Tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội: Tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu
Trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết
Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) bày tỏ băn khoăn việc đưa đối tượng người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên hưởng trợ cấp hưu trí xã hội vào dự thảo Luật.
Đại biểu cho biết, trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, nếu không thực hiện và mang sang Luật này thì Luật Người cao tuổi và Nghị định 20 quy định về chính sách xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội vẫn đang được thực hiện, nếu không bổ sung nhóm đối tượng này vào Luật Bảo hiểm xã hội thì người cao tuổi vẫn hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định.
Theo đại biểu, chính sách về bảo hiểm xã hội là thực hiện theo nguyên tắc “đóng hưởng”, trong khi trợ cấp cho nhóm đối tượng này hoàn toàn do ngân sách nhà nước chi trả, vậy liệu quy định vào dự thảo Luật có phù hợp hay không?
Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được trợ cấp xã hội hằng tháng. Nhưng dự thảo Luật lại quy định trợ cấp hưu trí xã hội cho tất cả công dân từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Đại biểu đặt vấn đề, quy định như vậy sẽ bỏ Điều 17 trong luật Người Cao tuổi năm 2009 hay giữ nguyên Điều 17?
Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn quy định này về đối tượng, độ tuổi, tên gọi, mức trợ cấp, các chính sách có liên quan, nguồn lực thực hiện và tính liên thông, tính đa tầng với các quy định khác nhằm bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc đã nêu trong dự thảo Luật.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) cho rằng, quy định giảm độ tuổi từ 80 xuống 75 thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, về kỹ thuật thì nên đưa vào Luật này hay chỉnh sửa trong Luật Người cao tuổi, cần tiếp tục cân nhắc thêm sao cho phù hợp và đồng bộ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Đại biểu đề nghị nên quy định cụ thể mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng so với mức lương tối thiểu.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, việc quy định mức tiền cụ thể trong quy định liên quan đến trợ cấp hưu trí xã hội này là không nên, vì sẽ có trượt giá và các vấn đề liên quan đến lương hưu ở các thời điểm khác nhau. Chúng ta mong muốn luật được xây dựng sẽ có thể áp dụng được trong thời gian dài, nên cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần cân nhắc xem xét, sửa đổi theo hướng quy định ở mức lương cơ sở và tính trượt giá, các nội dung cụ thể thì giao Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp, có mức tương đồng theo hướng tốt hơn so với Luật Người cao tuổi.
Người cao tuổi rất phấn khởi
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn tỉnh Kiên Giang) cũng nhìn nhận, trợ cấp hưu trí xã hội là quy định nhân văn, đáp ứng mong muốn của cử tri. Dự thảo Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Đại biểu cho biết, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri, nhất là người cao tuổi rất phấn khởi với quy định trên.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn thành phố Hà Nội) nêu quan điểm, các quy định về trợ cấp hưu trí xã hội là rất cần thiết. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay có 16,1 triệu người cao tuổi, nhưng chỉ có 5,1 triệu người cao tuổi có lương hưu và trợ cấp, còn lại 11 triệu người không có khoản thu nhập về lương hưu, trợ cấp sau 60 tuổi.
Về ý kiến băn khoăn khi quy định về trợ cấp, hưu trí xã hội thì có mâu thuẫn với Luật Người cao tuổi hay không, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, Luật Người cao tuổi được ban hành năm 2009, lúc đó chúng ta có 7 triệu người cao tuổi, GDP bình quân đầu người là 1200 USD/người. Đến nay, số người cao tuổi đã tăng hơn gấp đôi, GDP cũng đã tăng cao, không nên chỉ dừng lại ở mức độ 80 tuổi mới được trợ cấp xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội |
Nhiều cử tri cao tuổi đề nghị Quốc hội giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi. Đại biểu nhấn mạnh, việc đưa vào dự thảo Luật lần này là một đột phá trong chính sách an sinh xã hội, thể hiện tính ưu việt của Đảng, nêu cao mục tiêu vì con người, để người cao tuổi sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc.
Tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu
Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các phương án trong dự án Luật trình trước Quốc hội là góp phần thể chế hóa nguyên tắc tiến tới là bảo hiểm xã hội đa tầng và bảo hiểm xã hội toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ đây là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là cao tuổi và không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội hàng tháng và để có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này có mức lương hưu cao hơn.
Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội trước mắt, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước. Điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Nguồn: Báo lao động thủ đô