Từ 1/7/2024: Tăng lương hưu 15% – mức tăng cao nhất từ trước đến nay
Theo đề xuất của Chính phủ, dự kiến từ ngày 1/7/2024 tới đây, mức lương hưu và trợ cấp BHXH được điều chỉnh tăng 15%. Khi đề xuất này được thông qua sẽ là mức tăng lương hưu cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong đảm bảo ổn định đời sống người nghỉ hưu.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, việc điều chỉnh lương hưu với mức tăng cao lần này đảm bảo công bằng, hài hòa, hợp lý.
Từ 1/7/2024, dự kiến sẽ tăng lương hưu 15% – mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, mức tăng lương hưu 15% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người lao động khi hết tuổi lao động. Theo Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành quy định: “Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH”. Như vậy, việc đề xuất điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH 15% là mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,25%. Năm 2024, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng đạt mức trên 6% và chỉ số giá tiêu dùng là dưới 4%. Mức điều chỉnh tăng lương hưu 15% lần này cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu 23 lần).
Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95%.
Mức tăng lương hưu 15% đã được tính toán, cân nhắc phù hợp với khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người lao động, khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và Quỹ BHXH. Tỷ lệ tăng này đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa những người đang hưởng lương hưu và người đang đóng BHXH, giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, có khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng được tăng 15% lần này, bao gồm tất cả những người đang hưởng lương hưu qua các thời kỳ, không phân biệt người làm trong khu vực Nhà nước, khu vực doanh nghiệp, người tham gia BHXH tự nguyện… Với mức điều chỉnh như vậy, Quỹ BHXH tuy còn khó khăn, nhưng vẫn đảm bảo cân đối trong dài hạn.
Mức tăng lương hưu 15% đã được tính toán, cân nhắc phù hợp với lộ trình điều chỉnh tiền lương giữa các khu vực, đảm bảo hài hòa, công bằng giữa người hưởng lương khu vực Nhà nước, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội, người hưởng lương hưu với người lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Trong điều kiện doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, dự kiến mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ ngày 1/7/2024.
Trước thông tin về đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp BHXH, người thụ hưởng hiện rất vui mừng, phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Cậy (73 tuổi, ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội), là giáo viên đã nghỉ hưu được hơn 16 năm chia sẻ: Qua theo dõi, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương cơ sở nhiều lần và mỗi lần điều chỉnh, Nhà nước đều quan tâm đến nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công bằng cho đối tượng nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhiều.
“Đối với người nghỉ hưu như chúng tôi, tăng được thêm một đồng cũng quý, như tính toán của tôi, nếu từ 1/7/2024, lương hưu được tăng thêm 15%, lương thực lĩnh của tôi sẽ tăng thêm được khoảng gần 980.000 đồng/tháng. Trong điều kiện tuổi già, sức khỏe hạn chế, thường xuyên phải đi viện, thuốc thang thì nguồn tăng thêm này sẽ giúp tôi chăm lo tốt hơn cho cuộc sống của mình”, bà Cậy cho biết.
Nguồn: Báo lao động thủ đô