Tự ý san lấp đất nông nghiệp bị phạt thế nào?

(TN&MT) – Gia đình tôi có hơn 1.000m2 đất nông nghiệp, đất này đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do nhu cầu của gia đình, gia đình tôi đã san lấp phần diện tích đất nông nghiệp này. Trước khi san lấp, chúng tôi chưa xin phép chính quyền địa phương. Xin hỏi, gia đình tôi có bị phạt bởi hành vi này hay không?

Vấn đề này Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép…

sa-lap-dat-nn.jpg
Người hủy hại đất nông nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo như bạn trình bày, gia đình bạn muốn san lấp phần diện tích đất nông nghiệp. Hành vi san mặt bằng hoặc san lấp mặt bằng có thể hiểu là công việc thi công san phẳng nền đất một công trình xây dựng hay một mặt bằng quy hoạch, từ một mặt đất có địa hình tự nhiên cao thấp khác nhau. San phẳng là việc đào những chỗ đất cao nhất trong nội tại vùng đất đó vận chuyển đến các vùng thấp nhất và đắp vào những chỗ thấp đó, nhằm làm phẳng lại bề mặt địa hình vùng đất đó theo chủ định trước của con người.

Thực tế, sau khi thực hiện san lấp đất, những mảnh đất được san lấp sẽ có thể sẽ được tự ý chuyển thành đất phi nông nghiệp như: nhà xưởng, mặt bằng kinh doanh, nhà ở,…

Mà theo Khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Khi đó, hành vi san lấp đất nông nghiệp của gia đình bạn được hiểu là hành vi thay đổi cấu tạo của đất, thay đổi giá trị, công dụng của đất nên có thể bị coi là hành vi hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Và đây cũng là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Đất đai 2013.

Chính vì vậy, nếu gia đình bạn có hành vi san lấp đất nông nghiệp – hủy hoại đất nông nghiệp thì sẽ bị xử phạt hành chính. Thậm chí, người có hành vi hủy hoại đất còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: “Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm…

Bạn cũng có thể thích