Tỷ lệ người mắc mới ung thư ở Việt Nam tăng 9 bậc so với thế giới, vì sao?
Tỷ lệ người mắc mới ung thư ở Việt Nam tăng 9 bậc so với thế giới, vì sao?
Số liệu cập nhật từ ghi nhận ung thư toàn cầu, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) so với ghi nhận năm 2018.
Đây là một trong những thông tin đáng chú ý tại Hội nghị khoa học Phòng chống ung thư thường niên Huế – 2021 do Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Trường Đại học Y dược Huế và Hội Ung thư Việt Nam tổ chức diễn ra tại TP Huế, ngày 24/12.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội nghị năm nay diễn ra bằng cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đáng chú ý, theo Ban Tổ chức, số liệu cập nhật từ ghi nhận ung thư toàn cầu năm 2020 cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận năm 2018.
Cả nước hiện có khoảng hơn 350.000 bệnh nhân đang mắc bệnh ung thư.
Riêng tại Bệnh viện Trung ương Huế, số liệu thống kê cho thấy số lượt bệnh nhân ung thư vào điều trị tại Trung tâm Ung Bướu tăng qua từng năm, mức tăng từ 30-45%.
Các loại ung thư thường gặp nhất vẫn là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, vú, dạ dày, các ung thư vùng đầu-cổ.
“Hội nghị đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các đồng nghiệp chuyên ngành ung bướu trên cả nước, với trên 100 bác sĩ tham dự trực tiếp và trên 600 bác sĩ tham dự bằng hình thức trực tuyến”- GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trưng ương Huế cho hay.
Ngoài phản ánh bức tranh phòng, chống ung thư hiện nay, trong đó nổi bật là các bệnh ung thư ở trẻ em, điều trị đa mô thức và những vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư.
Hội nghị còn là cơ hội để các đội ngũ ngành Y trong nước cùng các chuyên gia uy tín nước ngoài trao đổi kinh nghiệm, cũng như cập nhật những thành tựu mới nhất trong phòng, chống bệnh ung thư tại Việt Nam và trên thế giới.
Năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được 88 bài báo khoa học chất lượng cao về mặt chuyên môn cũng như những bước phát triển vượt bậc trong việc ứng dụng và phát huy về mặt khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng điều trị ung thư đã được được gửi đến, trong đó có 10 báo cáo của các chuyên gia nước ngoài (đến từ Hoa Kỳ, Nhật, Singapore, Đài Loan), 70 bài được chọn báo cáo tại Hội nghị…
Các chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên nước ngoài và trong nước tham gia hội nghị bằng hình thức trực tuyến.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị năm nay sẽ tổ chức Tập huấn điều trị ung thư đa chuyên khoa (Multi-disciplinary Cancer Management Course-MCMC) với các chủ đề về ung thư vú – phụ khoa, ung thư Nhi khoa và Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, qua nhiều năm tổ chức, Hội nghị khoa học Phòng chống ung thư đã chứng tỏ uy tín về chất lượng khoa học, thu hút sự quan tâm của các nhà thực hành lâm sàng ung bướu trên cả nước và quốc tế, trở thành hội nghị khoa học thường niên của Hội Ung thư Việt Nam.
“Thành công của các hội nghị khoa học sẽ đánh dấu một bước phát triển mới của chuyên ngành ung bướu, tạo được niềm tin của người bệnh vào chất lượng chăm sóc và điều trị ung thư tại Việt Nam nói chung và Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, GS.TS Phạm Như Hiệp cho hay.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cũng cho biết, thời gian qua Bộ Y tế và tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm, chỉ đạo từ hoạch định chiến lược cho đến đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… nhằm từng bước cải thiện và nâng cao hiệu quả, chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị