công nghệ này không chỉ giúp phát hiện đường dây hư hỏng mà còn có thể ứng dụng để phát hiện đoản mạch hoặc đứt cáp điện, đồng thời đưa ra dự báo các tình huống khẩn cấp và giảm chi phí bảo trì. Hiện tại, công nghệ đã được thử nghiệm tại vùng Ivanovo, Nga, và trong tương lai, nhóm nghiên cứu hy vọng mở rộng quy mô dự án để áp dụng rộng rãi trong ngành năng lượng Nga.

Ở Việt Nam, việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực sửa chữa bảo trì điện đã có những phát triển tích cực, như hợp tác giữa Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) và Viện Nghiên cứu Uniten R&D (Malaysia) trong việc áp dụng phương pháp tập trung vào độ tin cậy RCM (Reliability-Centered Maintenance).

The đó, phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng RCM tiên tiến các thiết bị của hệ thống điện dựa trên tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng của thiết bị khi xảy ra hư hỏng hoặc sự cố, từ đó xác định chiến lược sửa chữa bảo dưỡng phù hợp nhất cho các thiết bị (thay thế, bảo dưỡng một phần hay toàn phần…). Phương pháp này giải quyết được một trong những thách thức chính khi thực hiện theo phương pháp CBM là số lượng lớn thiết bị cần kiểm tra hoặc bảo trì trong cùng thời gian, hạn chế về các nguồn lực như là ngân sách, nhân lực và giới hạn trong việc gián đoạn cung cấp điện. Do đó, áp dụng phương pháp RCM sẽ giúp đạt được hiệu suất tốt nhất với chi phí thấp nhất, kéo dài tuổi thọ của thiết bị và giảm thời gian ngừng cung cấp điện đến mức thấp nhất.

Trong bối cảnh thách thức từ biến đổi khí hậu và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, những đóng góp này không chỉ là cơ hội để cải thiện quy trình kỹ thuật, mà còn là bước quan trọng để hướng ngành công nghiệp điện đến một tương lai bền vững hơn và hiệu quả hơn. 

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích