Từ vụ cháy nhà ở Hà Nội: Những kỹ năng thoát hiểm ai cũng cần biết

Từ vụ cháy nhà ở Hà Nội: Những kỹ năng thoát hiểm ai cũng cần biết

Người dân cần nắm được cách thoát nạn khi có cháy ở chung cư, nhà cao tầng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người.

Liên quan đến vụ cháy nhà ở ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào đêm 12/9 khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương (trong đó, đã xác định được danh tính của 39/56 người tử vong), Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho rằng, đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khi số người tử vong rất nhiều.

“Luật PCCC quy định rất rõ các nhà ở phải có 2 lối thoát hiểm. Trong điều kiện xảy ra đám cháy tâm lý mọi người thường rất hoảng loạn, thậm chí có chìa khoá nhưng cuống quá không biết cắm thế nào vào ổ để mở ra, hơn nữa lại mất điện, ban đêm tối om… Chỉ chậm vài phút là cũng đủ gây thiệt hại về người và tài sản”, Đại tá Xiêm chia sẻ.

adqw

Toàn cảnh tòa nhà bốc cháy đêm 12/9 khiến nhiều người thương vong

Qua tìm hiểu, giấy phép xây dựng mà cơ quan chức năng cấp cho chủ chung cư mini ở ngõ 29, phố Khương Hạ, công trình có chiều cao 6 tầng. Tuy nhiên trên thực tế, công trình hiện đang có 9 tầng, 1 tum. Đại tá Xiêm cho rằng như vậy là sai quy định, khoảng 150 người sân sinh sống là rất đông, số lượng xe máy để ở tầng 1 quá nhiều, thậm chí sai quy định PCCC.

Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cũng đưa ra lời khuyên, các gia đình ở chung cư mini nên trang bị cho mình bộ thang dây. Trong vụ cháy này có gia đình cũng đã may mắn thoát chết nhờ thang dây.

“Quan trọng nhất đó là sự hiểu biết của người dân. Trong đám cháy khói là khí độc rất nguy hiểm, chỉ 2, 3 phút mất cảm giác sẽ gây tử vong. Khi xảy ra cháy người dân phải biết ứng xử thông minh, an toàn cho mình và gia đình. Bình thường thang dây để 1 góc trong nhà không chiếm nhiều diện tích.

Khi xảy ra cháy mọi người biết móc thang dây vào cầu thang hay vị trí nào cố định rồi thay nhau trèo xuống an toàn. Trong lúc nguy cấp không được quá hoảng sợ, thực hiện quy định hướng dẫn thoát nạn an toàn của cảnh sát PCCC, nhất là cán bộ quản lý cơ sở. Các hộ gia đình nên lắp đặt hệ thống báo cháy sớm. Điều này cũng là để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người”, Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm nói thêm.

Empty

Nhiều người không kìm nổi nước mắt khi chứng khiến vụ cháy “thảm họa”

Chia sẻ thêm về những lưu ý khi có hỏa hoạn, bác sĩ Diệp Quế Trinh – Trưởng khoa Bỏng và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, trước hết các nạn nhân phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn. Sau đó, sử dụng khăn thấm nước để bịt kín miệng, mũi cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Thấm ướt chăn mền (nếu có) để che cơ thể rồi thoát ra đám cháy càng nhanh càng tốt.

Đặc biệt, trong quá trình di chuyển phải theo tư thế thấp, khom lưng hoặc trườn, bò vì khí độc chủ yếu ở tầng trên, lượng khí sạch ở sát mặt đất. Tư thế này giúp các nạn nhân giảm lượng khí độc hít vào.

Bác sĩ Trinh lưu ý việc người dân trèo, nhảy từ tầng cao có thể gây ra chấn thương sọ não, chấn thương đốt sống cổ, có thể gây tử vong trước khi được sơ cứu bỏng. Do đó, phải đảm bảo an toàn trước khi thực hiện.

Khi nạn nhân được đưa ra khỏi đám cháy, cần lưu ý không làm trầy trợt da trên các vết bỏng; đặt nạn nhân ở khu vực thoáng khí và đánh giá tình hình tri giác, hô hấp, tuần hoàn. Tiến hành hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân ngưng tim ngưng thở.

“Ưu tiên cấp cứu những vấn đề ảnh hưởng đến chức năng sống trước khi sơ cứu bỏng. Các chấn thương như gãy đốt sống cổ, gãy xương cũng có thể gây sốc và khiến nạn nhân tử vong, vì vậy lưu ý phải cố định các chấn thương gãy xương trước khi vận chuyển”, bác sĩ Trinh nói.

chay-ha-noi-208

Một cháu bé được đưa ra từ vụ cháy ở Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu

Đặc biệt, với trẻ nhỏ, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế sớm nhất sau khi đánh giá chức năng sống. Đây là đối tượng phù nề đường thở, dễ suy hô hấp dẫn đến ngưng thở sớm do đường thở của trẻ dễ bị chít hẹp

Sau khi đảm bảo các chức năng sống, cần tiến hành sơ cứu vết bỏng cho nạn nhân bằng cách: Ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, có thể tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi bị nạn để xử trí.

Chú ý giữ ấm cho nạn nhân. Che phủ tạm thời vùng bỏng bằng vật liệu sạch như gạc y tế, hoặc khăn mặt, khăn tay, vải sạch để phủ lên. Không bôi bất kỳ chất gì vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch và không được sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Sau đó, nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Bạn cũng có thể thích