Tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 4,1%
Tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 4,1%
Theo một kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện ở nhóm tuổi từ 18-69 cho thấy, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 4,1%.
Ngày 14-8, tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khai giảng khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về bệnh lý tăng huyết áp và đái tháo đường cho bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng thuộc trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã.
Chỉ có khoảng 43% người bị tăng huyết áp và 30% bị đái tháo đường từng được phát hiện bệnh
Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, tăng huyết áp và đái tháo đường là hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tim mạch và cũng là những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam và toàn cầu.
Hiện nay, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp và đái tháo đường ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp. Trong đó còn tỷ lệ tương đối cao bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh.
Nguy hiểm hơn, người bệnh không phải lúc nào cũng có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên nhiều người trong số họ không biết mình mắc bệnh.
“Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây nên tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và tử vong. Trong đại đa số các trường hợp, tăng huyết áp xảy ra không có triệu chứng gì, chính vì vậy mà nó được gọi là “kẻ giết người thầm lặng””- TS Hiền nói.
Bệnh đái tháo đường ở Việt Nam cũng đang gia tăng rất nhanh đặc biệt ở người trẻ và trẻ em, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Theo điều tra quốc gia trên quy mô toàn quốc ở lứa tuổi 30-69 tuổi, năm 2002 khoảng 2,3% mắc đái tháo đường. 10 năm sau tỷ lệ này tăng lên 5,4% và kết quả điều tra mới nhất năm 2021, tỷ lệ này là 7,1%. Theo đó, ở Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường. Bệnh gây ra tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là tim, mạch máu, thận, thần kinh.
Theo ông, bệnh không lây nhiễm ngày nay là bài toán khó với ngành y tế. Theo thống kê, chỉ có khoảng 43% số người bị tăng huyết áp và 30% số người bị đái tháo đường từng được phát hiện bệnh. Số người bệnh không được phát hiện, quản lý rất lớn.
Vì thế, khóa đào tạo này nhằm góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán, xử lý các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cho các nhân viên thuộc các trung tâm y tế của Hà Nội.
Quản lý người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại cơ sở giúp giảm tỷ lệ người mắc, biến chứng, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên
Trong phát biểu tại sự kiện, TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay số lượt khám bệnh, số bệnh nhân quản lý tại hệ thống y tế cơ sở nhiều nhưng nguồn thu rất thấp.
Vấn đề là khi triển khai khám chữa bệnh cấp ban đầu làm sao chúng ta thực hiện tốt việc quản lý bệnh nhân khám ban đầu.
“Quan trọng nhất là chúng ta phải có bệnh nhân “trung thành” – ở đây là những người mắc bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường…”- TS Hưng nói và lấy ví dụ, một trung tâm y tế quản lý khoảng 10.000 bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, trung bình mỗi tháng khám một lần sẽ là 10.000 lượt khám. Như vậy, chia trung bình 22 ngày làm việc trong tháng thì mỗi ngày trung tâm khám khoảng trên 400 bệnh nhân.
“Đây là con số rất lớn. Chúng tôi cho rằng khóa học hôm nay rất thiết thực nhằm chuyển giao công nghệ, quy trình khám, quản lý bệnh nhân mãn tính với 2 bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp, 2 bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất”- TS Hưng nói.
Ông Hưng cho biết ngành Y tế đã tham mưu Thành phố xây dựng Đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND TP Hà Nội đến năm 2030, trong đó, phát triển các phòng khám đa khoa và trạm Y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại cấp ban đầu, đặc biệt các Trung tâm Y tế cần làm tốt việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp và đái tháo đường ngay tại địa phương.
Thông qua các khóa đào tạo bồi dưỡng rất thiết thực này, giúp cán bộ y tế nắm được quy trình khám, tư vấn, quản lý bệnh nhân mắc tăng huyết áp và đái tháo đường.
TS Nguyễn Đình Hưng cho biết, riêng bệnh đái tháo đường tổng chi phí từ quỹ BHYT chiếm khoảng 4,5%, nếu chúng ta làm tốt được việc này giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Việc chẩn đoán, điều trị, dự phòng sớm đối với bệnh nhân mắc tăng huyết áp và đái tháo đường ngay tại tuyến y tế cơ sở là vô cùng quan trọng, giúp giảm tỷ lệ người mắc, biến chứng, tăng cường các biện pháp điều trị, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
TS Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoài việc đào tạo nâng cao kiến thức, tay nghề cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở, còn thực hiện kết nối trực tiếp với Bệnh viện Tim Hà Nội, đây là bệnh viện tuyến thành phố, được Bộ Y tế công nhận là tuyến cuối của trung ương. Bệnh viện đã hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý; giảm quá tải tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên cũng như cứu sống nhiều người bệnh.
Chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về bệnh lý tăng huyết áp và đái tháo đường cho bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng thuộc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đã thu hút hơn 1130 lượt học viên đăng ký là các cán bộ, nhân viên y tế đến từ 25 Trung tâm y tế trên địa bàn Hà Nội.
“Với 6 buổi tập huấn cho mỗi lớp về nội dung “Quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo (dành cho bác sĩ, y sĩ)” và “Chăm sóc người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường (dành cho điều dưỡng)”, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống lại bệnh Tăng huyết áp, Đái tháo đường, phục vụ hiệu quả cho việc tự phòng chống, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân”- Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Nguyễn Sinh Hiền bày tỏ.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị