Từ năm 2022: Người dân có trách nhiệm gì trong phân loại rác?

(TN&MT) – Xin hỏi, từ đầu năm 2022, khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bắt đầu có hiệu lực, người dân, hộ gia đình có trách nhiệm gì trong việc phân loại rác tại nguồn?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

So với Luật Môi trường năm 2014 thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm khác, đặc biệt là vấn đề phân loại rác thải của các tổ chức, cá nhân. 

Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khác về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khác về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu, thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Người dân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom rác

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Đồng thời, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi.

Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Riêng hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Người dân không phân loại rác thải sẽ bị từ chối thu gom rác

Đặc biệt, Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định.

Như vậy từ năm 2022, khi Luật mới có hiệu lực, nếu người dân không tiến hành phân loại rác thải thì cơ sở thu gom rác, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải.

Bạn cũng có thể thích