UAE nhanh chóng khắc phục hậu quả sau trận lũ lịch sử

UAE nhanh chóng khắc phục hậu quả sau trận lũ lịch sử

Thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang bắt tay vào dọn sạch những con đường và ngôi nhà bị ngập nước, hai ngày sau khi một cơn bão gây ra trận lụt lịch sử ngày 16/4 vừa qua.

Tính đến ngày 18/4, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vẫn tiếp tục phải vật lộn với hậu quả của trận mưa dữ dội nhất trong 75 năm qua tại nước này khiến một người thiệt mạng, nhiều công trình ngập trong nước, gây gián đoạn kinh doanh và hàng không.

Theo Cơ quan Khí tượng UAE, ngày 16/4, nước này ghi nhận lượng mưa kỷ lục 254 mm trong vòng chưa đầy 24 giờ ở thành phố Al Ain. Đó là lượng mưa cao nhất kể từ năm 1949.

Mưa cũng trút xuống ở Bahrain, Oman, Qatar và Saudi Arabia nhưng đạt ngưỡng nghiêm trọng trên khắp UAE. Theo một số chuyên gia, UAE thiếu nhiều cơ sở hạ tầng thoát nước cần thiết để xử lý mưa lớn. Thông thường quốc gia này chỉ đón mưa vài lần trong năm.

tm-img-alt
Dân Dubai chèo thuyền chuyển đồ đạc tại một khu nhà liền kề, ngày 18/4. Ảnh: Reuters

Mưa lớn bất thường đã nhấn chìm đường phố Dubai trong biển nước. Mặc dù mưa đã giảm bớt vào cuối ngày 16/4, song tình trạng gián đoạn giao thông vẫn tiếp diễn đến ngày hôm sau, với hãng hàng không Emirates Airlines quyết định tạm ngừng làm thủ tục lên máy bay cho hành khách khởi hành từ Dubai.

Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá thiệt hại và cung cấp hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng của bão. Thái tử Dubai Sheikh Hamdan bin Rashid Al Maktoum nhấn mạnh sự an toàn của người dân và du khách là ưu tiên hàng đầu.

Sân bay quốc tế Dubai, cảng hàng không quốc tế náo nhiệt nhất thế giới, vào sáng 18/4 đã cho phép các hãng hàng không hoạt động ở khu vực Nhà ga số 1. Bên cạnh đó, Emirates Airlines đã bắt đầu cho phép hành khách địa phương đến Nhà ga số 3, cơ sở hoạt động của họ. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Sân bay quốc tế Dubai – ông Paul Griffiths cho biết sân bay cần ít nhất 24 giờ nữa để có thể động gần với lịch trình thông thường. Sân bay cũng đang gặp khó khăn trong việc cung cấp thức ăn cho những hành khách mắc kẹt vì những con đường gần đó bị ngập lụt và tình trạng quá đông đúc đang hạn chế khả năng tiếp cận của những người đã xác nhận đặt chỗ.

Tại Abu Dhabi, một số siêu thị và nhà hàng phải đối mặt với tình trạng thiếu sản phẩm, do không thể nhận hàng từ Dubai.

Cùng ngày 18/4, một khu vực ở Dubai đã ghi nhận nước lũ tiếp tục dâng cao tới 1 mét, trong bối cảnh lực lượng chức năng địa phương phải vật lộn để bơm nước ra.

Chính quyền Dubai đã yêu cầu các trường học tiếp tục dạy trực tuyến vào ngày 18/4. Cùng thời điểm này, các nhân viên cứu hộ nỗ lực dọn sạch các mảnh vụn, bao gồm cả cây cối và đồ đạc trên đường phố.

Các phương tiện truyền thông địa phương và nhiều bài đăng trên mạng xã hội cho thấy thiệt hại đáng kể trên khắp UAE, bao gồm cả những con đường bị hỏng và nhiều ngôi nhà ngập lụt. Truyền thông địa phương đưa tin một người đàn ông lớn tuổi ở Dubai, đã thiệt mạng sáng 16/4 khi xe của ông ngập trong lũ quét ở Ras Al Khaimah, phía Bắc UAE. Nước láng giềng của UAE là Oman, đã có 19 người thiệt mạng, sau 3 ngày mưa lớn liên tiếp.

Mưa rất hiếm ở UAE và những nơi khác trên Bán đảo Arab, nơi thường được biết đến với khí hậu sa mạc khô hạn. Nhiệt độ không khí mùa hè có thể lên tới trên 50 độ C. Các chuyên gia khí hậu giải thích sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân gây ra những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như trận lụt lịch sử vừa qua.

Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiệt độ tăng cao, độ ẩm tăng và nguy cơ lũ lụt cao hơn ở các vùng của vùng Vịnh. Các quốc gia như UAE, nơi thiếu cơ sở hạ tầng thoát nước để đối phó với mưa lớn có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cơ quan Khí tượng UAE ngày 17/4 đã bác bỏ nghi vấn mưa nhân tạo dẫn đến trận lụt lịch sử. Phó giám đốc Cơ quan Khí tượng UAE – ông Omar Al Yazedi khẳng định cơ quan này không làm mưa nhân tạo trong thời diễn ra trận mưa lịch sử. Ông nhấn mạnh: “Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc làm mưa nhân tạo là phải nhắm mục tiêu vào các đám mây ở giai đoạn đầu trước khi trời mưa. Một khi trời đã giông bão nghiêm trọng thì quá muộn để tiến hành gây mưa nhân tạo”.

Theo kênh CNN (Mỹ), những trận mưa cực lớn đang trở nên phổ biến hơn khi bầu không khí ấm lên do biến đổi khí hậu. Không khí ấm hơn có thể hút nhiều hơi ẩm hơn và sau đó “bùng phát” dưới dạng mưa lũ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích