“Túi đồ thảm họa” – cách người Nhật Bản chuẩn bị sẵn để đối phó với thiên tai
“Túi đồ thảm họa” – cách người Nhật Bản chuẩn bị sẵn để đối phó với thiên tai
Những túi đồ nghề chuẩn bị cho thảm họa không phải là thứ mới lạ ở Nhật Bản, nhưng chúng thường xấu xí, cồng kềnh đến mức mọi người thích giấu chúng ở những nơi không ai nhìn thấy.
Trận động đất mạnh 7,1 độ ở Kyushu ngày 8/8, với những lời cảnh báo về nguy cơ xảy ra một trận “siêu động đất” lớn hơn, đã nhắc nhở người Nhật Bản rằng họ phải luôn luôn ở trong trạng thái chuẩn bị cho mọi thảm họa.
Và chính vì vậy, những túi đồ nghề thiết kế dành riêng cho các cá nhân, gia đình sử dụng khi xảy ra thảm họa đã trở thành một vật dụng thiết yếu trong cuộc sống của người dân Nhật Bản.
Túi đồ nghề dành cho thảm họa với thiết kế tiện lợi
Những túi đồ nghề chuẩn bị cho thảm họa không phải là thứ mới lạ ở Nhật Bản, nhưng chúng thường xấu xí, cồng kềnh đến mức mọi người thích giấu chúng ở những nơi không ai nhìn thấy, và do đó cũng rất khó tiếp cận mỗi khi thảm họa xảy ra.
Để giải quyết vấn đề này, Sugita Ace, một công ty nổi tiếng tại Nhật Bản đã cho ra mắt Sonaete, một loạt các bộ dụng cụ khẩn cấp thời trang được thiết kế sao cho trông chúng thật đẹp mắt khi bày biện tại nhà.
Bộ đồ nghề gồm 3 vật dụng: một ba lô 28 lít, một hộp đựng to một thùng đựng giấy và một túi đeo chéo mỏng, tất cả đều có lớp vỏ ngoài màu trắng nổi bật với họa tiết caro đen trắng.
Chiếc balo Emergency Bag chống thấm nước có giá 28.380 yen (khoảng 4,7 triệu đồng) được đóng gói mọi thứ cần thiết trong trường hợp xảy ra thảm họa, bao gồm mũ bảo hiểm, còi, radio bỏ túi, đồ sơ cứu cơ bản, đồ dùng vệ sinh, chăn giữ nhiệt bằng alumin, pin dự phòng, dây nối dài, nước đóng chai Izameshi, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu khác.
Đối với không gian nhỏ hơn, bộ dụng cụ khẩn cấp nhỏ gọn, đóng hộp có giá 10.780 yen (khoảng 1,8 triệu đồng) không chứa các vật dụng cồng kềnh như mũ bảo hiểm nhưng có thể dễ dàng cất vào tủ hồ sơ hoặc kệ đựng đồ. Bộ dụng cụ này bao gồm một balô có thể gấp lại, đèn :LED, radio bỏ túi, chăn alumin, áo mưa, đồ dùng vệ sinh, còi, khăn giấy ướt, miếng dán giữ ấm, nước đóng chai Izameshii và một ít bánh kẹo.
Lựa chọn nhỏ nhất – Túi khẩn cấp trị giá 4.180 (700.000 đồng) được thiết kế để mang theo hàng ngày và có phần nắp trong suốt để sử dụng điện thoại thông minh. Nội dung của nó bao gồm một miếng alumin nhôm giữ ấm, bộ dụng cụ vệ sinh, còi và đèn LED, khăn ướt và đồ ăn nhẹ.
Về cơ bản, những vật dụng này được Sonaete đóng gói một cách thông minh và xinh xắn hơn. Và nhờ vậy, có thể thể giúp người sử dụng phản ứng với thảm họa nhanh hơn vài giây.
Còi báo động
Những chiếc còi báo động dễ thương hình chim hoàng yến +d Canary có giá 1.870 yen (hơn 300.000 đồng) được bày bán trên gian hàng trực tuyến Koncent cũng khiến nhiều người thích thú.
Với tạo hình ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt, những chiếc còi báo động do Hayato Horie thiết kế vừa là vật trang trí tường hấp dẫn, vừa có thể dễ dàng sử dụng.
Những chiếc còi này được gắn nam châm ở mặt sau, có thể dán lên mặt tủ lạnh hoặc những bề mặt kệ bằng kim loại khác. Và thiết kế “trẻ con” này không khiến những chiếc còi này mất đi sức mạnh của một vật dụng báo động khẩn cấp. Âm thanh của nó phát ra lên đến 90 dB (gấp đôi tiếng máy hút bụi to ở gần đó), với tầm số 4.000 Hz.
Đèn LED hoạt động nhờ hơi ẩm
Những chiếc đèn LED Aqumo nhỏ gọn chỉ cần một chút hơi ẩm là có thể hoạt động được. Sau khi làm ẩm đế đèn trong khoảng 2 giây, chiếc đèn có thể sáng trong tối đa 168 giờ. Nếu không sử dụng mà cất giữ trong môi trường khô ráo, đèn có thời hạn tối đa lên tới 10 năm.
Chiếc đèn sử dụng công nghệ pin nhiên liệu tạo ra điện, theo đó oxy trong nước sẽ kích hoạt phản ứng hóa học với Magie để tạo ra điện tích. Và hầu hết các loại chất lỏng đều có thể sử dụng được, từ nước máy, nước mưa, đồ uống, nước bọt cho tới nước tiểu.
Và thiết kế tối giản với hai màu đen và trắng cũng khiến chiếc đèn trở thành một vật trang trí tinh tế trên các kệ đồ dùng gia đình, thay vì những chiếc đèn pin kiểu cũ thường phải mất nhiều thời gian để lục lọi tìm kiếm trong những chiếc túi, hộp đựng dụng cụ.
Mũ bảo hiểm gấp gọn
Những chiếc mũ bảo hiểm thường chiếm nhiều diện tích và không gian trong những túi đựng đồ khẩn cấp. Nhưng chiếc mũ bảo hiểm có tên gọi Izano 2 lại có thể gấp gọn lại mà vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản về khả năng hấp thụ va chạm và bảo vệ người dùng khỏi các vật thể bay và rơi.
Khi không sử dụng, chiếc mũ có thể gấp lại với độ mỏng chỉ còn 6,3cm. Khi mở ra, chỉ cần đẩy từ bên trong đến khi các khớp nối vào đúng vị trí để trở thành một chiếc mũ bảo hiểm bóng bẩy với thiết kế nhiều tầng nhìn khá hiện đại.
Chiếc mũ này có giá 5.000 yen (khoảng hơn 800.000 đồng)
Bồn cầu khẩn cấp dùng một lần
PeePoo, có giá 3.220 yen (khoảng 550.000 đồng) là một chiếc túi đựng đồ vệ sinh dùng một lần do công ty sản phẩm phong cách sống Nhật Bản Seraphic phát triển vào năm 2021.
Không giống như hầu hết các túi đựng đồ vệ sinh khẩn cấp khác cần có hộp đựng hoặc bệ để giữ chúng đứng, bồn cầu khẩn cấp dùng một lần PeePoo là một chiếc túi bằng polyethylene tự đứng có thể lắp đặt ở bất cứ nơi đâu.
Bộ dụng cụ này có lỗ mở hai lớp được thiết kế để giúp người dùng đóng kín thứ bên trong một cách vệ sinh nhất có thể mà không hề bẩn tay.
Mỗi gói Peepoo sẽ gồm 1 dải bìa cứng giúp túi mở khi sử dụng, một gói chất giúp làm đông và khử trùng chất thải, và một túi đựng rác nhỏ để gói tất cả lại trước khi vứt đi./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị