Tỷ giá và diễn biến của những yếu tố tác động

Bởi lãi suất USD, giá vàng tăng vọt và đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu thô là những lý do quan trọng đẩy sức ép trên thị trường ngoại hối lên cao trong 3 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, sức ép tỷ giá thời gian qua, được đánh giá là do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng trong bối cảnh lãi suất VND giảm sâu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3, nhu cầu USD trong nước có dấu hiệu tăng để phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Số liệu thống kê cũng cho thấy nhập khẩu nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng lên đáng kể. Đây là tín hiệu tốt vì thường doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất chế biến xong mới xuất khẩu được, nhưng sẽ gây áp lực đến tỷ giá ngân hàng.

Ngoài ra, hiện tượng đầu cơ USD cũng được đặt vấn đề trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong những tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng, cùng với đó là sự bùng nổ của thị trường vàng.

Trước diễn biến áp lực của tỷ giá từ giữa tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái mới trên thị trường khi phát hành tín phiếu. Ước tính trong tháng 3, khoảng 164.300 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước “hút” về trên thị trường liên ngân hàng.

Diễn biến này được xem là một trong phương án “nhẹ nhàng” nhất để giảm áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, cho đến nay hành động này có vẻ như vẫn chưa đủ mạnh để thị trường ngoại hối bớt căng thẳng.

Biến động tỷ giá chịu tác động bởi cả yếu tố trong nước và quốc tế. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Trong khi đó, tuần đầu tháng 4 cũng có những diễn biến mới đáng chú ý trên thị trường tiền tệ. Chẳng hạn, trong phiên ngày 2/4, Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu, mà còn ngược lại mua gần 6.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4% từ một tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều ngày 3/4, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nói rằng công cụ để giảm sức ép cho tỷ giá vẫn còn nhiều, trong đó có thể can thiệp để giữ ổn định nếu cần thiết. Thông tin thêm cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến cuối năm 2023 ước khoảng 100 tỷ USD.

Ngoài ra, trên thị trường liên ngân hàng cũng có diễn biến mới. Theo đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm trong phiên giao dịch 2/4 đã vọt lên mức 4,35%/năm, so với con số trên 3% trước đó. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn được đánh giá là chưa có biến động lớn.

Trên thực tế cho đến nay, áp lực lên tỷ giá vẫn chưa phải là đỉnh điểm. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2024, chỉ số giá USD tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Các báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm tập trung điều hành.

Lý giải về nguyên nhân tỷ giá tăng “nóng”, theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước đánh giá, là có nhiều yếu tố tác động nhưng có 3 lý do cơ bản sau:

Một là, hiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa đưa ra thời điểm cụ thể về nới lỏng chính sách tiền tệ để hạ lãi suất, nên giá trị đồng USD tăng cao, từ đó tác động đến các đồng tiền khác trong khu vực, nên cũng tác động đến VND trong quan hệ với USD.

Hai là, chính sách hạ lãi suất của Việt Nam thời gian qua đã tạo ra sự bất cập khi đưa chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng xuống mức âm, càng tạo áp lực khiến USD “nóng” hơn.

Ba là, trong 3 tháng đầu năm, tình hình nhập khẩu tương đối tích cực nên nhu cầu ngoại tệ tăng cao hơn giai đoạn trước đây.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ mất giá của USD so với các đồng tiền khác trong khu vực vẫn ở mức thấp. Ngân hàng Nhà nước thông tin, theo tính toán, năm 2023, VND mất giá 2,9%, hiện trên thị trường liên ngân hàng thì tỷ giá VND với USD đang tăng 2,6%. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước nhận định, tỷ giá là một trong những chỉ số quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô, do không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền, sức mua mà còn nhiều chính sách kinh tế, đặc biệt là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định tâm lý thị trường, niềm tin của nhà đầu tư. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo điều hành thị trường ngoại hối thận trọng, linh hoạt, làm sao để điều hành tỷ giá lên xuống trong xu thế chung, đảm bảo ổn định sức mua đồng tiền, duy trì cho hài hòa trạng thái ngoại tệ, đảm bảo cân đối ngoại tệ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp và hoạt động xuất, nhập khẩu…

 

Box: Ngoài các công cụ chính sách tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần các yếu tố như truyền thông tạo niềm tin cho thị trường, tránh tâm lý găm giữ ngoại tệ.

Trên thực tế, với lượng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, trong trường hợp cuối cùng cần thiết thì vẫn can thiệp để đảm bảo sự ổn định. Nên cần truyền thông để doanh nghiệp, người dân hiểu là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, điều hành quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng sử dụng công cụ một cách tích cực để đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá trong thời gian tới, báo cáo NHNN nhấn mạnh.

Hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh tới nhiệm vụ ổn định thị trường ngoại hối, từ đó phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Năm nay, dòng chảy vào của USD vẫn tiếp tục được dự báo sẽ ổn định nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp, thậm chí gián tiếp và xuất khẩu, du lịch. Vì vậy, các định chế tài chính lớn hầu hết đều dự báo lãi suất khó có thể giảm thêm và cũng khó có thể tăng mạnh.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích