Tuyên Quang: Rừng phải là nguồn lực, động lực trong phát triển kinh tế – xã hội
Tuyên Quang: Rừng phải là nguồn lực, động lực trong phát triển kinh tế – xã hội
Theo dõi MTĐT trên
Tuyên Quang đã có những bước đi mạnh mẽ, đáp ứng được đúng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Đảng, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh.
Chiều 21/3, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/2/2017 (Chỉ thị 13) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Tuyên Quang đã đạt được kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, không những nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, mà còn thu hút nhiều dự án đầu tư vào trồng, chế biến gỗ rừng trồng. Tỉnh mong nhận được nhiều nguồn lực hơn nữa để Tuyên Quang đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp, để người dân thực sự sống được từ trồng rừng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các thành viên trong đoàn công tác đóng góp ý kiến để tỉnh có các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Trong nhiều năm qua, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cấp, các ngành và từng người dân được nâng lên rõ rệt; công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên được thực hiện nghiêm ngặt. Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 62% năm 2017 lên 65,2% năm 2022 (đứng thứ ba cả nước).
Tỉnh cũng triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp, trọng tâm là phát triển kinh tế rừng, thực hiện chặt chẽ, hợp lý, hiệu quả việc luân chuyển giữa trồng, khai thác và chế biến rừng trồng. Trung bình hàng năm tỉnh trồng trên 10.000 ha (thuộc tốp đầu các tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước); sản lượng khai thác trên 1 triệu m3 gỗ rừng trồng/năm (đứng đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng). Tuyên Quang cũng là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế, đạt trên 43.800 ha. Tỉnh đã bước đầu hình thành trung tâm chế biến gỗ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh, đảm bảo an sinh, an toàn, môi trường sinh thái của địa phương. GRDP ngành lâm nghiệp của tỉnh năm 2022 đạt trên 1.750 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm, đời sống của người dân trồng rừng không ngừng được nâng lên, lâm nghiệp của tỉnh đã trở thành một ngành kinh tế hiệu lực, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, bền vững.
Tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2030; đồng thời đề ra chủ trương: “Gắn chặt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả ngành lâm nghiệp, từng bước xây dựng trung tâm chế biến gỗ lớn tại Tuyên Quang gắn với phát triển vùng nguyên liệu bền vững; tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, đặc biệt là người làm nghề rừng”.
Tại buổi làm việc, tỉnh Tuyên Quang đề xuất với Đoàn công tác một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như quan tâm, phân bổ ngân sách Trung ương cho các địa phương khó khăn thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể; đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển giai đoạn hiện nay, sớm quy định cơ chế chính sách về thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng.
Các đại biểu đã thảo luận về các nội dung liên quan quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp; công tác kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý về rừng tại địa phương, đặc biệt là công tác phát triển kinh tế lâm nghiệp – coi đây là lĩnh vực đa mục tiêu (kinh tế, du lịch, môi trường…), nâng cao đời sống của người làm nghề rừng; công tác cải tạo trồng rừng thay thế đối với các diện tích rừng nghèo kiệt, kém chất lượng; các chính sách phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh biểu dương kết quả tỉnh Tuyên Quang đạt được trong công tác phát triển và bảo vệ rừng, đặc biệt là việc thực hiện hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho người dân, trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Tuyên Quang cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện đóng cửa rừng để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên. Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, mô hình phát triển kinh tế rừng ở Tuyên Quang là điển hình cần được tổng kết, nhân rộng trong thời gian tới.
Những ý kiến của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, doanh nghiệp, người dân trong tỉnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp tương đối đầy đủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu, bổ sung hoàn thiện báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị. Qua đây cũng giúp Trung ương đưa ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, quản lý, phát triển rừng trong giai đoạn tiếp theo.
Đưa Tuyên Quang trở thành Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng chí Trưởng Ban kinh tế Trung ương đề nghị, Tuyên Quang cần tiếp tục phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế rừng, bảo đảm kinh tế rừng thành nguồn lực, động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; thực hiện nghiên cứu, thí điểm, triển khai các mô hình phát triển rừng bền vững bằng phương thức nông lâm kết hợp và trồng cây phân tán để đa dạng hóa sản phẩm từ rừng.
Tuyên Quang cũng phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của ngành chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ, đồng thời bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ không chỉ cho khu vực mà cả toàn quốc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị