Úc đối mặt khủng hoảng thuê nhà nghiêm trọng

Úc đối mặt khủng hoảng thuê nhà nghiêm trọng

Chỉ số về mức độ khó khăn trong việc thuê nhà tại Úc (Rental Pain Index – RPI) trong tháng này cho thấy những người dân Úc đang gặp những căng thẳng chưa từng có trong việc thuê nhà.

Úc đang đối mặt tình trạng khủng hoảng thuê nhà nghiêm trọng - Ảnh: RealVantag
Úc đang đối mặt tình trạng khủng hoảng thuê nhà nghiêm trọng – Ảnh: RealVantag

Chỉ số trên (Rental Pain Index – RPI) được xây dựng bởi SuburbTrends, một nhóm nghiên cứu bất động sản do ông Kent Lardner – nhà lãnh đạo kinh doanh và khoa học dữ liệu với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho các công ty như JLL, CoreLogic và General Electric – thành lập.

Ông Lardner cho biết chỉ số này tính đến bốn yếu tố – tình trạng sẵn có, khả năng chi trả, chỗ trống và xu hướng giá cả – để tạo ra điểm số trên thang điểm 100. Các số điểm trên 75 được coi là tình hình “nghiêm trọng”.

Ông Lardner cho biết vào tháng 1-2024, 12 vùng ngoại ô của Úc đã được xếp hạng tối đa 100.

“Chúng tôi thực sự muốn các hộ gia đình chi ít hơn 25% thu nhập hộ gia đình cho tiền thuê nhà, nhưng ngày càng nhận thấy nhiều vùng ngoại ô trong danh sách có các hộ gia đình phải dành 30% trở lên thu nhập để chi tiêu cho tiền thuê nhà.

Điều tồi tệ nhất trong danh sách là khu vực Durack ở bang Queensland, nơi có mức giá thuê tăng 15% trong 12 tháng qua – nghĩa là 40% thu nhập hộ gia đình được dùng chi trả cho tiền thuê nhà và trên thực tế không còn chỗ trống nào để cho thuê”, ông nói.

Ngoài Durack, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Logan Central – cũng ở bang Queensland, cũng như Warilla và San Souci ở bang New South Wales.

Trên khắp nước Úc, gần một nửa vùng ngoại ô được phân loại đang bị ảnh hưởng nặng nề do căng thẳng về tiền thuê nhà. Nhưng nhìn chung, bang Queensland và bang Nam Úc ghi nhận mức độ căng thẳng cao nhất, với 58% vùng ngoại ô ở cả 2 bang đạt điểm trên 75.

Ông Hary Millward – tổng thư ký Hiệp hội Người thuê nhà và nhà ở – cho biết căng thẳng cực độ về tiền thuê nhà là điều mà tổ chức này nhìn thấy hằng ngày, với một số người phải chi tới 80% thu nhập của họ cho tiền thuê nhà.

Theo đó, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là sinh viên, người nhận phúc lợi và những người có công việc bình thường hoặc bấp bênh. Nói cách khác, những người nghèo nhất – được coi là những người cần giúp đỡ nhất – đang sống trong những ngôi nhà đổ nát, trong các khu ổ chuột.

Ông hy vọng luật thuê nhà được sắp xếp hợp lý trên toàn quốc để bảo vệ tốt hơn cho người thuê nhà, cũng như có các biện pháp tức thời, chẳng hạn giới hạn thời hạn hai năm đối với tiền thuê nhà.

Ông cho biết chính phủ liên bang và chính quyền các bang đang xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Úc đã xóa bỏ rất nhiều hệ thống nhà ở chính phủ trong hàng chục năm qua. Các chính phủ qua các thời kỳ đã xây dựng nhà ở chính phủ ngày càng ít đi. Thị trường tư nhân thực sự nắm độc quyền ở giai đoạn này.

Ông Greg Bader – giám đốc điều hành (CEO) của Rent.com.au, một trang web giúp người thuê nhà định vị và bảo đảm tài sản – cho biết có rất nhiều bình luận về các giải pháp, nhưng các vấn đề đều mang tính cấu trúc.

Vấn đề chung là giá nhà ở Úc đã tăng vọt, lãi suất tăng lên, hoạt động xây dựng chậm trễ, trong khi dân số ngày càng tăng. Có thể nói, thuê nhà hiện là một môi trường cạnh tranh khủng khiếp.

Nguồn cung nhà ở là một vấn đề lớn

Nguồn cung cũng là một vấn đề lớn được ông Kent Lardner của SuburbTrends thừa nhận. Ông cho rằng các giải pháp ngắn hạn nên được sử dụng một cách thận trọng, vì chúng có thể bắt đầu có tác động ngược và hạn chế nguồn cung nếu áp dụng quá lâu.

Thay vào đó, chính phủ cần một “cách tiếp cận hoàn toàn mới” đối với vấn đề nhà ở, cần phải có các chính sách và chiến lược hiệu quả.

Ông Lardner tin rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng vô gia cư phải là ưu tiên số một và cho rằng Úc cần xem xét các giải pháp sáng tạo như công viên nhà di động, có thể được xây dựng trong 6-8 tuần.

Nếu được thực hiện tốt, những nơi này có thể là nơi ở khá hấp dẫn, có thể thu hút những người lao động thiết yếu, những người chỉ phải chi ít hơn 25% thu nhập trung bình của hộ gia đình cho nơi ở.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích