Truyền thông về biến đổi khí hậu: Ứng xử từ các toà soạn
Truyền thông về biến đổi khí hậu: Ứng xử từ các toà soạn
Theo dõi MTĐT trên
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề mang tính sống còn của thời đại chúng ta. Nhưng khi đưa tin về chủ đề này, các phương tiện truyền thông thường gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý của khán giả.
Phân hoá rõ rệt theo khu vực
Ở cấp độ tổng thể, dữ liệu từ nghiên cứu của tiến sĩ Craig T. Robertson – Viện nghiên cứu báo chí Reuters cho thấy mức độ quan tâm đến tin tức về biến đổi khí hậu cao nhất ở một số thị trường Mỹ Latinh, Nam Âu và châu Á – Thái Bình Dương. Chỉ hơn một nửa số người được hỏi ở Hy Lạp (53%), Bồ Đào Nha (53%), Chile (52%) và Philippines (52%) cho biết họ quan tâm đến tin tức về biến đổi khí hậu và môi trường.
Tỷ lệ này thấp hơn ở các thị trường Bắc và Tây Âu như Na Uy (33%) và Pháp (36%), cùng với Mỹ (30%). Ở cấp độ tổng thể, những người quan tâm nhiều hơn đến tin tức về biến đổi khí hậu có xu hướng có mức thu nhập và trình độ học vấn cao hơn, và đáng ngạc nhiên, họ cũng có xu hướng già hơn.
Nghiên cứu nhận ra rằng có một lý do bắt nguồn từ sự phân cực chính trị. Ở những nơi có sự tranh đấu gay gắt giữa phe cánh tả và cánh hữu, sẽ có ít mối quan tâm tổng thể hơn đối với tin tức về biến đổi khí hậu. Chẳng hạn ở Mỹ, người thuộc phe cánh hữu quan tâm ít hơn đến tin tức khí hậu tới 41% so với cánh tả, qua đó khiến con số quan tâm chung giảm xuống.
Mặt khác, ở những thị trường có mức độ quan tâm cao nhất, sẽ có ít sự phân cực hơn. Chúng ta có thể thấy điều này ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Ở Hy Lạp, sự khác biệt về tỷ lệ những người thuộc phe chính trị cánh tả và cánh hữu quan tâm đến tin tức về biến đổi khí hậu chỉ là 16%, ở Bồ Đào Nha chỉ là 10%.
Một ảnh hưởng khác tới mức độ quan tâm đó là tác động của chính biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã phải hứng chịu những trận cháy rừng tàn khốc trong những năm gần đây, và Chile tiếp tục hứng chịu hạn hán nghiêm trọng khiến biến đổi khí hậu trở nên “dễ nhận thấy”. Có thể khán giả quan tâm hơn đến các tin tức về chủ đề này khi thấy rõ những tác động tiêu cực của thời tiết khắc nghiệt tại nơi họ sinh sống.
Cách đưa tin tác động không nhỏ
Ngoài sự quan tâm, nguồn tin tức cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc mọi người chú ý đến vấn đề biến đổi khí hậu. Dựa theo nghiên cứu của tiến sĩ Craig T. Robertson, nhiều người nói rằng họ chú ý đến phim tài liệu (39%) hơn là các tổ chức tin tức lớn (33%) để biết thông tin về chủ đề này. Đây là đánh giá trên tất cả các khu vực nói chung, cũng như giữa các nhóm tuổi.
Sự chênh lệch giữa việc sử dụng phim tài liệu và các tổ chức tin tức lớn để biết biến đổi khí hậu cũng xảy ra ở nhiều khu vực riêng lẻ. Ví dụ, ở Hy Lạp, có một khoảng cách lớn về tỷ lệ người chú ý đến phim tài liệu (55%) so với các tổ chức tin tức lớn (35%). Ngoại lệ đối với xu hướng này là các khu vực như Nhật Bản, nơi có tỷ lệ người dân nói rằng họ chú ý đến các tổ chức tin tức lớn (41%) cao hơn so với phim tài liệu (27%). Tuy nhiên, phần lớn, những người được hỏi ở hầu hết các khu vực nói rằng phim tài liệu thu hút sự chú ý của họ.
Có thể đó là các bộ phim và chương trình truyền hình, từ “An Inconvenient Truth” năm 2006 của Al Gore đến các loạt tài liệu về thiên nhiên được sản xuất bởi BBC (ví dụ: Blue Planet II), Netflix (ví dụ: Seaspiracy), và Disney+ (ví dụ: Elephant), khi chúng mang lại sức mạnh lớn hơn và dễ nhớ hơn đối với mọi người so với các bản tin hàng ngày. Netflix cho biết loạt phim “Our Planet”, do Sir David Attenborough đọc lời bình, đã tiếp cận 100 triệu hộ gia đình kể từ khi phát hành vào năm 2019. Đây là bằng chứng nữa về tầm quan trọng của TV trong việc thu hút sự chú ý đến thông tin về biến đổi khí hậu.
Cũng có sự khác biệt thú vị về sự chú ý đến tin tức khí hậu theo độ tuổi. Những người được hỏi dưới 35 tuổi thường nói rằng họ chú ý đến những người nổi tiếng hoặc các nhà hoạt động về tin tức biến đổi khí hậu cao gấp hai hoặc ba lần so với những người trên 35 tuổi. Những người trẻ cũng có nhiều khả năng nhận được tin tức về biến đổi khí hậu hơn, do được chia sẻ bởi các nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi.
Không có công thức chung cho mọi toà soạn
Như đã đề cập ở trên, sự quan tâm đối với tin tức về biến đổi khí hậu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chính trị, tuổi tác và tác động của chính biến đổi khí hậu. Bởi vậy, đối với các tòa soạn, câu hỏi khó là làm thế nào để thu hút các phân khúc độc giả quan trọng này, đặc biệt nếu những người theo đường lối bảo thủ coi biến đổi khí hậu là vấn đề chính trị hóa của phe “cánh tả” và không ủng hộ lập trường của các tòa soạn.
Vậy, có những cách nào khác để các nhà báo có thể thực hiện để làm cho các câu chuyện về biến đổi khí hậu trở nên phù hợp hơn không?
Có lẽ các bài học có thể được rút ra từ sự hấp dẫn rộng rãi của nhiều bộ phim tài liệu về môi trường, cung cấp những câu chuyện rõ ràng và hình ảnh hấp dẫn. Những câu chuyện kể này giúp khán giả dễ kết nối với các sự kiện khí hậu dễ dàng hơn, dù chúng có thể rất rộng lớn và trừu tượng. Nhưng một số phim tài liệu bị cáo buộc sử dụng có chọn lọc các sự kiện và cách tiếp cận “bóng bẩy nhưng thiếu thực chất” có thể phản tác dụng đối với những người chưa bị thuyết phục. Tuy nhiên, luôn có chỗ cho cách kể chuyện hay hơn, hấp dẫn hơn.
Biến đổi khí hậu là một chủ đề tin tức khó đưa tin và không có một cách tiếp cận chung cho vấn đề này. Những chủ đề dài hạn, những rủi ro khó thấy trong tương lai và sự phức tạp về khoa học khiến tin tức biến đổi khí hậu khó thu hút khán giả hơn, đặc biệt khi các cuộc khủng hoảng trước mắt khác đang diễn ra, từ lạm phát cho đến cuộc chiến ở Ukraine.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị