Tự công bố chất lượng bánh trung thu, doanh nghiệp cần làm theo những bước nào?

Tết Trung thu là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt Nam, diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch hàng năm. Đây là dịp để mọi người sum vầy bên gia đình, đón mùa thu và tìm hiểu về văn hóa truyền thống của đất nước. Bánh Trung thu cũng là một phần không thể thiếu trong ngày lễ này. Để đảm bảo chất lượng thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ, việc thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm bánh trung thu là việc mà doanh nghiệp không thể thiếu. 

Theo quyết định số 2169/QĐ-BKHCN ngày 7/8/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 12940:2020 Bánh nướng và TCVN 12941:2020 Bánh dẻo do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F18 Đường, mật ong và sản phẩm tinh bột biên soạn.

Thông qua việc tổng hợp các tài liệu, thông tin truyền thông cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia, quá trình khảo sát sản phẩm thông qua thử nghiệm được Ban kỹ thuật TCVN/TC/F18 định hướng vào các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật. Về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này. Các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật an toàn thực phẩm đều phải đảm bảo chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.

Với bộ tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp sẽ tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mình công bố. Tuy nhiên, sự ra đời của bộ tiêu chuẩn mới dành cho bánh nướng và bánh dẻo sẽ giúp cơ quan quản lý có cơ sở để kiểm tra, quản lý hoạt động sản xuất bánh trung thu dễ dàng hơn và để đạt đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự an toàn của người tiêu dùng.

Ảnh minh hoạ

Trình tự công bố chất lượng bánh trung thu

Bước thứ nhất: Kiểm nghiệm sản phẩm bánh trung thu

Kiểm nghiệm bánh trung thu được coi là bước quan trọng nhất trong quá trình thực hiện tự công bố sản phẩm. Thời gian và chi phí thực hiện phụ thuộc vào việc xây dựng các chỉ tiêu kiểm nghiệm bánh trung thu.

Để thực hiện kiểm nghiệm doanh nghiệp chuẩn bị sản phẩm mẫu sau đó tiến hành thử nghiệm. Thời gian kiểm nghiệm sản phẩm trung bình từ 4 đến 7 ngày làm việc. Cuối cùng là nhận kết quả kiểm nghiệm và thực hiện tự công bố sản phẩm bánh trung thu. Khi kiểm nghiệm, doanh nghiệp phải thực hiện tại những trung tâm kiểm nghiệm được Bộ Y tế công nhận.

Bước thứ hai: Chuẩn bị hồ sơ pháp lý tự công sản phẩm bánh trung thu

Hồ sơ bao gồm: Bản tự công bố sản phẩm (Bản công bố này phải được thực hiện đúng với mẫu số 01 theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP); Giấy phép đăng ký kinh doanh, hoặc giấy phép đăng kí hộ kinh doanh (bản photo hoặc scan); Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Phiếu kết quả kiểm nghiệm bánh trung thu (lưu ý: phiếu kết quả kiểm nghiệm phải còn hiệu lực trong 12 tháng kể từ ngày có kết quả kiểm nghiệm, và được Bộ Y tế công nhận); Nhãn sản phẩm; Mẫu sản phẩm.

Các tài liệu hồ sơ của sản phẩm phải có sự thống nhất về tên, xuất xứ và thành phần cấu tạo sản phẩm nếu có sự thay đổi thì phải công bố lại sản phẩm. Trường hợp có sự thay đổi khác doanh nghiệp gửi thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đó doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.

Trường hợp có 2 cơ sở cùng sản xuất chung 1 loại thực phẩm thì chỉ cần nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương có cơ sở sản xuất do doanh nghiệp lựa chọn. Khi đã lựa chọn được cơ quan để nộp hồ sơ thì những lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó.

Bước 3: Trình tự thực hiện tự công bố sản phẩm bánh trung thu

Doanh nghiệp thực hiện đăng tải 1 bộ hồ sơ tự công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử của mình hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại địa điểm cơ sở của doanh nghiệp. Hình thức nộp: Nộp bằng đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền.

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm bánh trung thu của doanh nghiệp sau đó lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên doanh nghiệp và tên sản phẩm trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận. Sau khi thực hiện tự công bố sản phẩm bánh trung thu, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm đó.

Lợi ích khi doanh nghiệp tự công bố sản phẩm bánh trung thu

Việc tự công bố chất lượng sản phẩm sẽ giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp dễ dàng lưu thông hợp pháp trên thị trường, dễ dàng phân phối sản phẩm vào cửa hàng, siêu thị,…, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, xây dựng hình ảnh thương hiệu và chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với khách hàng trong tương lai, giúp tạo lợi thế cạnh tranh đối với những doanh nghiệp chưa có giấy công bố tiêu chuẩn chất lượng bánh trung thu.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên vừa ký ban hành “Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu năm 2023”. Kế hoạch này sẽ được triển khai trên địa bàn toàn thành phố từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9/2023.

Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu.

Cục trưởng Chu Xuân Kiên yêu cầu các Đội Quản lý thị trường cần đảm bảo kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định. Từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển bánh trung thu, văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Kịp thời cập nhật và nắm chắc diễn biến thực tế, phát hiện kiểm tra và xử lý nghiêm minh, phản ánh chính xác và đề xuất trung thực có hiệu quả cho các ngành, các cấp về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích