Tỷ giá VND/USD đã hạ nhiệt khi USD quốc tế dần đuối sức
Trên thị trường quốc tế, giá USD hôm nay đã dần đuối sức sau khi tăng lên mức đỉnh 10 tháng. Tuy vậy, chỉ số US Dollar Index (DXY) – đo lường biến động của đồng đô la Mỹ so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt – vẫn giữ được mốc 106 điểm.
Sức mạnh của đồng bạc xanh được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế lạc quan của Mỹ và những nhận xét mang tính dự đoán từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến tạo đà tăng cho đồng USD. Trong khi đó, lợi tức trái phiếu Mỹ lên mức cao nhất 16 năm.
Ở thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (29/9/2023) ở mức 24.089 đồng/USD, tăng 1 đồng so với hôm qua, lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Tỷ giá bán được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng lên 1 đồng, đưa phạm vi mua – bán lên mức 23.400 – 25.243 đồng/USD.
Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại hôm nay quay đầu đi xuống, giảm tới gần 100 đồng so với sáng qua. Giá USD bán ra tại nhiều ngân hàng đã mất mốc 24.500 đồng/USD.
Cụ thể, chiều nay, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.120 – 24.490 đồng/USD (mua vào – bán ra), giảm 70 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với sáng qua.
Còn Sacombank giao dịch USD với giá 24.130 đồng/USD (mua vào) và 24.485 đồng/USD (bán ra), giảm 70 đồng/USD ở chiều mua vào và giảm 75 đồng/USD ở chiều bán ra so với sáng qua.
Vietinbank giao dịch USD ở mức giá 24.089 đồng/USD (mua vào) và 24.509 đồng/USD (bán ra), giảm 91 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với sáng qua.
Tại thị trường tự do, giá USD hôm nay được giao dịch phổ biến quanh mức 24.370-24.450 đồng/USD (mua vào – bán ra), không đổi so với phiên liền trước đó ngày 28/9.
Như vậy, giá mua USD trên thị trường tự do hiện đã cao hơn giá mua USD tại các ngân hàng thương mại tới gần 300 đồng/USD. Còn giá bán USD tại thị trường tự do gần bằng giá bán USD tại các ngân hàng thương mại.
Được biết, ngoài việc giá USD quốc tế dần đuối sức sau chuỗi tăng mạnh thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đưa ra các giải pháp nhằm hạ nhiệt tỷ giá.
Cụ thể, nhằm hạ nhiệt tỷ giá, NHNN đã liên tục tổ chức phát hành tín phiếu để hút tiền ra khỏi hệ thông ngân hàng. Sau 6 phiên phát hành tín phiếu liên tiếp gần đây của NHNN đã hút gần 90.000 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân hút tiền qua kênh tín phiếu, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, USD tăng giá mạnh thời gian gần đây, hiện NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đang điều hành để ổn định tỷ giá. Tuy vậy, ông Hà cũng nêu thế khó của nhà điều hành khi lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Về việc điều hành tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng từng thừa nhận đây là bài toán rất khó. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích, về mặt kinh tế học, lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng. Do đó, điều hành tỷ giá cần phải có sự hài hòa trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, tỷ lệ nhập khẩu/GDP gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn.
Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn và kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND. Tuy nhiên, hoạt động này không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ. Thông qua nghiệp vụ này, NHNN có thể điều chỉnh mức lãi suất trên thị trường 2 để cân đối giữa áp lực tỷ giá và hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất thị trường 1.
Mặt khác, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng chưa có sự thay đổi quá lớn trong những phiên gần đây, cho thấy thanh khoản trên thị trường 2 vẫn rất dồi dào và hoạt động phát hành tín phiếu nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì.
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu