Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Ở Việt Nam, từ các công trình xanh đến ước mong tạo dựng các đô thị sinh thái dù mới ở giai đoạn đầu, nhưng đang là xu thế tất yếu.

tm-img-alt
Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái
Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Thưa PGS, ông đánh giá như thế nào về phát triển CTX ở Việt Nam hiện nay?

– Có thể nói, CTX là phương tiện để làm ra những sản phẩm tốt, đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới, lan tỏa tinh thần sống xanh cho mọi người và đóng góp vào chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến sự phát triển bền vững chung của đất nước.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2023 đạt khoảng 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng.

Về phát triển CTX, qua hơn 10 năm phát triển, số lượng CTX của Việt Nam hiện đạt trên 300 công trình được chứng nhận theo các chuẩn kỹ thuật khác nhau: LOTUS, LEED, EDGE, Green Mark.

Thị trường CTX tại Việt Nam đã trở nên sôi động hơn khi xuất hiện các chủ thể chính như các nhà đầu tư tâm huyết, lực lượng tư vấn xanh, các tổ chức đánh giá chứng nhận CTX. CTX cũng đã chứng tỏ mang lại hiệu quả nhiều mặt: Hiệu quả môi trường, lợi ích xã hội thông qua và các lợi ích kinh tế rõ rệt.

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Ồ, “thị trường CTX”? Ông cho rằng tại Việt Nam ta, CTX đã thành một thị trường?

– Về nguyên tắc, ở đâu xuất hiện nhu cầu mua và bán thì ở đó xuất hiện thị trường. Muốn hình thành một thị trường cần có nhiều yếu tố. Thí dụ như chính sách ở tầng vĩ mô; hệ thống sản phẩm (vật liệu, trang thiết bị, công nghệ…); người tiêu dùng thông minh (người có nhận thức chuẩn về CTX, dám áp dụng và áp dụng một cách khôn ngoan)…

Tại tầng vĩ mô, chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành Xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (2010), Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 (2014), Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2015), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (2017), Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 (2017), Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 (2018), Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (2019). Trong Luật Xây dựng sửa đổi (2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển CTX, công trình hiệu quả năng lượng và củng cố vai trò của Bộ Xây dựng trong công tác này.

Còn tại tầng vi mô, các CTX của chúng ta đã xuất hiện khắp nơi. Thậm chí, có những công trình chưa xanh nhưng vẫn được quảng cáo rầm rộ là CTX.

Như vậy, có cung và có cầu, có nhu cầu mua và nhu cầu bán thì đương nhiên đó là một thị trường, thậm chí còn là một thị trường đầy tiềm năng.

Và gần đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 rằng đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0 (2023).

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Theo quan điểm của ông, trong những giải pháp công nghệ xanh hiện nay, công nghệ xanh trong lĩnh vực xây dựng đóng vai trò quan trọng như thế nào?

– Công nghệ xanh hay còn gọi là công nghệ môi trường hoặc công nghệ sạch, là ứng dụng công nghệ không gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ xanh sẽ thải ra ở mức thấp nhất các chất gây ô nhiễm. Ngoài ra, nó còn giữ cho môi trường tự nhiên và các nguồn tài nguyên bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất.

Theo bà Marga Hoek – tác giả cuốn sách “Tech for Good”, mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và quy mô đột phá công nghệ đổi mới trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự đầu tư chiến lược và hành động táo bạo.

Chính sáng kiến kinh doanh là chìa khóa kích thích lĩnh vực công nghệ xanh tìm ra cách mới để đầu tư tiền bạc, thời gian và chuyên môn vào chương trình bền vững.

Bà cũng đã đánh giá 5 tiêu chí xanh quan trọng đươc thế giới quan tâm hiện nay, đó là: Xây dựng xanh; Thu hồi và lưu trữ carbon; Lưu trữ năng lượng tái tạo; Công nghệ Hydro và công nghệ Tái chế.

Riêng với công nghệ Xây dựng xanh cũng đã xuất hiện nhiều công nghệ hỗ trợ và đang trở thành những dòng sản phẩm không thể thiếu trong lĩnh vực xây dựng đời sống con người.

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Chẳng hạn, như công nghệ phủ HPS.

Đây là công nghệ tạo lớp phủ cách nhiệt nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí điện và khí carbon. Công nghệ này có thể chặn được 85% tia hồng ngoại và 99% tia tử ngoại. Khi sử dụng công nghệ này, nhiệt độ trong nhà có thể giảm 5 – 8 độ C. Chi phí điện năng có thể giảm được gừ 20 – 30%.

Công nghệ này được đánh giá khá cao vì ứng dụng được cả với tường bê tông, gỗ và nhựa. Nó còn thích ứng được với mọi điều kiện thời tiết.

Hoặc như công nghệ tạo vật liệu xanh siêu nhẹ, siêu bền. Điển hình là tôn lợp sinh thái có cấu tạo từ các sợi cellulose, chống thấm asphalt và acrylic. 3 thành phần này sẽ được được ép lớp chịu được mọi điều kiện thời tiết dù khắc nghiệt nhất.

Ngoài ra có thể kể đến bê tông nhẹ giúp tiết kiệm chi phí nền móng, cách âm, cách nhiệt. Không những vậy, nó còn giúp điện năng của máy lạnh giảm 30% so với ban đầu.

Về trang trí nội thất thì có thể kể đến ốp 3D Panel làm từ sợi tre và sợi mía….

Phổ biến nữa, các bạn thường thấy, đó là công nghệ tạo ra đèn LED, một công nghệ đèn tiếp bước đèn CFL nhưng có giá rẻ hơn rất nhiều. Với năng lượng sử dụng chỉ bằng 1/10, tuổi thọ lên tới 50 nghìn giờ.

Có thể nhận xét, hiện nay, đèn LED đã đánh bại đèn sợi đốt, thậm chí là đèn CFL. Công nghệ này hiện đang được ứng dụng trong đèn ô tô, điện thoại, tivi. Ngoài ra, với những cửa hàng thường xuyên phải thắp sáng thì đèn LED là lựa chọn tối ưu.

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái
Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

♦ Theo ông, vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển CTX tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

– Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển CTX Việt Nam, những chính sách cam kết là cơ sở cho việc tạo dựng nên thị trường CTX bền vững và phát triển.

Về xây dựng chính sách, cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, cần có một hệ thống luật rõ ràng, như cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển; đầu tư phát triển CTX trong nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà được đầu tư từ ngân sách Nhà nước; hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng CTX…

Tại Việt Nam đã xuất hiện các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CTX nhưng Nhà nước chưa thể hiện được vai trò của mình thông qua những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển CTX ở Việt Nam.

Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường CTX Việt Nam tăng trưởng chậm chạp. Hiện nay, thực hiện các CTX ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ Nhà nước.

♦ Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đã hiểu được tầm quan trọng của phát triển CTX, nhưng rào cản nào khiến số lượng CTX còn khá khiêm tốn tại Việt Nam?

– Hiện nay, đã có những CTX tiên phong, chi phí và lợi ích của CTX đã được kiểm chứng, đã xuất hiện những chuỗi CTX, sự cạnh tranh giữa chủ đầu tư bắt đầu xuất hiện.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn do các chủ đầu tư lớn chưa sẵn sàng phát triển CTX, tư vấn thiết kế và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức, chi phí tư vấn, xây dựng tăng thêm chưa được hiểu đầy đủ, chưa có sự quyết liệt từ cơ quan quản lý.

Ngoài ra, tại Việt Nam đang xuất hiện một xu hướng không tốt cho sự phát triển của CTX, đó là hành vi “Green washing”. Định nghĩa về “Green washing” được thiết lập vào những năm 1980 bởi nhà môi trường học Jay Westerveld, dùng để chỉ hành vi đưa ra những tuyên bố sai lệch về đóng góp cho môi trường của các tổ chức.

Hiện tại, nhiều chủ đầu tư bất động sản, doanh nghiệp thiết bị, vật liệu… thường giới thiệu tới khách hàng rằng các công trình, sản phẩm của mình là xanh thân thiện với môi trường tuy nhiên thực chất thì không hẳn như vậy.

Hiện nay còn nhiều chủ đầu tư cũng như giới chuyên môn nhầm lẫn giữa ba dạng công trình: Công trình xanh, Công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả và Công trình tiết kiệm năng lượng.

Đây là ba loại công trình thân thiện môi trường, tuy nhiên mức độ đóng góp cho xã hội và môi trường là khác nhau. Chính vì vậy, nhiều báo cáo và nhận định về các CTX tại Việt Nam còn đánh đồng ba dạng công trình dẫn đến việc thống kê số lượng CTX hiện vẫn còn mơ hồ.

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Những năm gần đây, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức các sự kiện, hội thảo nhằm thúc đẩy xu hướng CTX trong ngành Xây dựng Việt Nam. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã tiếp nối và lan tỏa sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam đã được một số Viện nghiên cứu triển khai trước đây.

Nhiều CTX của các đơn vị doanh nghiệp, chủ đầu tư đã được vinh danh và khen tặng trong sự kiện. Tuy nhiên việc vinh danh các CTX tại sự kiện cũng gây nên một số tranh cãi vì thiếu và trùng lặp.

Việc vinh danh càng khách quan và minh bạch càng khuyến khích và động viên được nhiều những đơn vị có đóng góp thực chất cho phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Tránh để các doanh nghiệp “Green washing” lợi dụng.

Cho đến nay Việt Nam mới phát triển và công nhận được khoảng trên 300 CTX, trong đó chủ yếu là công trình xây mới. Có ý kiến cho rằng, vẫn còn những công trình hiện hữu với số lượng lớn có thể cải tạo, sửa chữa thành CTX. Theo ông, chúng ta có thể thực hiện điều này không? Nếu có thì việc đánh giá công trình hiện hữu và xây mới theo tiêu chí CTX có gì khác nhau?

– Cách đánh giá công trình hiện hữu và xây mới theo tiêu chí CTX có khác nhau. Công trình hiện hữu sẽ được đánh giá xét trên góc độ tiết giảm được các chi phí về mặt tiêu thụ năng lượng và nâng cao tiện nghi và hiệu quả sử dụng của công trình so với công trình trước khi cải tạo để được công nhận là CTX.

Tuy nhiên, công trình hiện hữu và công trình xây mới có nhiều điểm tương đồng, vì nó dựa trên các tiêu chí như tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, sức khỏe, tiện nghi của người sử dụng… Cả hai dạng công trình đều phải tuân thủ theo các yêu cầu nằm trong bộ tiêu chí đánh giá.

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Tuy nhiên, nhóm công trình hiện hữu có nhiều thách thức hơn. Vì nó phải xem đến thực trạng của công trình hiện hữu. Ví dụ như: Các công trình hiện hữu thường được xây dựng ở các thời điểm khác nhau trong giai đoạn trước và phụ thuộc vào kỹ thuật xây dựng, mức độ đầu tư từng giai đoạn.

Chính vì vậy mà tình trạng của các công trình hiện hữu cũng rất khác biệt. Với công trình hiện hữu để thực hiện được việc đánh giá khi cải tạo nó hướng đến CTX là một thách thức lớn, khó hơn so với các CTX mới.

Song nhóm đó lại rất tiềm năng, bởi vì trong cả một giai đoạn quá trình phát triển (nhất là sau khi mở cửa), Việt Nam phát triển mạnh với nhiều công trình xây dựng, nhiều đô thị, nhiều thành phố phát triển…

Quỹ công trình xây dựng lớn nhưng ở thời điểm đó nhận thức về CTX, công trình bền vững còn chưa nhiều và chưa có các tiêu chí để định lượng, vậy nên số lượng rất nhiều.

Trong quá trình sử dụng và vận hành nó, chắc chắn sẽ phải tiến hành cải tạo, sửa chữa, nhóm này tạo ra một khối lượng công việc rất lớn mà ngành Xây dựng sẽ phải làm trong thời gian tới.

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

♦ Liệu có một mô hình đô thị xanh chung cho các nước đang phát triển hay không? Việt Nam đang áp dụng mô hình phát triển đô thị xanh nào?

– Không có một mô hình chung về đô thị xanh cho tất cả các nước vì mỗi nước có những điều kiện riêng về tự nhiên khí hậu về điều kiện kinh tế cũng như lối sống văn hóa.

Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào các nhóm tiêu chí mà nhiều nước đang áp dụng để tạo nên một mô hình phù hợp với Việt Nam. Thông thường, đô thị xanh được đánh giá dựa trên 8 nhóm tiêu chí và 29 chỉ số sau đây:

(1) Năng lượng và khí phát thải CO2: Lượng khí thải carbon trên mỗi người – Lượng tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP – Chính sách năng lượng sạch – Kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu

(2) Việc sử dụng đất và các tòa nhà: Không gian xanh trên mỗi người – Mật độ dân số – Chính sách sử dụng đất – Chính sách kiến trúc sinh thái.

(3) Giao thông: Chiều dài của hệ thống giao thông công cộng (tàu điện ngầm, BRT) – Chính sách giao thông công cộng trong đô thị – Chính sách giảm thiểu ùn tắc giao thông

(4) Rác thải: Phần trăm rác thải được xử lý phù hợp – Lượng rác thải trung bình của mỗi cá nhân – Thu gom rác thải và chính sách xử lý rác – Chính sách tái chế – tái sử dụng rác

(5) Nước sinh hoạt: Khối lương tiêu dùng nước trên đầu người – Rò rỉ hệ thống nước – Chất lượng nguồn nước – Sử dụng nước bền vững

(6) Vệ sinh đô thị: Phần trăm dân số được tiếp cận với nước hợp vệ sinh- Phần trăm nước thải được xử lý – Chính sách vệ sinh môi trường

(7) Chất lượng không khí: Nồng độ nitrogen dioxide hàng ngày – Nồng độ sulphur dioxide hàng ngày – Nồng độ chất phóng xạ tồn dư trong không khí hàng ngày – Chính sách không khí sạch

(8) Quản lý môi trường: Quản lý giám sát môi trường; sự tham gia của cộng đồng

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Kết quả nghiên cứu 22 đô thị ở châu Á cho thấy Singapore là đô thị duy nhất có chỉ số tổng quát đạt mức rất tốt, đặc biệt tốt nhất ở chỉ số rác thải và nguồn nước.

Bên cạnh đó là 3 đô thị lớn của Nhật Bản có chỉ số tổng quát đạt mức tốt, riêng chỉ số về sử dụng năng lượng và CO2 tốt nhất ở Tokyo, chỉ số giao thông tốt nhất ở Osaka và Yokohama là đô thị có lượng rò rỉ nước thấp nhất…

Theo tôi hiểu, Việt Nam hướng tới mô hình phát triển đô thị xanh của Singapore. Tuy nhiên, do hệ thống chính sách chưa đồng bộ, điều kiện kinh tế, kỹ thuật đang làm hạn chế và thách thức để thực hiện mô hình này.

Tuy với tấm gương của Singapore nhưng nhìn lại bối cảnh Việt Nam sẽ thấy rõ được sự khác biệt, và hiểu được tại sao Việt Nam còn lúng túng, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi xanh. Tuy hiểu được nhưng thưa ông, tại sao Việt Nam ta vẫn còn lúng túng?

– Khi nói về xu hướng và định hướng để phát triển CTX, hiện trên thế giới có 2 mô hình. Thứ nhất, mô hình để cho thị trường tự điều phối, phù hợp với những quốc gia có trình độ phát triển cao. Thứ hai, mô hình theo hướng tập trung, do Nhà nước điều phối và tác động, phù hợp với những quốc gia đang phát triển.

Cả 2 mô hình này đều có những mặt mạnh và yếu riêng.

Đối với những quốc gia có thị trường thuận lợi cho việc xây dựng CTX và có sẵn nền tảng tốt như Mỹ, Anh, Đức… đã có đầy đủ hệ thống vật liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng.

Đó chính hạ tầng phát triển CTX, hay nói cách khác là cơ sở nền tảng của CTX. Với những quốc gia này áp dụng mô hình tự phát sẽ phát huy được nhiều thế mạnh.

Còn với quốc gia đang phát triển, hoặc những quốc gia đang quá trình chuyển đổi thì hầu hết đang phải áp dụng chính sách của Nhà nước mang tính bắt buộc. Lúc đó, số lượng CTX mới tương xứng với thực tế phát triển.

Hiện nay, với tốc độ phát triển xây dựng của Việt Nam rất cao, nhưng với số lượng sản được công nhận là CTX còn rất khiêm tốn. Khi đó, Nhà nước chưa có sự can thiệp một cách đúng mực và xuất hiện tình trạng tự phát, lúng túng gây ra nhiều vướng mắc.

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ, trong thời điểm hiện tại chúng ta cần ưu tiên phát triển yếu tố nào trước trong lộ trình phát triển CTX?

– Với mục tiêu này, tôi cho rằng Chính phủ nên ưu tiên vào hai yếu tố: Tiết kiệm năng lượng và vật liệu thân thiện môi trường. Đây là hai yếu tố chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số điểm đánh giá công trình xanh và cũng chính là những yếu tố mà chính phủ có thể đưa ra những chính sách để can thiệp.

Từ những CTX, để tạo dựng những đô thị xanh, đô thị sinh thái, chúng ta còn cần những yếu tố nào, thưa ông?

– Có thể hiểu CTX như những tế bào còn đô thị xanh là một cơ thể. Những tế bào vô cùng quan trọng nhưng cần một cách tiếp cận tổng thể để có thể gắn kết các tế bào này lại với nhau một cách tương hỗ để tạo nên một cơ thể khỏe mạnh đó chính là đô thị xanh – sinh thái.

Một số yếu tố tiếp cận tổng thể như quy hoạch phân khu chức năng của đô thị, hệ thống giao thông động – tĩnh, các không gian cây xanh – mặt nước, các không gian ký ức đô thị, các không gian thương mại kết nối cùng nhau trong một cách tổng thể sẽ giúp cho việc hình thành những đô thị xanh sinh thái.

Chúng ta đang nhắc đến nhiều mạng lưới các thành tố ‘xanh’ nhằm giải quyết các vấn đề của đô thị hóa, hướng đến xây dựng các đô thị sinh thái. Tuy nhiên, cho đến nay trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chưa quy định chính thức khái niệm về “đô thị sinh thái” cũng như đặt ra các tiêu chí cụ thể khi xem xét đánh giá một đô thị có phải là đô thị sinh thái hay không. Như vậy, liệu có rơi vào tình trạng “gọt chân cho vừa giày”?

– Chắc chắn rồi, cam kết net zero của Việt Nam đã thể hiện một tầm nhìn bền vững cũng như quyết tâm của Chính phủ. Cách tiếp cận xanh cũng cần từ những tâm nhìn lớn như ở cấp độ vùng, đô thị… để là cơ sở cho công trình xanh phát huy.

Ví dụ về trường hợp khu đô thị Ecopark, đây là một dạng xanh trong việc sử dụng hệ sinh thái cây xanh để tạo ra cảm giác xanh. Tuy nhiên, hệ cây xanh chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố hình thành nên CTX.

Mặc dù cây xanh là một yếu tố được ghi điểm nhưng không phải là yếu tố quyết định CTX. Bởi trong CTX được coi trọng nhiều hơn ở các khía cạnh đóng góp cho góc độ môi trường, sức khỏe người sử dụng.

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Vì vậy, khái niệm xanh trong yếu tố cây cối khác với khái niệm xanh về mặt môi trường, con người.

Nhiều chủ đầu tư, hiện nay đang cố tình đánh tráo khái niệm CTX. Hay nói cách khác thị trường CTX hiện nay đang bị biến tướng bởi yếu tố thị trường.

Quay trở lại với câu chuyện của Ecopark, nếu muốn đánh giá có xanh hay không thì phải phân tích có xứng đáng không? Ecopark có rất nhiều cây xanh, nhưng nguồn cây xanh lấy ở đâu hay tài nguyên đất có được khai thác và sử dụng có tính đến góc độ bền vững không.

Ecopark đã lấy những gì từ tự nhiên và đã trả lại cho xã hội, môi trường những gì? Nếu xứng đáng thì đó là xanh. Còn ở góc độ phát triển công trình xanh, được thị trường công nhận sẽ là phép thử để khẳng định những giá trị của công trình xanh mang lại.

Tại sao Việt Nam lại không xây dựng bộ tiêu chí riêng mà phải dựa vào bộ tiêu chí của các nước trên thế giới?

– Đối với Việt Nam hiện nay, nếu để xây dựng bộ tiêu chí riêng thì sẽ rất tốn kém, cần khảo sát đo đạc đánh giá một số lượng lớn các công trình để xây dựng cơ sở định lượng cho bộ tiêu chí.

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Do đó, việc kế thừa những kết quả của những bộ tiêu chuẩn đã được kiểm chứng của các quốc gia có tiềm lực về kinh tế và khoa học, ví dụ như như bộ công cụ đánh giá CTX LEED của Mỹ, DGNB của Đức hay Green Mark của Singapore…

Bên cạnh đó, các số liệu của Việt Nam cũng chỉ mang tính địa phương, chứ không mang tính quốc tế. Chẳng hạn bộ tiêu chuẩn LEED của Mỹ, được thực hiện khảo sát ở Mỹ và so sánh với nhiều quốc gia để có thể đưa ra được những cơ sở chắc chắn.

Trên thực tế, hệ thống tiêu chí LOTUS của Hội đồng CTX Việt Nam cũng đã kế thừa các các bộ công cụ quốc tế, có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện đặc thù về kinh tế và công nghệ của Việt Nam.

Chẳng hạn, do vị trí địa lý và khí hậu của Việt Nam luôn tiềm ẩn các rủi ro thiên tai (do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu). Chính vì thế, các yếu tố này đã được lồng ghép để tạo sự phù hợp, cũng là sự riêng biệt của bộ công cụ đánh giá CTX của Việt Nam.

Từ công trình xanh đến đô thị sinh thái

Trân trọng cảm ơn PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên về cuộc trò chuyện!

Tác giả: Thu Thảo
Thiết kế: Nguyễn Thạc Cường

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích