TS. Vũ Tiến Lộc: Chính sách ra chậm một ngày, hàng ngàn doanh nghiệp có thể đã ra đi

Mở cửa là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất cho các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội khóa XV cho hay, những vấn đề được thảo luận tại hội nghị và đặc biệt là kết luận của Thủ tướng sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cho quốc dân đồng bào cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, rằng Việt Nam sẽ không để đại dịch kìm chân, virus sẽ không thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế, Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư.

Chia sẻ sâu hơn, TS. Lộc cho hay, việc điều chỉnh chiến lược chống dịch từ không Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 hay theo cách nói của thế giới là “sống chung với Covid-19” là rất đúng đắn, kịp thời. Cùng với đó, sự quyết đoán của Thủ tướng trong việc điều chỉnh chiến lược vaccine, gia tăng nguồn cung và đẩy mạnh tốc độ tiêm, tiêm đúng các nhóm đối tượng cần ưu tiên nhất; việc điều chỉnh chiến lược điều trị theo hướng đánh chặn từ xa, từ sớm các nguy cơ bằng việc triển khai các trạm y tế lưu động, thiết lập các nhóm y tư vấn chăm sóc y tế cộng đồng.

Đồng thời, điều chỉnh các biện pháp khoanh vùng, cách ly theo hướng bám sát thực tiễn, thu hẹp phạm vi, linh hoạt, tạo điều kiện cho người dân nâng cao tính tuân thủ; sự đôn đốc, sâu sát của Thủ tướng đối với cán bộ chính quyền các địa phương, các cấp.

Tất cả những điều này đã mang lại những kết quả khích lệ như chúng ta thấy trong khoảng 2 tuần qua. Các chỉ số đều thể hiện xu hướng rất tích cực.

“Đó là cơ sở bước đầu vững chắc để Chính phủ quyết định khởi động quy trình nới lỏng giãn cách, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị ngưng trệ kéo dài, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam”, TS. Lộc nhận định.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại đối thoại.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp)

Ông cũng cho rằng, “Mở cửa” là mệnh lệnh của cuộc sống! Đây chính là “thời gian vàng” để giải cứu doanh nghiệp. Sức chống chịu của các doanh nghiệp và nền kinh tế… đang tiến tới ngưỡng tới hạn và mở cửa là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất cho các doanh nghiệp. Mở cửa chậm hơn là chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều và khi các doanh nghiệp của chúng ta đã quá kiệt quệ, phải ra đi sẽ khó bề trở lại và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chuyển hướng đầu tư.

Nhưng mở cửa không có nghĩa là chủ quan, là mất an toàn. Ngược lại, chính vì chúng ta thấy đã an toàn và có cơ sở để duy trì cũng như nâng cao hơn nữa sự an toàn này nên chúng ta mới đặt vấn đề mở cửa. Việc Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ ngành khác và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, soạn thảo “Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” chính là để bảo đảm an toàn, vì có an toàn mới mở cửa nền kinh tế và các hoạt động dân sinh được. Đây cũng là xu hướng chung của khu vực và trên thế giới.

Hậu mở cửa nâng cao thống nhất các chính sách

Hậu mở cửa, TS. Lộc cho rằng, việc tiếp theo sau khi ban hành Hướng dẫn nói trên, mà chúng ta có thể gọi nôm na là cẩm nang sống chung an toàn với dịch, là tổ chức thực hiện một cách khẩn trương, nhất quán ở tất cả các ngành, các địa phương và các cấp chính quyền, không thể để mỗi nơi một phách, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “cấm chợ, ngăn sông”, “một ngõ có F0, cả làng phong tỏa!”… gây khó cho dân, gây chết oan cho doanh nghiệp, như đã từng xảy ra ở không ít địa phương trong những tháng ngày qua”, TS. kiến giải.

Hướng dẫn này cũng phải quy định rõ nguyên tắc nền tảng mà Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được phép đẻ thêm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh mới, không cho phép có bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào phát sinh gây khó cho doanh nghiệp.

Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp sáng ngày 26/9. (Nguồn: VGP)
Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp sáng ngày 26/9. (Nguồn: VGP)

Trách nhiệm của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp là phải gương mẫu tuân thủ và phổ biến, quán triệt hướng dẫn này đến người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực tuân thủ cho họ, chứ không phải đặt ra quy trình phê duyệt, cấp phép, xin – cho đối với các phương án tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.

TS. Lộc đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành và đại diện cộng đồng doanh nghiệp rà xét lại để hoàn thiện nội dung bản hướng dẫn theo hướng: Những nội dung nào mà hướng dẫn này trực tiếp quy định hoặc dẫn chiếu đến đã lạc hậu vì dựa trên tư duy “zero Covid-19” hay còn vấn vương tư duy zero Covid-19 thì cần phải được chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật và tập hợp lại trong một văn bản mới thống nhất, chứ không để các quy định chồng chéo, nhiều như bươm bướm, trăm hoa đua nở, rất khó theo dõi, rất khó tuân thủ, khó áp dụng như hiện nay.

“Tôi đề nghị bản hướng dẫn này tốt nhất nên được công bố ngay trong tuần tới”, TS. Lộc nhấn mạnh.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, TS. Lộc cũng hoan nghênh Chính phủ ngày 9/9 vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.

Nghị quyết đã rất bao trùm, tổng thể, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn thấy nuối tiếc, khi mới chỉ thấy quan điểm, định hướng mà chưa thấy các giải pháp cụ thể trong Nghị quyết và vẫn phải chờ đề án của các bộ ngành trình, trong khi doanh nghiệp hàng ngày, hàng giờ đang trông đợi, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

“Chính sách ra sớm một ngày, hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp được cứu sống, chậm một ngày thì hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp có thể đã ra đi. Trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ngành phải hoàn thành đề án thực hiện Nghị quyết 105 trong tháng 9. Hôm nay, ngày 26 rồi, không biết bao nhiêu bộ đã hoàn thành?”, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định.

Do đó, ông đề nghị Thủ tướng quan tâm đôn đốc và giám sát thực hiện Nghị quyết này cũng như các gói giải pháp khác đã ban hành nhưng theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa tiếp cận được, do tiêu chí còn cao, quy trình, thủ tục còn phức tạp.

Bên cạnh đó, cùng với việc chuyển sang trạng thái kinh doanh an toàn, sống chung với Covid-19, thực hiện mục tiêu kép, ông Lộc đề nghị cần tái cấu trúc lại Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, bổ sung thêm các lực lượng kinh tế tham gia vào Ban chỉ đạo. Và tốt nhất là, nên đổi tên Ban chỉ đạo thành Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế do Thủ tướng đích thân làm Tổng Tư lệnh vì nhiệm vụ phục hồi kinh tế là việc hệ trọng hàng đầu, nó cũng không kém gì việc phòng ngừa dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ông đề nghị ở các địa phương cũng thống nhất mô hình tương tự, để bảo đảm cho mỗi một quyết định ở cấp cao nhất ở trung ương hay các địa phương, trong bối cảnh hiện nay, cũng cần phải được xem xét thấu đáo cả trên góc độ kinh tế và y tế .

Cuối cùng, ông đề nghị Thủ tướng và Chính phủ khi giao nhiệm vụ cho các địa phương cũng cần phải là nhiệm vụ kép chứ không phải chỉ có mỗi mục tiêu chống dịch. Các địa phương phải vừa bảo đảm phòng chống được dịch bệnh, vừa cố gắng duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, trong điều kiện có thể, để lo sinh kế cho dân. Để cho dân nhiễm bệnh hay để cho doanh nghiệp kiệt quệ, để cho dân đói, cán bộ chính quyền đều có lỗi. Khen chê, thưởng phạt cán bộ và các cấp chính quyền cần phải dựa trên tiêu chí kép này.

Các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng ít nhất 30% số lượng các thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức điện tử, không tiếp xúc; rút ngắn 1/3 các thời hạn quy định cho các thủ tục này.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh… dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DNNVV… Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các doanh nghiệp đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. So sánh quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số quốc gia trong khu vực năm 2020, như Thái Lan là 12,4%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP, thì với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích