U Minh (Cà Mau): UBND huyện phản hồi thông tin Báo điện tử Xây dựng phản ánh về gói thầu “3 không”
(Xây dựng) – Ngay sau khi Báo điện tử Xây dựng phản ánh về việc ngừng thi công gói thầu “3 không” (ngày 17/01) trên địa bàn huyện U Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hồng Thịnh đã ký báo cáo (ngày 19/01) rà soát vụ việc được phản ánh với nhiều nội dung cần phải được làm rõ thêm.
Nhà thầu đang thi công cổng chào sáng 09/01/2024 mà UBND huyện cho rằng “thi công thử”. |
Theo báo cáo của UBND huyện, nội dung “ngày 17/01, đơn vị thi công trang trí tuyến đường Huỳnh Quảng đoạn gần ngã ba Giàn Hoa Chữ, thị trấn U Minh, tỉnh Cà Mau” đã tháo thiết bị thi công” là chưa chính xác.
UBND huyện cho rằng, Phòng Kinh tế và Hạ tầng đã khảo sát các tuyến đường trong khu vực trung tâm hành chính huyện và tham mưu cho UBND huyện vị trí, khu vực cần sửa chữa, lắp đặt một số cụm đèn trang trí nhằm tạo vẻ đẹp, cảnh quan, chỉnh trang đô thị cho dịp Tết Nguyên đán 2024.
Qua đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng đã kết hợp với đơn vị tư vấn thiết kế để khảo sát tại đoạn ngang quảng trường công viên cây xanh, có chiều ngang khá rộng. Tư vấn thiết kế có đề xuất ý tưởng lắp đặt một cụm đèn trang trí băng ngang đường để tạo vẻ đẹp cho cả khu vực trên và quảng trường.
Tuy nhiên, Phòng Kinh tế và Hạ tầng chưa an tâm với phương án này vì khu vực khá rộng, mặt khác vị trí này nằm ngang quảng trường công viên cây xanh nên việc lắp đặt cụm đèn trang trí cần có giải pháp thật chi tiết, vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa tạo sự hài hòa với quảng trường và giảm chi phí đầu tư xây dựng.
Theo UBND huyện, quá trình xem xét, thảo luận, đánh giá giữa các đơn vị chưa có sự thống nhất. Do vậy tư vấn thiết kế có đề xuất lắp đặt thử cụm đèn này (phần khung mẫu mượn từ công trình khác có quy mô tương tự ý tưởng – PV) để đánh giá thực tế về độ an toàn và đảm bảo hình ảnh trang trí tổng thể cho cả khu vực. Sau khi lắp đặt thử xong, đơn vị tư vấn sẽ cùng Phòng Kinh tế và Hạ tầng nghiên cứu làm cơ sở thiết kế và đã tháo dỡ trong ngày 09/01/2024.
Với nội dung phản hồi trên của UBND huyện, chúng tôi thấy rằng, thực tế có việc đơn vị thi công lắp đặt công trình cổng chào trước khi có Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là chưa đúng quy định pháp luật về xây dựng, cụ thể:
Tại khoản 3 Điều 52 Luật Xây dựng năm 2014 và được sửa đổi bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định công trình xây dựng quy mô nhỏ phải lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì “trừ trường hợp người quyết định đầu tư có yêu cầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm: Dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất).
Hoặc dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là lắp đặt thiết bị công trình hoặc dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có giá trị chi phí phần xây dựng dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 05 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư).
Theo khoản 3 Điều 3 của Luật Xây dựng năm 2014, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình quy mô nhỏ, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.
Nội dung của Báo cáo kinh tế – kỹ thuật được quy định tại Điều 55 Luật Xây dựng năm 2014, bao gồm: Thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng. Các nội dung khác như: Thuyết minh về sự cần thiết đầu tư, mục tiêu xây dựng, địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất, quy mô, công suất, cấp công trình, giải pháp thi công xây dựng, an toàn xây dựng, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng và bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí thực hiện, thời gian xây dựng, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.
Từ những căn cứ pháp lý trên, việc phóng viên Báo điện tử Xây dựng phản ánh thông tin từ dư luận trên địa bàn huyện U Minh triển khai thi công lắp đặt cổng chào với quy mô bề thế khi không có chủ trương đầu tư, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt là có cơ sở.
Chính vì vậy, khi sáng ngày 09/1, phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận được thông tin phản ánh về vụ việc trên đã có liên hệ với ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện để xác minh. Ông Nguyên có xác nhận việc Công ty TNHH Một thành viên Tư vấn và Xây dựng điện Quang Nguyên đang thi công cổng chào tại khu vực, vị trí phản ánh. Đến tối 09/1, công trình cổng chào được tháo dỡ (như báo cáo phản hồi).
Theo thông tin tìm hiểu của phóng viên, huyện U Minh có 7 xã và 1 thị trấn thì 7 xã là vùng đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (trong đó có 3 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2022-2025). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện cao nhất tỉnh. Đến nay, số hộ nghèo còn 1.238 hộ và 426 hộ cận nghèo.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện xin hỗ trợ gạo cho gần 3.000 hộ với gần 12.000 nhân khẩu với khoảng 180 tấn gạo (có giá hơn 250 triệu đồng) nhưng dùng số tiền tỷ đồng để trang trí, sửa chữa đèn, làm cổng chào theo lý giải của UBND huyện “tạo sinh khí cho người dân vui xuân đón Tết” thì có lẽ chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Nguồn: Báo xây dựng