Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản
Áp dụng công nghệ STH là yếu tố tiên quyết nâng cao năng suất chất lượng nông sản. Ảnh minh họa
Công nghệ bảo quản sản phẩm STH của Việt Nam đã đạt một bước tiến mới khi dự án sản xuất thử nghiệm đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết kế. Tại Ninh Thuận, tỉnh nổi tiếng với các sản phẩm như nho, táo và nha đam, các doanh nghiệp địa phương đã đầu tư mạnh mẽ vào việc áp dụng công nghệ STH để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn. Nhiều dây chuyền máy móc hiện đại đã được triển khai, từ khâu bảo quản sản phẩm tươi cho đến khâu chế biến, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong 3 năm qua, hơn 30 đề tài nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và đổi mới công nghệ đã được chuyển giao, tập trung vào các cây trồng chủ lực như nho, táo và măng tây.
Điển hình là Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất, từ hệ thống máy rửa tự động đến dây chuyền đóng gói và vô bao, giúp tăng năng suất lao động hơn 2 lần so với trước. Nhờ ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô và nhân giống nha đam, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu rộng 250ha và xuất khẩu sản phẩm nha đam sang hơn 20 quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Trung Đông.
Ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Công ty chia sẻ, việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, giảm lãng phí, và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường. Công ty cũng đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững với tiêu chuẩn ESG và phấn đấu đạt mục tiêu zero carbon trước năm 2030.
Hay Công ty TNHH Thực phẩm T&H với thương hiệu RangFarm cũng đã ứng dụng công nghệ sấy lạnh để chế biến các loại trái cây đặc thù như nho, táo. Phương pháp sấy lạnh giúp giữ nguyên màu sắc, hương vị tự nhiên và các chất dinh dưỡng, đồng thời sản phẩm sau sấy có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với các phương pháp sấy nhiệt thông thường. Công ty đã hợp tác chặt chẽ với các nhà vườn để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào, từ khâu trồng trọt cho đến thu hoạch.
Anh Lê Trung Thu – Giám đốc Công ty cho biết, phương pháp sấy lạnh không chỉ giữ được chất lượng sản phẩm giống như khi ăn tươi mà còn được thị trường tiêu thụ đánh giá cao. Trong tương lai, công ty dự kiến sẽ mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm thiết bị công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ STH cũng đã mang lại nhiều lợi ích to lớn. Trước đây, tổn thất STH của khu vực này lên đến 16%, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đã giảm xuống khoảng 10%, với mục tiêu còn 7-8% trong tương lai. Các công nghệ sấy lúa và bảo quản sau thu hoạch đã được cải tiến đáng kể, giúp giảm thất thoát và nâng cao chất lượng hạt lúa, cải thiện khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam bị thất thoát từ 14-35%, với ngành lúa gạo thất thoát khoảng 14%/năm. Một phần nguyên nhân là do các lò sấy truyền thống chưa được tự động hóa và phụ thuộc vào kỹ năng của người vận hành. Việc đầu tư vào các thiết bị sấy hiện đại, lưu trữ trong silo được kiểm soát bằng phần mềm, sẽ giúp nâng cao chất lượng và giảm thiểu thất thoát.
TS. Phạm Văn Tấn – Nguyên Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ STH nhấn mạnh, việc giảm tổn thất sau thu hoạch là yếu tố quan trọng trong tối ưu hóa chi phí sản xuất lúa gạo. Các giải pháp công nghệ không chỉ giúp bảo vệ phẩm chất lúa gạo mà còn giúp tối ưu hóa quy trình chế biến và vận chuyển.
Việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản, áp dụng công nghệ STH không chỉ giảm thất thoát, mà còn cải thiện chất lượng và gia tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động sản xuất và chế biến, việc ứng dụng công nghệ là điều bắt buộc. Từ việc cơ giới hóa khâu thu hoạch, bảo quản đến áp dụng các giải pháp sấy hiện đại, Việt Nam đã và đang từng bước tiến lên trong việc nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
Duy Trinh (t/h)