Tỷ lệ hộ nghèo tại TP. Hồ Chí Minh giảm còn 0,33%

Báo cáo tham luận tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, năm 2023, ngành (LĐTB&XH) TP.HCM với sự nỗ lực cao, với tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các chỉ tiêu trên lĩnh vực ngành đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Theo đó, có 70/70 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó nổi bật là việc thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt vượt kế hoạch như: Giải quyết việc làm cho hơn 315.000 lượt người (đạt 105,3% kế hoạch năm) (trong đó: số chỗ việc làm mới là hơn 141.000 lao động (đạt 101% kế hoạch năm); kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4% (đạt 3,9%).

Tỷ lệ hộ nghèo tại TP. Hồ Chí Minh giảm còn 0,33%
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại điểm cầu TP.HCM.

Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo thực hiện là hơn 118.000 người lao động được cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận (đạt 101,4% kế hoạch năm) nâng tổng số lao động đã qua đào tạo hơn 4,4 triệu người đạt tỉ lệ 87,27% (vượt 0,82% kế hoạch năm). Thực hiện giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công cho Chương trình giảm nghèo bền vững để cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm với số tiền 2.796 tỷ đồng.

Thực hiện giảm hơn 13.200 hộ nghèo (đạt 137,2% kế hoạch năm) và giảm gần 11.000 hộ cận nghèo (đạt 154,2% kế hoạch năm). Đến cuối năm 2023, TP.HCM còn hơn 8.200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,33% so với tổng hộ dân của TP.HCM và hơn 14.500 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,57% so với tổng hộ dân của TP.HCM.

Cũng theo ông Dương Anh Đức, trong măm 2023, TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tập trung thực hiện và đề ra các giải pháp để hỗ trợ cho người lao động bị giảm việc làm, mất việc làm nhằm ổn định cuộc sống và hỗ trợ giới thiệu việc làm, chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị mất việc nhằm hạn chế việc đình công, lãn công, ngừng việc tập thể đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa.

Tỷ lệ hộ nghèo tại TP. Hồ Chí Minh giảm còn 0,33%
Lãnh đạo TP.HCM thăm các gia đình chính sách, người có công.

Trong năm 2024, TP.HCM tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đào tạo nhân lực trình độ cao gắn với các trường trọng điểm của Thành phố nhằm hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Tăng cường công tác đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn TP.HCM như lao động nông thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tập trung các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, kết nối thông tin cung – cầu lao động để giải quyết việc làm cho người lao động và giải quyết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm.

Tổ chức tuyên truyền các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Bộ luật Lao động và các văn bản có liên quan đến người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp gắn với thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa ổn định, đảm bảo các chế độ quyền lợi của người lao động.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và thân nhân; đảm bảo hộ gia đình có thành viên chính sách có công đang hưởng chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi Người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống bình quân của khu dân cư nơi cư trú; tiếp tục quan tâm tham mưu nâng cao chế độ cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định.

Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo TP.HCM tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm,… nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp xã hội. Thực hiện chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em, qua đó thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em. Tăng cường lãnh đạo về công tác bình đẳng giới; nâng cao vị thế phụ nữ; thực hiện đồng bộ các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích