Tự ý dùng Molnupiravi tại nhà có thể làm tăng nguy cơ tế bào đột biến

Tự ý dùng Molnupiravi tại nhà có thể làm tăng nguy cơ tế bào đột biến

Trước thực trạng người dân tự mua thuốc Molnupiravi dùng tại nhà, chuyên gia khuyến cáo, dùng kéo dài, không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ tế bào bị đột biến.

Trước thực trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đã có 1 bộ phận nhỏ người dân mua thuốc Molnupiravi về dùng để phòng dịch. Liên quan đến việc làm tự phát của người dân chuyên gia đã đưa ra những khuyến cáo.

Theo đó, các chuyên gia y tế cho rằng, Molnupiravir là thuốc kháng virus đường uống, ức chế quá trình nhân đôi của virus, mở ra hy vọng trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Nghiên cứu lâm sàng pha 2a đã chứng minh thuốc đạt hiệu quả cao trong việc làm giảm tải lượng virus SARS-CoV-2 ở hầu – họng, giảm mức acid ribonucleic (RNA) của virus. Đồng thời, thuốc cũng có kết quả khả quan về tính an toàn và khả năng dung nạp.

Kết quả của cuộc thử nghiệm được thực hiện trên 202 người tham gia điều trị cho thấy, ngày thứ 3, tỷ lệ phân lập tìm virus ở bệnh nhân dùng 800 mg Molnupiravir (1,9%) thấp hơn nhiều so với bệnh nhân dùng giả dược. Ngày thứ 5, bệnh nhân dùng thuốc hàm lượng 400 – 800 mg không còn phân lập thấy virus, so với tỷ lệ 11,1% ở người dùng giả dược.

molnupiravir-16289149429232076331392-16297001244791634563286

Thuốc Molnupiravir (Ảnh minh họa)

Qua đó, thời gian làm sạch RNA virus giảm. Người dùng thuốc hàm lượng 800 mg có tỷ lệ sạch RNA virus lớn hơn nhiều so với dùng giả dược. Molnupiravir được dung nạp tốt, số lượng biến cố bất lợi ngang bằng giữa các nhóm.

Từ những tác dụng như trên, mới đây Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) đã cấp phép tạm thời cho thuốc Molnupiravir của Công ty Cổ phần nội bộ Merck Sharp & Dohme (Australia) trong chỉ định điều trị Covid-19.

Căn cứ vào các cơ sở triển vọng trên, tại Việt Nam, Bộ Y tế và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình thí điểm điều trị Molnupiravir tại nhà cho F0 có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải được quản lý nghiêm ngặt và kiểm soát đặc biệt.

Để đảm bảo việc cấp phát, sử dụng thuốc đạt được hiệu quả cao nhất và quản lý được nguồn thuốc được cấp theo chương trình, Sở Y tế TP.HCM cho biết trường hợp sử dụng phải ký cam kết đồng ý tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir.

Đối tượng được dùng thuốc này là người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (rRT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) có độ tuổi 18 – 65 tuổi. F0 tham gia dùng thuốc là những người có triệu chứng nhẹ như sốt, họ khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời và không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy. 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân sử dụng thuốc Molnupiravir nên có sự tư vấn kỹ càng từ dược sĩ và bác sĩ. Molnupiravir không nên dùng với mục đích phòng Covid-19. Các thuốc kháng virus khác có cơ chế là dừng quá trình vật liệu di truyền (RNA hay DNA) của virus nhân lên, trong quá trình virus phân chia. Molnupiravir không dừng quá trình này, vật liệu di truyền của virus vẫn nhân lên. Tuy nhiên, các thành phần tạo nên vật liệu này bị biến đổi. Chính vì vậy, đây là một thuốc gây đột biến gene của virus và cuối cùng làm chúng bị chết.

Mặc dù thuốc không được thiết kế để gây đột biến gene ở người nhưng việc dùng thuốc kéo dài như một biện pháp đề phòng sẽ tăng nguy cơ tế bào bị đột biến. Do đó, thuốc chỉ được khuyến cáo dùng tối đa 5 ngày với liều chỉ định. Việc tự ý dùng quá liều sẽ làm tăng nguy cơ gây đột biến (dẫn tới ung thư) của thuốc.

Ngoài ra, Molnupiravir là một thuốc còn đang trong quá trình thử nghiệm (pha 3 chưa hoàn thành), rất nhiều tác dụng phụ của thuốc còn chưa được biết rõ. Các thuốc kháng virus với cấu trúc giống nucleoside (thành phần tạo nên vật liệu di truyền) đều có khả năng gây nên một số độc tính nguy hiểm (đặc biệt nếu dùng quá liều) như ức chế hệ miễn dịch, gây bội nhiễm, ung thư, tan máu…

Ở diễn biến liên quan, để thông tin giúp người dân các loại thuốc dùng để điều trị Covid 19, trước đó, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn tạm thời các loại thuốc điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid 19 ngoại trú gồm:

– Thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol: cho trẻ em, sử dụng gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg; cho người lớn, sử dụng viên nén 250mg hoặc 500mg.

– Thuốc cân bằng điện giải dung dịch: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.

– Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng: Vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.

– Thuốc sát khuẩn hầu họng: Natri clorit (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối); thuốc sát khuẩn hầu họng khác.

– Thuốc kháng virus sử dụng theo đề cương nghiên cứu lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt hoặc theo thông tin tờ hướng dẫn sử dụng thuốc sau khi thuốc được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm tại Việt Nam.

– Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống, lựa chọn một trong các thuốc sau: Dexamethason 0,5mg (viên nén), Methylprednisolon 16mg (viên nén), Prednisolon 5mg (viên nén).

– Thuốc chống đông máu đường uống, lựa chọn một trong 2 thuốc sau: Rivaroxaban 10mg (viên), Apixaban 2,5mg (viên). 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bạn cũng có thể thích