Truy xuất nguồn gốc thuốc lá của EU và bài học phòng chống thuốc lá lậu cho Việt Nam

Buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu trốn thuế là những hoạt động phi pháp nhưng lại diễn ra ở khắp nơi trên thế giới bởi khoản lợi nhuận khổng lồ mà nó mang lại. Hậu quả là nhà nước thất thu ngân sách; môi trường kinh doanh bất bình đẳng; người kinh doanh hợp pháp bị thiệt hại uy tín, thương hiệu khi sản phẩm bị nhái, giả…; đặc biệt người tiêu dùng dễ bị mất tiền thật mà chỉ nhận lại sản phẩm kém chất lượng, mất an toàn khi sử dụng…

Thuốc lá là mặt hàng thường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khoảng cách giữa giá thành sản xuất và giá bán rất cao do phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây chính là sức hút ma lực cho hoạt động phi pháp như buôn bán, sản xuất thuốc lá nhái, giả, nhập lậu gây nhức nhối thời gian qua.

Hình ảnh biểu đồ truy xuất nguồn gốc thuốc lá. 

Châu Âu là thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn buôn bán thuốc lá bất hợp pháp. Để ngăn chặn hoạt động phi pháp này, ngày 15 tháng 12 năm 2017, Ủy ban Châu Âu đã ban hành quy định triển khai số (EU) 2018/574 về các tiêu chuẩn kỹ thuật để thiết lập và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thuốc lá. Sản phẩm thuốc lá điếu và thuốc lá tự cuốn sản xuất hoặc nhập khẩu vào liên minh Châu Âu phải áp dụng quy định từ ngày 20 tháng 5 năm 2019, đối với sản phẩm thuốc lá khác sẽ chịu tác động của quy định từ ngày 20 tháng 5 năm 2026.

Theo quy định, thuốc lá lưu thông trên thị trường Châu Âu ở tất cả các dạng bao gói (bao, tút, thùng…) phải được gắn mã định danh duy nhất. Các bên tham gia kinh doanh thuốc lá tại các nước thành viên thuộc Liên minh Châu Âu (EU) phải đăng ký trên nền tảng điện tử và cung cấp các thông tin chi tiết về nguồn gốc, sản xuất, vận chuyển và phân phối của sản phẩm. Một số thành phần quan trọng của hệ thống truy xuất nguồn gốc thuốc lá tại thị trường Châu Âu phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nêu trong quy định gồm:

Mã phân định đơn nhất cho tổ chức, cá nhân (người) phát hành mã phân định (ID issuers); Mã phân định đơn nhất cho từng gói thuốc lá (UIs); Mã phân định đơn nhất cho cấp bao gói cao hơn gói thuốc lá (tút, thùng thuốc lá).

Mã phân định cho tổ chức, cá nhân, nhà máy, phân xưởng, máy móc thiết bị tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá.

Vật mang dữ liệu (mã vạch, chip, thẻ quang học).

Hệ thống lưu trữ dữ liệu truy xuất (hệ thống chủ, hệ thống thứ cấp).

Thu thập và trao đổi dữ liệu truy xuất (thông tin di chuyển, thông tin giao dịch của sản phẩm).

Theo thông tin của Văn phòng Chống gian lận thương mại của Châu Âu (OLAF – European Anti-Fraud Office), đơn vị có nhiệm vụ phát hiện, điều tra và ngăn chặn gian lận thương mại của Liên minh Châu Âu, chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của OLAF. Kể từ khi quy định trên có hiệu lực triển khai, thông tin từ hệ thống truy xuất nguồn gốc thuốc lá đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động phòng chống thuốc lá lậu tại thị trường Châu âu.

OLAF có thể xác định và theo dõi các xe tải và/hoặc công-te-nơ chở thuốc lá bị khai báo nhầm, hoặc cố tình khai báo thành hàng hóa khác tại biên giới Liên minh Châu Âu. OLAF trao đổi thông tin tình báo và thông tin theo thời gian thực với quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu và các nước thứ ba, nếu có bằng chứng rõ ràng các lô hàng là buôn lậu tại thị trường Châu Âu, các cơ quan chức năng quốc gia sẽ sẵn sàng và có thể can thiệp, ngăn chặn chúng kịp thời.

Một dẫn chứng điển hình, vào năm 2021, thông qua hoạt động của OLAF hơn 93 triệu điếu thuốc lá nhập lậu vào Liên minh Châu Âu, 372 tấn thuốc lá thô dùng để sản xuất thuốc lá bất hợp pháp đã bị bắt giữ và 253 triệu điếu thuốc lá bị tịch thu bên ngoài biên giới của Liên minh Châu Âu.

Việt Nam là thị trường hết sức béo bở để những kẻ bất chấp pháp luật buôn bán, kinh doanh thuốc lá phi pháp. Trong 5 năm tính đến đầu năm 2020, Việt Nam đã thu giữ hơn 53 triệu gói thuốc lá lậu, hơn 2.000 vụ việc liên quan buôn bán thuốc lá phi pháp đã được đưa ra tòa, hơn 10.000 kẻ phạm tội bị xét xử và hơn 70.000 trường hợp bị xử phạt.

 Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vi phạm liên quan đến thuốc lá lậu.

Thực tế số lượng thuốc lá buôn bán bất hợp pháp tại thị trường Việt Nam còn lớn hơn nhiều lần so với số lượng bị bắt và hiện có xu hướng gia tăng trở lại kể từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 sau thời gian giãn cách xã hội. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường, tập trung phòng, chống thuốc lá lậu nhưng do địa bàn rộng, nhân sự và phương tiện thiếu thốn, các giải pháp hỗ trợ chưa đồng bộ nên việc kiểm soát thuốc lá lậu vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử với sản phẩm thuốc lá trên thị trường Châu âu là bài học chống gian lận hiệu quả và đáng để Việt Nam chúng ta học tập. Ngày 19 tháng 01 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 100/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc nên việc triển khai quy định và các yêu cầu đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thuốc lá là hoàn toàn phù hợp với định hướng của nhà nước, xu thế hội nhập kinh tế và chuyển đổi số hiện nay.

Hy vọng các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý ngành sớm nghiên cứu ban hành quy định và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thuốc lá kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Vũ Hoàng Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích