Tuyên Quang: Ô nhiễm môi trường từ chế biến dong riềng
Tuyên Quang: Ô nhiễm môi trường từ chế biến dong riềng
Theo dõi MTĐT trên
Bên cạnh thành tựu về kinh tế, ô nhiễm môi trường nông thôn đã xuất hiện ở một số khu vực, đặt ra cho các cơ sở những yêu cầu bức thiết trong công tác bảo vệ môi trường.
Sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng góp phần giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường. Làm thế nào để hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường là bài toán mà huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đang quan tâm.
Trước đây, cứ vào vụ thu hoạch dong riềng, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất chế biến bột dong riềng trên địa bàn xã Lực Hành (Yên Sơn) lại diễn ra. Tại một số cơ sở, quy trình làm ra tinh bột chủ yếu được thực hiện bằng máy móc thô sơ, toàn bộ nước thải từ khâu rửa củ đến nước thải sau khi tách tinh bột đều được xả trực tiếp ra môi trường chứ không qua hệ thống xử lý chất thải. Bã dong riềng kết hợp cùng nước xả thải tạo thành mùi chua nồng, bốc mùi hôi khó chịu.
Theo ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành, xã hiện có trên 80 ha diện tích dong riềng với gần 30 cơ sở chế biến lớn nhỏ. Năm 2020 là thời điểm môi trường xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi con suối chạy dọc xã với chiều dài hơn 7 km chuyển sang màu đen và sủi bọt, bốc mùi. Để khắc phục tình trạng trên, xã yêu cầu các cơ sở chế biến phải xây bể xử lý chất thải. Trước khi bước vào vụ sản xuất, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ các cơ sở ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường; thành lập tổ tự quản thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, nếu cơ sở nào vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, vào mỗi vụ sản xuất, lượng chất thải từ các cơ sở sơ chế xả ra là rất lớn.
Dù các cơ sở đã sử dụng viên chế phẩm giúp khử mùi chua của nước, bã dong riềng được tập kết tại 1 điểm và tận dụng làm phân bón cho cây nhưng với công suất sản xuất lớn vào mỗi vụ thì việc xử lý bã thải, nước thải chưa thể đảm bảo nên vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây vẫn chưa được xử lý triệt để.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, vấn đề ô nhiễm môi trường tại cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tiềm ẩn những vấn đề đáng quan tâm. Bên cạnh những cơ sở thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường vẫn còn những cơ sở hiệu quả xử lý chất thải chưa cao, chưa đảm bảo quy định. Đơn cử như quá trình nổ mìn lấy đá và hoạt động xe chở đá của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Huy Linh và Công ty TNHH 1 thành viên vật liệu xây dựng Nhật Tân tại thôn Vĩnh Sơn, xã Tân Thanh (Sơn Dương) gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân nhiều năm qua.
Những tiếng nổ từ mỏ đá làm rung chuyển đất khiến nhà cửa nhiều hộ dân bị nứt, ngấm nước khi mưa to, cây cối quanh khu vực luôn được phủ lớp bụi trắng, nhiều nhà dân phải đóng cửa kín mít. Đến nay, thôn có 4 nhà dân bị nứt, 31 hộ có đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều hộ bị ảnh hưởng bụi đường. Mặc dù tháng 1-2022, 2 đơn vị đã đền bù về hoạt động của công ty ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là việc trước mắt, còn về lâu dài khói bụi sẽ gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người, việc nhà bị nứt cần sớm khắc phục tránh nguy cơ sập nhà dân bất cứ lúc nào.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Tuyên Quang có số lượng ngành, nghề phong phú: sản xuất chế biến gỗ, chế biến chè, cơ khí, khai thác đá… Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở chủ yếu nằm xen kẽ trong khu vực dân cư sinh sống ảnh hưởng đến môi trường như: tiếng ồn, bụi phát tán, mùi hôi, nước xả thải. Tại các xưởng sản xuất gỗ nằm xen lẫn trong khu dân cư còn sử dụng hóa chất để ngâm tẩm xử lý gỗ, hóa chất phun sơn, đánh bóng. Những hóa chất này nếu không có biện pháp xử lý đúng cách rất dễ gây ngộ độc đối với người làm, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, gây các bệnh về đường hô hấp.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, nhiều cơ sở đã chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc và nhận được sự hỗ trợ từ các ngành chức năng. Năm 2022, được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công tỉnh (Sở Công thương) và tham gia lớp tập huấn, Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) đã đưa vào sử dụng 4 lò đốt khí hóa sinh khối trong chế biến chè.
Theo ông Phạm Văn Luận, Giám đốc HTX, từ khi có lò đốt khí hóa sinh khối ông nhận thấy lượng khói bụi thải ra môi trường không có lại tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ giúp cắt giảm chi phí đầu tư, tăng giá thành sản phẩm. Quá trình sản xuất công nhân làm không bị cộm, ngứa mắt, ho vì những bụi than bay ra như trước đây.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cho biết, để khắc phục nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng rất cần ý thức từ chính chủ cơ sở trong việc xử lý chất thải; cần có định hướng quy hoạch làng nghề, cơ sở sản xuất nằm xen kẽ tại khu dân cư.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các địa phương triển khai đồng bộ giải pháp quản lý bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất. Trong đó, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về môi trường, quan trắc đánh giá chất lượng môi trường và dự báo diễn biến mức độ ô nhiễm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất; tuyên truyền tới các cơ sở, doanh nghiệp hình thành điểm thu gom, trao đổi, tái sử dụng, tái chế chất thải từ hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp trên địa bàn nông thôn./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị