Từ chối mức lương nghìn đô, viết tiếp ước mơ chuyên gia năng suất, chất lượng
Nghề chọn người
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại Thương (chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại), anh Lê Minh Tâm- Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL (Tổng cục TCĐLCL) chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một chuyên gia đào tạo TCĐLCL.
Với xuất phát điểm là dân theo học khối A (chuyên lý), ngay khi còn là sinh viên năm cuối, anh Tâm đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào vị trí thực tập sinh tại Công ty kiểm toán quốc tế KPMG (một trong 4 công ty kiểm toán mạnh nhất). “Đối với anh, việc chuyển sang lĩnh vực đào tạo là một bước rẽ ngang, một quyết định có phần nhanh và bất ngờ”- anh Tâm bộc bạch.
Sau 7 tháng tại KPMG (tới tháng 3/2002), cảm thấy môi trường làm việc không còn phù hợp với người ưa sự sáng tạo và không muốn ngồi im một chỗ, anh Tâm đã quyết định từ bỏ công việc. Và rồi, sau nhiều đêm trăn trở, anh đã tự mở cho mình một hướng đi mới. Đó là chuyển sang làm việc tại Trung tâm Năng suất Việt Nam (nay là Viện Năng suất Việt Nam).
Biết anh có ý định nghỉ việc tại KPMG, không ít người từ gia đình, bạn bè đều bất ngờ. Không ít người lên tiếng can ngăn, thậm chí phản đối bởi đang từ công việc với mức lương cao, khó ai có thể nghĩ anh Tâm lại chuyển sang một cơ quan nhà nước để làm việc với mức lương khởi điểm “ba cọc ba đồng”.
Anh Lê Minh Tâm, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL (Tổng cục TCĐLCL).
Nhớ lại thời điểm phải đưa ra quyết định khó khăn, anh Tâm chia sẻ: “Tại thời điểm đó, làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài là công việc nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, chuyện mình đi làm thuê cho người nước ngoài với anh là hết sức bình thường, nó không quá “màu hồng” như mọi người vẫn nghĩ, việc làm Overtime (ngoài giờ) là chuyện thường xuyên, nhiều công việc không tên phát sinh. Và anh luôn tự hỏi “Tại sao lại đi làm thuê cho người nước ngoài trên chính mảnh đất của mình”. Sau đó anh tìm hiểu và biết đến Trung tâm Năng suất Việt Nam, biết đến sứ mệnh thúc đẩy năng suất phát triển của Trung tâm và có nhiều chuyên gia nước ngoài tham gia, khiến mình có động lực muốn làm việc, cống hiến trong ngành này”.
Dù quá trình thi tuyển vào Trung tâm Năng suất Việt Nam có sự cạnh tranh khá cao, với những đối thủ được xem khá “nặng kí” khi họ đều có bằng cấp từ nước ngoài, từng thi tuyển tại nhiều cơ quan có tiếng, anh Tâm vẫn xuất sắc trở thành số ít những người được nhận. Con đường trở thành một chuyên gia chuyên về mảng năng suất, chất lượng của anh Tâm bắt đầu từ đó.
Những bước tiến đầy tự hào
Kể về những niềm vui trong công việc, anh Tâm cho biết, bản thân anh cảm thấy rất tự hào vì trong năm vừa qua đã tổ chức thành công chương trình QC Kentei (cuộc thi về người làm công tác quản lý chất lượng). Bởi trên thực tế, tại Việt Nam, công tác quản lý chất lượng (QC) chưa được xem là nghề riêng biệt, những người làm QC chỉ đơn giản được hiểu là những kĩ thuật viên làm lâu năm trong nghề, sau đó được chuyển sang làm QC. Tuy nhiên ở Nhật, QC là một nghề, được đào tạo bài bản. Chính vì đã áp dụng lâu năm nên tất cả sản phẩm đưa ra thị trường tại Nhật đều đảm bảo chất lượng. Anh Tâm cũng rất mong muốn Việt Nam có thể học hỏi được điều đó từ Nhật, từ đó sẽ tác động lớn đến chất lượng sản phẩm.
Anh chia sẻ: “QC Kentei là chương trình mà anh theo đuổi từ rất lâu, may mắn anh cũng có khoảng thời gian dài được học tập tại Nhật, có thể kết nối được với họ dễ dàng, và Trung tâm đã tổ chức thành công QC Kentei. Đó là minh chứng rõ nhất khi anh có thể góp một phần công sức nhỏ bé của mình để lan tỏa lợi ích đến cộng đồng xung quanh. Điều đó sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều việc anh làm tại một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương cao. Mỗi người sẽ có sự lựa chọn con đường đi riêng của mình”.
Các thí sinh tham dự cuộc thi QC Kentei.
Bí quyết “làm dâu trăm họ”
Theo anh Tâm, công việc đào tạo giống như việc “làm dâu trăm họ”. Nói như thế là bởi đây là nghề cần nhiều kỹ năng, mục tiêu tối thượng là làm sao để khách hàng hiểu được lợi ích của năng suất, chất lượng và thay đổi chính mình để đạt được điều đó. Trong 20 năm công tác, anh Tâm nhận thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại những điểm yếu.
Có lẽ công việc khó khăn nhất chính là thay đổi nhận thức con người, cụ thể là doanh nghiệp. Người Việt có tố chất thông minh, học hỏi nhanh, nhưng để kiên trì và áp dụng một cách bài bản thì không phải ai cũng dám và làm tới cùng. Theo anh, câu chuyện phổ biến khi đến các doanh nghiệp, không chỉ bản thân anh mà nhiều chuyên gia cũng gặp phải, đó là người lãnh đạo lúc đầu luôn thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm, đặt ra nhiều mục tiêu, tuy nhiên, khi vào thực tiễn, áp dụng tiêu chuẩn vào quá trình, đòi hỏi rất nhiều bước, với việc kiểm tra sát sao thì nhiều người cảm thấy nản, không thể theo sát.
Doanh nghiệp Việt Nam dễ bị các mục tiêu ngắn hạn thay đổi những phương hướng ban đầu, vì vậy người làm đào tạo cũng cần phải có sự kiên nhẫn, tận tâm. Anh cũng cho rằng, phẩm chất một người tư vấn đào tạo cần có là phải am hiểu công việc, phần việc mình đang làm. Anh luôn nhắc nhở các bạn chuyên gia rằng, đừng bao giờ nhảy vào việc mà người khác đang làm, hãy làm tốt phần việc chuyên môn của mình. Dù bản thân mình là chuyên gia tư vấn, nhưng không phải mọi thứ mình đều biết hết.
Muốn có sự am hiểu như thế, điều thứ hai mà một chuyên gia cần có là năng lực tự học, tự nghiên cứu. Bởi nếu không chịu học, đọc, cập nhật hay đào sâu vào vấn đề của doanh nghiệp thì khó có thể tư vấn. Nếu chuyên gia không có được kĩ năng này, khó có thể trở thành chuyên gia có chuyên môn giỏi, và khó có thể đi tư vấn được.
Một phẩm chất nữa cũng rất quan trọng, thậm chí còn được xây dựng thành tiêu chuẩn, đó chính là tính bảo mật. Giữ bảo mật cũng thể hiện một phần chuyên nghiệp trong công việc. Ngoài ra, còn nguyên tắc khác là “đảm bảo tính độc lập khách quan”. Mình cần hiểu rõ vai trò của một người tư vấn, không thể đưa ra quyết định áp đặt doanh nghiệp phải làm cái này cái kia. Tất cả đều chỉ dựa trên tính khách quan, mình chỉ đưa ra lời khuyên giúp doanh nghiệp tự tìm ra phương án tối ưu. Đó là những tố chất mà một người chuyên gia cần có.
Bày tỏ kỳ vọng về sự phát triển của ngành tư vấn đào tạo trong tương lai, anh Tâm cho biết, đối với doanh nghiệp, lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng chỉ là một phần yếu tố trong sự vận hành và phát triển của họ, chỉ cần một vài người cần được đào tạo để phụ trách. Tuy nhiên, tiêu chuẩn, chất lượng lại có tác động đến mọi mặt của xã hội.
Do đó, anh thấy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức tốt hơn về mặt chất lượng sản phẩm, hiểu sâu hơn về chứng nhận của một sản phẩm cần có. Hướng đi của đào tạo trong những năm gần đây là đưa kiến thức về năng suất chất lượng vào các trường đại học, cao đẳng.
Cụ thể là đưa hệ thống tiêu chuẩn hóa mang tính nghiên cứu, học thuật nhiều hơn vào trường đại học, còn phía cao đẳng sẽ tập trung về mảng thực hành. “Trung tâm sẽ đi vào cụ thể các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng: kaizen, 5S, QC… giúp sinh viên có cái nhìn thực tế và dễ áp dụng vào thực tiễn hơn. Hy vọng rằng, đây sẽ trở thành môn học hữu ích cho các bạn sinh viên trong quá trình học tập tại các trường đại học, cao đẳng”, anh Tâm nêu kỳ vọng.
Hán Hiển