Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa

Ứng dụng KHCN trong sản xuất sản phẩm truyền thống giúp nâng tầm sản phẩm chủ lực của địa phương. Ảnh minh họa

Thanh Hóa hiện đang xếp thứ 3 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 531 sản phẩm OCOP. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP đã được đầu tư ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.

Với mục tiêu nâng tầm sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn tạo điều kiện, xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp về đất đai, tín dụng, thiết bị sản xuất, xúc tiến thương mại, nâng cao trình độ lao động. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, kinh doanh, nhờ đó chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao.

Là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Như Thanh, miến dong Yên Lạc đạt tiêu chuẩn 3 sao, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích, hiện có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn. Bên cạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các giống dong riềng cho năng suất cao vào sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, UBND xã Yên Lạc cũng chú trọng áp dụng KHCN trong chăm sóc, bảo vệ diện tích cây dong riềng nguyên liệu, như sử dụng phân bón vi sinh để phòng, chống bệnh hại (thối thân, cháy lá) trên cây dong riềng. Đồng thời, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc – đơn vị chủ trì sản xuất sản phẩm còn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, như: Nồi hơi, máy tráng, giàn sấy, máy thái sợi, phòng sấy sợi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Phạm Công Bảo – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc cho biết, trong sản xuất tôi chú trọng lựa chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, sau đó trong từng khâu sản xuất đều rất kỹ lưỡng. Đồng thời, việc tăng cường áp dụng KHCN không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, mà còn là một bước tiến để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Từ khi sử dụng hệ thống máy móc hiện đại HTX đã đủ năng lực sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 10 đến 12 tấn sản phẩm/tháng.

Hay như sản phẩm Mắm cáy Quảng Phúc (huyện Quảng Xương) vốn là món ăn dân dã, song nhờ áp dụng KHCN hiện đại vào sản xuất đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021 và là một trong những sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Ông Hoàng Anh Tuấn ở thôn Liên Sơn, xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc đã hướng dẫn các hộ đưa máy móc kỹ thuật vào phục vụ quá trình bảo quản, chế biến, sản xuất như máy xay, máy dán túi, máy hút chân không công nghiệp, máy dán nhãn tự động, máy chiết rót, máy đóng nắp chai bán tự động… để giảm ngày công lao động và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất và chế biến mắm cáy truyền thống nên đến nay sản phẩm mắm cáy đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường. Trung bình tiêu thụ khoảng 20.000 lít/năm, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng.

Đối với, miến gạo Thăng Long của huyện Nông Cống là sản phẩm OCOP mới được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao trong tháng 5/2024 vừa qua. Để đạt tiêu chí nâng hạng sản phẩm OCOP, HTX dịch vụ miến gạo Thăng Long đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc để nâng cao sản lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, HTX đã đấu mối với các đơn vị liên quan xin cấp quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ, quy hoạch lại vùng nguyên liệu sản xuất để đáp ứng tiêu chí của sản phẩm OCOP 4 sao.

Ông Trương Hữu Hoa – Giám đốc HTX dịch vụ miến gạo Thăng Long, cho biết: “Theo quy định, để đạt OCOP 4 sao, sản phẩm phải nổi trội, đặc sắc và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, HTX đã nỗ lực nâng cao năng lực, điều kiện sản xuất và nhất là khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường. Đến nay, HTX đã mở rộng 400ha vùng nguyên liệu để đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào. Với việc được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm miến gạo Thăng Long như có thêm “tấm vé” thông hành uy tín không chỉ ở thị trường trong nước mà còn với thị trường xuất khẩu. Thực tế là mới đây, HTX đã ký kết hợp đồng ghi nhớ với đơn vị trung gian, chuẩn bị xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc”.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa Bùi Công Anh cho biết, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới là một trong những yếu tố then chốt, “chìa khóa” giúp sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Để nâng tầm sản phẩm OCOP, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Qua đó giúp các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho các sản phẩm trên thị trường.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích