Tự do hoá thương mại và các nguyên tắc WTO
Tự do hoá thương mại là gì?
Tự do hóa thương mại (tiếng Anh là Trade Liberalization) là loại bỏ hoặc giảm bớt các hạn chế hoặc rào cản đối với trao đổi hàng hóa tự do giữa các quốc gia. Những rào cản này bao gồm thuế quan, chẳng hạn như thuế và các phụ phí; các khoản không phải thuế quan, chẳng hạn như các qui tắc được cấp phép và hạn ngạch. Các nhà kinh tế thường xem việc nới lỏng hoặc xóa bỏ những hạn chế này là nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Vào thập kỷ 70, trên cơ sở phân tích sự không tương đồng giữa bảo hộ bằng hạn ngạch và thuế quan, hai nhà kinh tế học nổi tiếng là Anne Krueger và Jagdich Bhagwati đã đưa ra khái niệm về tự do hoá thương mại ở các nước đang phát triển là một quá trình chuyển dịch khỏi các hạn chế bằng hạn ngạch với tỷ giá hối đoái mất cân bằng đến một hệ thống chỉ sử dụng thuế quan với tỷ giá hối đoái cân bằng. Điều đó hàm ý rằng quá trình tự do hóa thương mại sẽ được tiến hành đồng thời với những cải cách về thuế và tỷ giá hối đoái, hay nói bao quát hơn, với những cải cách chính sách trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Michael Mussa ( nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ năm 1991 đến năm 2001) nói rằng: Tự do hóa thương mại được hiểu là giảm mức độ bảo hộ nói chung và thu hẹp khoảng cách chênh lệch mức bảo hộ giữa các ngành khác nhau. Mục đích của những nỗ lực cải cách này là cải thiện phúc lợi kinh tế thông qua phân bổ tốt hơn các nguồn lực, tức chuyển dịch chúng từ các ngành thay thế nhập khẩu sang các ngành có định hướng xuất khẩu. Điều này có nghĩa rằng mục tiêu sẽ đạt trong dài hạn, còn trong ngắn hạn tự do hoá thương mại thường tác động lên ngân sách chính phủ, tổng sản lượng, việc làm, giá cả và cán cân thanh toán, tức những vấn đề thuộc sự quản lý của chính sách kinh tế vĩ mô. Do vậy, mối quan hệ giữa tự do hóa thơng mại và chính sách kinh tế vĩ mô là rất chặt chẽ và chúng ta cần phải quan tâm thích đáng.
Các nguyên tắc của WTO liên quan đến tự do thương mại
Hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều có xu hướng tham gia vào tự do thương mại thế giới, đặc biệt là muốn tham gia vào tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tổ chức này được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995 với mục tiêu loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại tiến tới thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch. Việt Nam đã gia nhập WTO vào ngày 07/11/2006 và có tư cách thành viên đầy đủ của WTO kể từ ngày 11/01/2007.
Tính đến ngày 29/07/2016, WTO có 164 thành viên. Vì vậy để nêu ra các nguyên tắc của tự do thương mại hoanhap.vn xin trích dẫn các nguyên tắc của WTO. Hiệp định WTO bao gồm 29 văn bản pháp lý riêng biệt, bao trùm mọi lĩnh vực từ nông nghiệp đến ngành dệt may, từ dịch vụ đến mua sắm của chính phủ, các quy tắc xuất xứ và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra còn có 25 tuyên bố bổ sung, quyết định và văn bản ghi nhớ ở cấp Bộ trưởng, quy định những nghĩa vụ và cam kết khác của các thành viên của WTO. Đặc biệt là có một số nguyên tắc cơ bản và đơn giản xuyên suốt nội dung các văn bản này. Những nguyên tắc này là nền tảng của hệ thống thương mại đa biên, chúng ta sẽ nghiên cứu cụ thể từng nguyên tắc:
Nguyên tắc tối huệ quốc (Most Favourable Nation – MFN):
Các quốc gia không được phép thực hiện phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại của mình. Khi một nước cho một nước khác hưởng những quyền lợi đặc biệt nào đó (chẳng hạn như thuế nhập khẩu thấp hơn cho các sản phẩm từ nước đó) thì cũng phải cho các nước khác hưởng những quyền lợi đặc biệt đó. Nguyên tắc này được gọi là nguyên tắc tối huệ quốc (Most Favourable Nation – MFN).
Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như các nước trong một khu vực có thể thành lập nên một khu vực mậu dịch tự do của riêng các nước đó và những ưu đãi mà các nước trong khu vực mậu dịch tự do dành cho nhau không áp dụng đối với hàng hoá từ bên ngoài khu vực. Hay một nước có thể lập nên các hàng rào ngăn cản hàng hoá từ một nước được cho là thực hiện thương mại không công bằng. Đối với dịch vụ cũng vậy, trong một số ít các trường hợp, có thể thực hiện sự phân biệt đối xử. Nhưng những sự phân biệt đối xử này phải được thực hiện theo những điều kiện nghiêm ngặt. Nói tóm lại, MFN có nghĩa là mỗi khi một nước giảm các hàng rào hoặc mở cửa thị trường, thì nước đó phải thực hiện cho cùng một loại hàng hoá hoặc dịch vụ từ tất cả các nước có quan hệ thương mại với nước đó, bất kể đó là nước phát triển hay đang phát triển.
Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (National Treatment – NT):
Hàng hoá nhập khẩu cũng như hàng hoá được sản xuất trong nước đều phải đợc coi trọng như nhau, ít nhất là khi các hàng hoá từ nước ngoài đã thâm nhập được vào thị trường trong nước. Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các dịch vụ trong nước và nước ngoài và cho các nhãn hiệu hàng hoá, bản quyền và bằng sáng chế. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có thể có thay đổi chút ít trong từng trường hợp cụ thể. Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia chỉ được áp dụng một khi hàng hoá, dịch vụ hoặc quyền sở hữu trí tuệ đã thâm nhập vào thị trường. Vì thế, thuế quan áp dụng đối với hàng nhập khẩu không được phép vi phạm nguyên tắc này thậm trí nếu các sản phẩm sản xuất trong nước được tính thuế ưu đãi.
Tự do hoá mậu dịch
Lịch sử và kinh nghiệm chỉ ra rằng tất cả các nước có lợi thế, chẳng hạn chi phí lao động hay nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng không thể cạnh trạnh được trong một vài sản phẩm hay dịch vụ khi nền kinh tế của họ phát triển. Tuy nhiên với những ưu thế của tự do hóa mậu dịch theo lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo, chúng ta có thể cạnh tranh ở một nước khác. Do vậy, các quốc gia trên thế giới đều nhận thức được tầm quan trọng sống còn của thương mại đối với sự phát triển của mỗi nước. Chính vì thế mà WTO coi tự do hóa mậu dịch là mục tiêu hàng đầu cần phải thực hiện và hướng tới xoá bỏ chủ nghĩa bảo hộ.
Để thực hiện tự do hoá mậu dịch, WTO đã ra lộ trình cắt giảm từng bước hàng rào thuế quan và phi thuế quan để tới một thời điểm nào đó các hàng rào này được xoá bỏ hoàn toàn, mở đường cho thương mại phát triển. Tuy nhiên, tự do hoá mậu dịch không được phép tách rời khỏi sự quản lý của nhà nước mà phải phù hợp với luật pháp, qui chế, qui tắc hiện hành của mỗi nước.
Bảo hộ sản xuất bằng thuế quan
WTO thừa nhận rằng các nước thành viên vẫn cần phải bảo hộ sản xuất trong nước, coi đó là yêu cầu chính đáng khi các ngành công nghiệp của họ bị các hàng nhập khẩu tràn vào làm hại, nhưng không chấp nhận các biện pháp hạn chế số lượng hay các biện pháp cản trở cấm đoán mang tính chất hành chính phi thuế quan như hạn ngạch , cấm nhập khẩu….mà chỉ chấp nhận các thành viên áp dụng thuế quan bằng biện pháp chính đáng để bảo hộ sản xuất trong nước. Đồng thời các thành viên phải thiết lập cơ chế đàm phán thường xuyên nhằm giảm dần các mức thuế quan trên cơ sỏ có đi có lại.
Cạnh tranh công bằng
WTO không phải tổ chức tự do thương mại vì sử dụng thuế và đôi khi vẫn đợc coi là một hình thức bảo hộ. Nói đúng hơn, đây là một hệ thống các nguyên tắc mở trong hoạt động cạnh tranh công khai, công bằng và không bị bóp méo. WTO chủ trương khuyến khích cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng và giá cả vì lợi ích của người tiêu dùng. Để thực hiện nguyên tắc này, WTO qui định chặt chẽ để xử lý tình trạng bán phá giá, trợ cấp sản xuất trong nước và cho phép tất cả các thành viên có quyền đánh thuế đối kháng chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với những nước có hành vi này.
Minh bạch và ổn định trong chính sách thương mại
WTO chủ trương thương mại quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở minh bạch và ổn định. Để thực hiện nguyên tắc này, WTO quy định các nước thành viên phải thông qua đàm phán đưa ra các mức thuế trần với lộ trình cắt giảm, chỉ có liên tục cắt giảm chứ không được tăng quá mức trần. WTO cũng qui định mọi chế độ và chính sách thương mại của các nước thành viên đều phải công khai, minh bạch và ồn định trong một thời gian dài. Để phục vụ mục đích này WTO đã hình thành một cơ chế đánh giá chính sách thương mại của các nước thanh viên.
Khuyến khích phát triển và cải cách kinh tế
Hơn ba phần tư số thành viên của WTO là các nước đang phát triển và các nước đang trong quá trình cải cách kinh tế theo định hướng thị trường. Một số nước đã thực hiện chương trình này như một phần quá trình đàm phán gia nhập GATT rồi WTO. Thêm nữa, các biện pháp hỗ trợ đã giúp họ thực thi hiệp định một cách linh hoạt hơn, kêu gọi các nước phát triển có nhân nhượng nhiều hơn về mở của thị trường vì lợi ích xuất khẩu hàng hoá của những nước kém phát triển. Do vậy, sự theo đuổi chính sách mở cửa thị trường cùng với yêu cầu có những chính sách linh hoạt để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Các thoả thuận về khu vực mậu dịch
Hiện nay trên thế giới xuất hiện càng nhiều khối kinh tế dưới hình thức khu vực mậu dịch tự do hoặc liên minh thuế quan như APEC, AFTA…. WTO công nhận các khối kinh tế này trong đàm phán và cho phép họ áp dụng các ngoại lệ của qui tắc tối huệ quốc miễn là các tổ chức kinh tế khu vực tuân theo các nguyên tắc của WTO, không tạo ra sự phân biệt đối xử và gây cản trở thương mại đối với các nước ngoài khu vực. Theo đó thì các nước ASEAN còn có thể dành cho nhau mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt còn thấp hơn cả mức thuế ưu đãi tối huệ quốc mà các nước này dành cho hàng hoá nhập khẩu từ các nước là thành viên của WTO nhưng nằm ngoài khối ASEAN./.
Nguồn: hoanhap.vn