Ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả phòng chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm SHTT

Hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành gây tổn thất cho nhiều doanh nghiệp
Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt từ các lực lượng chức năng, thế nhưng vấn nạn buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn không chấm dứt. Từ đó gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm.
Ông Hoàng Hữu Lộc – Phó phòng Bán hàng (Công ty CP Pin ắc-quy miền Nam – Pinaco), cho biết ắc-quy nhập lậu đang khiến doanh nghiệp này rất khó cạnh tranh. Chênh lệch giá ắc-quy sản xuất trong nước với ắc-quy nhập khẩu chỉ 1-2%, nhưng tính tổng số lượng sản phẩm thì rất lớn. Một số nhãn ắc-quy nhập khẩu chỉ xuất hoá đơn VAT bằng 66% so với bảng giá công bố đến khách hàng.
Theo tính toán, 1 bình ắc-quy 120Ah có giá công bố là 2.840.000 đồng, giá xuất hóa đơn VAT 1.868.400 đồng, chênh lệch giá là 971.600 đồng. Nếu nhân với 8% thuế VAT thì nhà nước thất thoát 77.728 đồng/đơn vị sản phẩm.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê, mỗi năm các công ty nhập ắc-quy từ Hàn Quốc khoảng 6 triệu USD (tương đương 144 tỷ VND) = 140.000 bình ắc-quy (quy chuẩn). Như vậy, Nhà nước sẽ mất khoảng: 77.728 đồng x 140.000 bình = 10,8 tỷ đồng tiền thuế VAT (chưa tính thuế nhập khẩu).

Cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại còn nhiều gian nan. Ảnh: VGP
Ông Lộc cho rằng, mỗi bình ắc-quy nhập khẩu gian lận thuế tác động giá giảm được từ 25% đến 36%. Với độ “vênh” lớn như vậy thì giá các bình ắc-quy nhập bán ra rất thấp. Muốn cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước chỉ có cách hạ giá bán, nhưng dù hạ xuống bằng giá thành thì giá bán cũng cao hơn bình nhập trốn thuế từ 10-15%.
Một dẫn chứng liên quan đến việc hàng giả gây tổn thất cho doanh nghiệp là vụ việc Công ty cổ phần Everpia – chủ sở hữu hợp pháp được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chăn ga gối đệm Everon. Công ty đã phối hợp cùng cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án huyện Thường Tín trong quá trình điều tra, bắt, khởi tố và xét xử đối tượng với hành vi sản xuất và buôn bán các sản phẩm không được ủy quyền thương hiệu Everon diễn ra vào hồi đầu năm ngoái.
Theo đó, có một cơ sở chuyên sản xuất chăn ga gối đệm tại gia đình, nhận được một đơn hàng từ tài khoản xã hội hỏi đặt mua 30 đệm bông ép gắn nhãn Everon. Do hám lợi, chủ cơ sở này đồng ý sản xuất và thỏa thuận bán cho người mua với giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm chính hãng Everon. Đáng chú ý, công an phát hiện tại cơ sở có 31 đệm bông ép thành phẩm, loại 3 tấm, đều là các sản phẩm đệm thành phẩm trên tem, nhãn, bao bì trực tiếp có nhãn “EVERON” và logo thương hiệu Everon của Công ty CP Everpia.
Công ty Everpia đề nghị tiêu hủy các vật chứng để tránh ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu và lợi ích của người tiêu dùng nếu các sản phẩm giả này bị đưa vào sử dụng. Với mục đích trục lợi, các đơn vị sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bỏ qua các chi phí đầu tư để phát triển thương hiệu, chất lượng, kiểu dáng sản phẩm, thay vào đó lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các nhà sản xuất khác để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả.
Về việc bị làm giả hàng hóa, đại diện Công ty Honda Việt Nam đã thông tin, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái làm giả nhãn hiệu Honda diễn ra tại nhiều địa phương không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn tới uy tín của DN. Công ty Honda Việt Nam hiện có hơn 300 nhãn hiệu được bảo hộ, chia thành 4 nhóm chính là nhãn hiệu ô tô xe máy; phụ tùng; dầu nhờn; thiết kế cửa hàng. Hiện nay, cả 4 nhóm nhãn hiệu chính này đều bị vi phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ. Các mẫu tem, dầu nhớt, biển hiệu không đúng quy cách cấu trúc của Honda Việt Nam cũng được làm giả rất tinh vi và buôn bán tràn lan trên thị trường. Đơn cử mới đây nhất, ngày 16/2/2023 Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông phát hiện 6 cơ sở đang kinh doanh 117 sản phẩm phụ tùng xe mô tô nghi giả nhãn hiệu Honda và Yamaha.
Áp dụng công nghệ tiên tiến vào cuộc chiến chống hàng giả
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, doanh nghiệp vô cùng âu lo khi hàng giả xuất hiện tràn lan trên các trang mạng, từ những sàn thương mại điện tử có tên tuổi, đến các điểm bán phân tán trên các nền tảng như Facebook hay Zalo… Hàng giả còn tồn tại sẽ đem đến thiệt hại rất lớn cho DN bởi không những không bán được hàng hóa sản xuất ra, DN còn đứng trước nguy cơ bị loại khỏi thị trường. Đặc biệt, việc mất uy tín, mất thương hiệu còn gây thiệt hại lớn hơn giá trị cụ thể của việc mất doanh số, nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và đã xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Đáng chú ý, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường còn cho biết, đối tượng làm hàng giả rất tinh vi, nghiên cứu pháp luật để luồn lách cơ quan chức năng. Không ít sản phẩm hàng giả giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc đó, để xử lý những tranh chấp sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí lực lượng còn bị các đối tượng kiện ngược.
Còn theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng sẽ đạt hiệu quả cao nếu biết cách áp dụng công nghệ tiên tiến.
Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm, có động thái phù hợp. Có làm được như vậy thì xã hội mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.
Để đẩy lùi vấn nạn hàng giả và hàng nhái hiện nay, các cơ quan chức năng nên tăng cường giám sát thị trường, kiểm tra cơ sở sản xuất và kinh doanh để phát hiện và ngăn chặn các hoạt động hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, cần tăng cường hình thức giám sát trực tuyến để phát hiện và xử lý các hoạt động trên mạng liên quan đến hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái là một cuộc chiến toàn cầu. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần hợp tác với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia sản xuất hàng giả, hàng nhái, để truy tìm nguồn gốc và chặn đứng chuỗi cung ứng.
Đối với người tiêu dùng, để đấu tranh chống hàng giả, mà cũng là để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng trước hết cần nâng cao nhận thức để có được thông tin chính xác về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
Ngoài ra, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu biết cách áp dụng công nghệ tiên tiến, như mã vạch, mã QR, công nghệ blockchain, để giám sát nguồn gốc và chứng thực sản phẩm….
Giải pháp xác thực hàng chính hãng truy xuất nguồn gốc có thể giúp doanh nghiệp quản lý và thiết lập thông tin tem chống giả toàn diện. Với hệ thống tạo tem và thiết lập thông tin giới hạn lượt quét, mã QRcode trên tem là QRcode biến đổi, tem trên từng sản phẩm hoàn toàn khác nhau dù thuộc cùng một lô sản xuất cũng không giống nhau, thông tin sản phẩm sau khi quét sẽ thể hiện đầy đủ nhà máy sản xuất, kho, nhà phân phối, ngày sản xuất, hạn sử dụng, doanh nghiệp có thể lựa chọn tách nhỏ lô tem để dễ dàng quản lý, lựa chọn thời điểm kích hoạt tem và giới hạn sử dụng của sản phẩm. Với tính năng này, người dùng sẽ có thể đối chiếu thông tin sản phẩm, kiểm tra tính chính xác của thông tin trên nhãn dán và thông tin được nhà sản xuất, nhà phân phối cung cấp.
Doanh nghiệp có thể tối ưu vận hành, chủ động chống giả cho sản phẩm của mình do hệ thống sẽ báo cáo tự động số lượt quét, khu vực, thời gian quét, lịch sử quét tem, giúp khóa tem từ xa trên hệ thống khi phát hiện có hàng giả. Doanh nghiệp có thể dễ dàng phân lô tem khi chưa muốn in hết, đối với từng sản phẩm sẽ hiển thị trạng thái sản phẩm. Từ đó, giải pháp xác thực hàng chính hãng qua hệ thống truy xuất nguồn gốc góp phần gia tăng thường hiệu doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo được niềm tin đến với khách hàng, giúp hạn chế và bài trừ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, giúp bảo vệ thương hiệu, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, giúp doanh nghiệp quản lý được sản phẩm của mình và chất lượng sản phẩm một cách tốt hơn. Đồng thời có thể chia sẻ dữ liệu thời gian cho các nhà nhập khẩu hoặc đối tác thu mua, giúp họ yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh.
Doanh nghiệp cũng vì thế mà có thể giảm được chi phí truyền thông chống giả cũng như xử lý khủng hoảng do thương hiệu bị giả mạo đồng thời có thể xây dựng những chiến lược Marketing hiệu quả dựa trên các thông tin gửi về hệ thống.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả của giải pháp xác thực hàng chính hãng QRcode truy xuất nguồn gốc việc triển khai và quản lý hệ thống cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và thông suốt, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tính toàn vẹn và đáng tin cậy của thông tin truy xuất sản phẩm.
An Dương (T/h)