Truyền lửa sáng tạo để thanh niên khởi nghiệp
Truyền lửa sáng tạo để thanh niên khởi nghiệp
Đây chính là thông điệp xuyên suốt trong Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo 2024 vừa được Quận Đoàn 12, TP Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Khoa học Phát triển Tài năng Việt Nam tổ chức.
Trước sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ, có hàng trăm, hàng ngàn cách và cơ hội để thanh niên lập thân, khởi nghiệp. Nếu là người yêu công nghệ và yêu thích sáng tạo thì chỉ cần 1 sáng chế hữu ích, được ứng dụng rộng rãi cho cuộc sống cho xã hội chắc chắn sẽ trở thành 1 cơ hội khởi nghiệp tốt cho thanh niên. Đây chính là thông điệp xuyên suốt trong Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo 2024 vừa được Quận Đoàn 12, TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Khoa học Phát triển Tài năng Việt Nam tổ chức.
Hơn 200 thanh niên, thuộc quận Đoàn 12, “tròn mắt” trước “quả lựu đạn” theo cách gọi của GS.TS Trần Văn Tín, nhưng thực chất đó là một sáng chế mới ra mắt của GS.TS Trần Văn Tín – Phó Chủ tịch Hiệp hội những người lao động sáng tạo Việt Nam, người được mệnh danh là “Vua sáng chế”. Sáng chế này có tên máy tạo từ trường nước Ion kiềm. Đây là sáng chế được GS.TS Trần Văn Tín nung nấu nhiều năm nay, với mục tiêu mong muốn người dân không chỉ được sử dụng nước sạch mà còn được dùng nước tốt hơn cho cơ thể. Trên thế giới, cũng đã có những sản phẩm tương tự nhưng giá thành quá cao. Còn đây là sản phẩm do người Việt sáng chế, người Việt sản xuất và đặc biệt giá thành cũng phù hợp với túi tiền người Việt.
Chưa hết ngạc nhiên với “quả lựu đạn” thì cả hội trường lại phải căng mắt với 1 sáng chế này nhỏ xíu như 1 đồng xu, nhưng có khả năng hấp thụ sóng điện từ sinh ra từ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tủ lạnh. Màng hấp thụ sóng điện từ có vai trò như 1 chiếc cầu trì, hoặc 1 cột thu lôi. Sóng điện từ sinh ra từ các thiết bị điện tử sẽ bị thu lại 1 mối và được hấp thụ an toàn. Các nghiên cứu cho thấy, ngăn được sóng điện từ có thể ngăn nguy cơ đột quỵ, ngăn sự suy giảm trí nhớ. Thậm chí có thể ngăn ngừa những tai nạn cháy nổ điện thoại, máy tính do xung điện từ.
Điều đặc biệt của sáng chế này được GS.TS Trần Văn Tín bật mí là sáng chế đã được ra đời, cấp bằng độc quyền sáng chế từ năm 1999. Nói vui, sáng chế có khi còn nhiều tuổi hơn nhiều thanh niên đang có mặt trong hội trường này. Nhưng sản phẩm lần này đã được cải tiến, nâng cấp, có thể coi là thế hệ thứ 2 của mang hấp thụ sóng điện từ. GS.TS Trần Văn Tín chia sẻ, cải tiến, nâng cấp những sáng chế đã có trước đây cho phù hợp hơn với hiện tại…cũng được coi là sáng chế, cũng tạo ra cơ hội khởi nghiệp chứ không phải sáng chế chỉ là những thứ hoàn toàn mới, chưa ai nghĩ ra, như một số bạn trẻ suy nghĩ.
Có ý tưởng sáng chế là điều kiện đầu tiên, nhưng triển khai thực hiện như thế nào? Đăng ký sáng chế thế nào? Rồi làm thế nào để sáng chế được đưa ra ứng dụng rộng rãi thì đó là cả một quá trình. Thạc sĩ Nguyễn Bảo Toàn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển Tài năng Việt Nam, thẳng thắn chia sẻ, giải đáp tất cả những câu hỏi này cùng các bạn thanh niên. Ông cũng nhấn mạnh, sáng tạo là 1 quá trình học hỏi, bổ sung, mở rộng kiến thức, do vậy việc học, đọc, xem đối với thanh niên và những người yêu sáng tạo là không ngừng nghỉ.
Kết thúc hội nghị, Phó Bí thư thường trực Quận Đoàn 12, TP. Hồ Chí Minh Hồ Thị Kiều Trang cùng Thạc sĩ Nguyễn Bảo Toàn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển Tài năng Việt Nam đã ký kết biên bản kế hoạch phối hợp trong công tác sáng tạo khởi nghiệp cho thanh niên quận đoàn 12. Đây sẽ là bước khởi đầu, là tiền đề để chắp cánh những ước mơ, thổi bùng ngọn lửa sáng tạo cho thanh niên khởi nghiệp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị