Từ chiến trường đến thương trường
Đó là đồng chí Lê Hồng Quang, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Bao bì 27-7 Hà Nội. Năm 1971, với khí thế ‘xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước’, anh Quang, khi đó là một thanh niên 18 tuổi, khoác ba-lô lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị ác liệt. Năm 1975, trong khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh bị thương nặng, mất một chân, một ngón tay và nhiều vết thương khác. Sau khi bình phục, anh được điều về làm công nhân tại Xí nghiệp thương binh Ba Ðình (Hà Nội), sau đổi thành Xí nghiệp thương binh 27-7 Hà Nội và là Công ty TNHH nhà nước một thành viên Bao bì 27-7 Hà Nội ngày nay.
Là một công nhân – thương binh nặng, quá trình phấn đấu trưởng thành từ một công nhân trở thành cán bộ quản lý đòi hỏi sự phấn đấu bền bỉ gấp nhiều lần so với những người bình thường. Hằng ngày sau giờ làm, anh Quang đến các lớp học về quản lý kinh tế. Nhờ lao động giỏi, hiệu suất cao, từ công nhân, anh được đề bạt làm tổ trưởng, rồi phó quản đốc, quản đốc phân xưởng, phó giám đốc công ty. Năm 1990 được bổ nhiệm làm giám đốc và từ năm 2005 đến nay là Tổng Giám đốc công ty. Doanh nghiệp của những người thương binh, bệnh binh và các đối tượng chính sách có nhiều nét đặc thù. Hơn 70% người lao động của đơn vị đều là những người lính trở về từ chiến trường, được rèn luyện trong quân ngũ nên có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách của Nhà nước, đoàn kết thương yêu nhau, chịu khó học hỏi vươn lên. Tuy nhiên, các đồng chí thương binh, bệnh binh đều có sức khỏe kém, nhiều đồng chí tuổi cao, hạn chế trong việc tiếp cận các trang thiết bị hiện đại…
Thời điểm năm 1993, khi đồng chí Quang mới đảm nhiệm chức vụ giám đốc, công ty gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Vốn liếng cả đơn vị chỉ có hơn 190 triệu đồng với mấy chiếc máy cũ kỹ, lạc hậu để sản xuất dây chun và chỉ khâu, sản phẩm không bán được trên thị trường. Trong khi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội giao cho đơn vị tiếp quản Xí nghiệp thương binh huyện Gia Lâm với hàng trăm lao động thiếu việc làm… Sau nhiều tính toán, bàn bạc, tập thể lãnh đạo công ty đã quyết định đổi mới công nghệ, sản phẩm để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp cho đất nước. Công ty quyết định chuyển đổi sản xuất mặt hàng dây chun, chỉ khâu truyền thống của đơn vị sang sản xuất các sản phẩm bao bì và áo giắc-két, vốn là những mặt hàng nhập khẩu, cho phù hợp và thích ứng với thị trường. Từ nguồn vốn vay ngân hàng, công ty đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại, cử cán bộ, công nhân ra nước ngoài học tập, tiếp thu công nghệ mới, khôi phục, cải tạo nhà xưởng, thành lập xí nghiệp may, xí nghiệp bao bì các-tông, xí nghiệp bao bì nhựa… Công ty trở thành đơn vị đầu tiên ở miền bắc có dây chuyền sản xuất bao bì với công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng cao, rẻ hơn so với sản phẩm nhập khẩu, nên chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm của công ty đã chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Chỉ sau hai năm, đơn vị đã trả hết nợ vay. Ðồng chí giám đốc đã nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất bước đi tiếp theo cho phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Từ nguồn vốn của đơn vị, công ty nhập thêm dây chuyền máy in mười mầu tự động hoàn toàn để làm bao bì cao cấp, mở hướng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Cùng với đầu tư thiết bị, công ty quan tâm công tác đào tạo để nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cho cán bộ, công nhân. Công ty cử cán bộ, công nhân đi học ở các trường đại học, hoặc ra nước ngoài học tập, đồng thời, tiếp nhận nhiều kỹ sư, cử nhân trẻ, tài năng vào làm việc tại đơn vị, thành lập bộ phận mới, như kinh doanh, tiếp thị… Các sản phẩm của công ty chỉ là những bao bì thông thường mà gồm hàng trăm loại, từ những loại bao bì cho bánh kẹo, thực phẩm, hoa quả đến các loại túi xách thời trang cao cấp, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Mặt hàng may mặc và bao bì của đơn vị không chỉ chiếm thị phần cao ở thị trường trong nước mà còn đứng vững ở thị trường các nước như Mỹ, Anh, Ðức, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a… Từ năm 2009, công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. Dây chuyền này đã bắt đầu hoạt động, cung cấp sản phẩm cho hệ thống các siêu thị lớn ở Hà Nội như Metro, Big C, Hapro… đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường. Sản xuất, kinh doanh tăng trưởng mạnh và vững chắc, doanh thu của đơn vị tăng nhanh. Năm 2009, công ty đạt doanh thu 186 tỷ 500 triệu đồng, gấp chín lần so với thời điểm năm 2000, lợi nhuận đạt hơn 17 tỷ đồng, tăng 939%, nộp ngân sách 9,5 tỷ đồng/năm. Hiện nay, công ty có 950 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, trung bình đạt 4,5 triệu đồng/tháng, được ăn trưa miễn phí và nhiều chế độ phúc lợi khác, nên người lao động ngày càng gắn bó, cống hiến tâm huyết, trí tuệ, sức lực cho đơn vị.
Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất và kinh doanh, công ty được Nhà nước phong tặng danh hiệu ‘Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới’. Ðây là đơn vị đầu tiên và duy nhất của ngành lao động – thương binh và xã hội cả nước đạt danh hiệu cao quý này.
Ðồng chí Lê Hồng Quang tâm sự: Những thành tích của doanh nghiệp đạt được ngày hôm nay là niềm hạnh phúc của cá nhân. Ðó không chỉ là niềm hạnh phúc vì đã chiến thắng bản thân, vượt lên hoàn cảnh của cá nhân, mà còn vì lo được cho cuộc sống của nhiều đồng đội và con em của họ, đưa doanh nghiệp trụ vững trong thời kỳ hội nhập, đóng góp cho xã hội, minh chứng cho xã hội thấy giá trị của phẩm chất người lính, người thương binh ‘tàn nhưng không phế’.
Nguồn: hoanhap.vn