Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh nhiều nơi còn thấp

Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh nhiều nơi còn thấp

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày và là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Quyền tiếp cận nước sạch là một trong những quyền cơ bản của con người được Liên hợp quốc thừa nhận. Theo đó, 01 trong 17 mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, mục tiêu số 06, là “đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước… cho tất cả mọi người”. Nước sạch trong bối cảnh Việt Nam có thể hiểu là nước được cấp từ nguồn nước máy. Cụ thể, Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg ngày 19/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã: nước sạch là nước máy được sản xuất từ các nhà máy xử lý nước và cung cấp cho người dân, đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Xây dựng. Năm 2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu: vào năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93 – 95%.

Việt Nam đang có nguy cơ “lỡ hẹn” đối với mục tiêu về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch vào năm 2025.  Theo Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%. Trong khi đó, có 22,8% hộ sử dụng nguồn nước giếng khoan, và 11,4% hộ sử dụng giếng đào được bảo vệ. Đặc biệt, xem xét tỷ lệ này giữa thành thị và nông thôn trên toàn quốc có thể thấy sự chênh lệch rất lớn khi tỷ lệ hộ gia đình tại thành thị tiếp cận được nước máy đạt 84,2% trong khi tại nông thôn chỉ đạt 34,8%.

tm-img-alt
Mùa khô, cả nước có khoảng 82.000 hộ dân (tương đương khoảng 400.000 người dân) bị thiếu nước sinh hoạt.

Tại Bắc Giang, hàng trăm công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng những năm qua. Thế nhưng sau đó, không ít công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không hoạt động.
 
 
Tiêu biểu như công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3 thôn: Nghè, Chùa và Bãi Dài – xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam được xây dựng từ năm 2008 bằng nguồn vốn chương trình 134 (nguyên giá hơn 2,3 tỷ đồng) và đưa vào sử dụng năm 2009 (UBND xã được giao quản lý). Theo thiết kế, công trình có công suất 90 m3/ngày đêm. Hoạt động chưa được bao lâu thì đập dâng không giữ được nước, bùn đất làm tắc đường ống nên công trình bỏ không cả chục năm nay.
 
 
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn tỉnh hiện gần 134 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư từ năm 1994 đến nay bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Thời gian đầu, hầu hết các công trình đều hoạt động tốt. Nhưng sau đó, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là “đắp chiếu” – không hoạt động như công trình tại xã Huyền Sơn. Cụ thể, toàn tỉnh có 11/134 công trình hoạt động kém hiệu quả (tỷ lệ giữa công suất thực tế và công suất thiết kế dưới 30%) và 49/134 công trình không hoạt động (doanh nghiệp quản lý 5 công trình, UBND cấp xã quản lý 44 công trình).
 
 
Thực tế cho thấy việc quản lý, khai thác hiệu quả các công trình cấp nước sạch tập trung không đơn giản. Nguyên nhân là đối với công trình cấp xã, thôn, doanh nghiệp không mặn mà vì rất khó thu được tiền sử dụng nước sạch của người dân bởi họ còn có các nguồn nước khác. Nếu giao cho xã quản lý thì khó khăn trong việc duy tu, sửa chữa khi hư hỏng, tổ quản lý nước sạch của xã về chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế.

tm-img-alt
Chất lượng nguồn nước sinh hoạt của hộ gia đình DTTS ngày được nâng cao. Ảnh ITN

Tại nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc, do chưa được đầu tư các công trình nước sạch, người dân vẫn phải dùng nước giếng khơi, giếng khoan… chưa qua xử lý, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người dân.
 
 
Đến nay, toàn tỉnh có 57 công trình, nhà máy cung cấp nước sạch tập trung với tổng công suất thiết kế gần 163 nghìn m3/ngày đêm nhưng công suất khai thác, cung cấp thực tế là 99.320 m3/ngày đêm, đạt 64,05% công suất. Riêng vùng nông thôn mới đạt 20% công suất và toàn tỉnh có gần 188.000/226.000 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Căn cứ theo Quyết định số 716/QĐ-UBND ngày 13/4/2022 của UBND tỉnh về chỉ số hoạt động bền vững của công trình cấp nước tập trung, Vĩnh Phúc mới có 10/41 công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững, chiếm 24,39%; 2 công trình hoạt động tương đối bền vững; 3 công trình hoạt động kém bền vững, chiếm 7,32% và 26 công trình không hoạt động, chiếm 63,4%.
 
 
Theo “Bộ chỉ số theo dõi – đánh giá nước sạch nông thôn”, đến hết năm 2021, Vĩnh Phúc có trên 66% hộ dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn nhưng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chỉ đạt 17,18%, tương ứng với 38.847 hộ, thấp nhất so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Riêng 3 huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt dưới 10%. Điều đáng nói là một số địa phương được đầu tư công trình cấp nước sạch nhiều năm nhưng người dân lại không mặn mà sử dụng, trong khi đó, các hộ có nhu cầu sử dụng thì lại chưa được cấp nước.
 
 
Chẳng hạn như tại thị trấn Yên Lạc, mặc dù từ năm 2007, Công ty cổ phần cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc đã đưa công trình cấp nước sạch tập trung công suất 2.500m3/ngày đêm vào hoạt động và đã đấu nối đường ống dẫn nước tới từng hộ dân nhưng qua 15 năm đưa vào sử dụng, công suất khai thác chỉ đạt 160m3/ngày đêm và chỉ có xấp xỉ 5,7% dân số thị trấn Yên Lạc và các xã: Tam Hồng, Trung Nguyên sử dụng. Trong khi đó, dân cư tại một số xã lân cận là Yên Phương, Văn Tiến, Nguyệt Đức có nhu cầu cấp thiết sử dụng nước sạch thì lại chưa có công trình nước sạch.
 
 
Để khuyến khích, đầu tư cho nước sạch nông thôn, giữa tháng 12/2020, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19 về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên đến nay, sau gần 2 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, việc đầu tư xây dựng các dự án nước sạch cung cấp cho địa bàn huyện Tam Đảo, Lập Thạch còn chậm. Bên cạnh đó, việc đầu tư các công trình nước sạch tập trung cho các xã miền núi do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư theo chương trình 134 cũng không hiệu quả, bởi Ban mới bàn giao được 27/34 công trình, trong đó có 20 công trình đã bàn giao nhưng không hoạt động. Đối với 15 công trình do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư cũng có 1 công trình hoạt động chưa hiệu quả và 2 công trình không hoạt động.

Tại nhiều vùng nông thôn của thành phố Hà Nội, người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nông thôn đến nay có khoảng 80% hộ dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Hiện trên địa bàn thành phố còn 160 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung, khiến người dân ở những khu vực này phải sử dụng nước từ những nguồn khác nhau, không bảo đảm chất lượng.
 
 
Tại huyện Mỹ Đức, hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ các nguồn cấp nước tập trung trên địa bàn huyện mới đạt khoảng 10%. Ngay với thị trấn Đại Nghĩa, người dân vẫn chưa có nước sạch từ nguồn cấp tập trung để sử dụng…
 
 
Đáng chú ý, theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 132/160 xã đã có dự án cấp nước tập trung giao cho nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện; 28/160 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án.
 
 
Cụ thể, trong số 132 xã đã có dự án giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện thì 110 xã thuộc 2 dự án phát triển mạng cấp nước đã được UBND thành phố giao Liên danh Aqua One – sông Đuống thực hiện giai đoạn 2017-2020 chưa triển khai; 5 xã của huyện Phúc Thọ có 2 dự án cấp nước sạch giao cho Công ty cổ phần Kỹ thuật môi trường Việt và Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Việt Nam thực hiện từ năm 2017, 2018 cũng chưa triển khai. Ngoài ra, còn 17 xã có dự án cấp nước tập trung tại các huyện Đan Phượng, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ đã giao cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cấp nước Tây Hà Nội; Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua – Công ty cổ phần Cấp thoát nước và môi trường Ba Vì; Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam; Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện nhưng tiến độ còn chậm.

Ngược lại, tại Quảng Ninh, vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch, quy hoạch quan trọng về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, tỷ lệ bao phủ sử dụng dịch vụ cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần thực hiện mục tiêu chủ đề công tác năm của Quảng Ninh “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.

Tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch
Xí nghiệp nước Đông Triều (Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh) thi công lắp đường ống nước sạch. Ảnh QNO

Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đã đạt con số 99,96%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 86,37%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%; tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 70,16%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 67,17%.

Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung ưu tiên xây dựng các công trình nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và những nơi thiếu nguồn sinh thủy nhằm tăng tỷ lệ bao phủ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, từ đó nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Nước sạch được đưa về thôn, bản đã làm bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị cũng từng bước được thu hẹp.

Các xí nghiệp nước tại các địa phương đã rất nỗ lực vận động, hỗ trợ người dân sử dụng nước sạch. Trong tháng 6/2023, Xí nghiệp Nước Đông Triều (Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh) đã phát triển mới thêm 99 hộ sử dụng nước sạch tại các địa phương: Mạo Khê, Đức Chính, Bình Khê, Hưng Đạo, Xuân Sơn, Kim Sơn, Hồng Phong, Yên Thọ và Việt Dân (TX Đông Triều). Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, Xí nghiệp đã và đang huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cấp nước cho các địa bàn phụ trách, vận dụng nhiều biện pháp để tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nguồn nước sạch do Công ty cung cấp để tăng tối đa độ phủ trong khu vực đô thị và vùng lân cận. Cũng trong tháng 6/2023, Xí nghiệp đã đầu tư lắp đặt 1.138m đường ống cấp nước và công nghệ với khái toán trên 105 triệu đồng; nhân dân xã hội hóa xây dựng với tổng số tiền trên 94 triệu đồng để đấu nối nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Trên địa bàn các xã vùng cao của TP Hạ Long hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân chưa được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để sinh hoạt. Trước thực trạng này, TP Hạ Long đã đẩy mạnh việc rà soát, quan tâm, đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh đó, tại khu vực thành thị hiện nay chủ yếu do Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đảm nhiệm cấp nước với hơn 261.380 hộ khách hàng sử dụng. Tỷ lệ người dân đăng ký sử dụng nước sạch ngày càng tăng cao.

Tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch
Nhà máy nước Kim Tinh ( TP Móng Cái). Ảnh QNO

Điển hình là tại TP Móng Cái, trong tháng 6 vừa qua, để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước máy, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã thực hiện đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Kim Tinh từ 6.000m3/ngày đêm lên 10.000m3/ngày đêm; từ 5.400m3/ngày đêm lên 10.000m3/ngày đêm đối với Nhà máy nước Đoan Tĩnh. Đồng thời, có lộ trình đầu tư tuyến ống HDPE D450 dọc tỉnh lộ 335 từ vòng xuyến đại lộ Hòa Bình đến trạm bơm tăng áp xã Hải Xuân với tổng chiều dài 3.000m, dự kiến thực hiện trong năm 2023, đảm bảo an toàn cấp nước cho Hải Hoà, Hải Xuân, Trà Cổ và Bình Ngọc.

Mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe con người và sự phát triển của xã hội, từ đó phát huy hiệu quả đầu tư các công trình nước sạch cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích