Truy xuất nguồn gốc: Đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi sản xuất
Với mỗi sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, người tiêu dùng thường đặt ra câu hỏi: Có thông tin chi tiết về sản phẩm không? Câu hỏi tuy ngắn, nhưng để trả lời đầy đủ thì lại là một câu chuyện khá dài, đó là thông tin được theo dõi đến từng bước nhỏ từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ – đó chính là thông tin TXNG.
Hiện nay, nhiều thị trường trên thế giới yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam, trong đó TXNG là yêu cầu bắt buộc như các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật,… và cả thị trường Trung Quốc.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng đưa ra những quy tắc trong đó vấn đề về nguồn gốc xuất xứ được đề cao. Theo đó, hàng hoá Việt muốn xuất khẩu sang EU phải tuân thủ nghiêm ngặt về TXNG, đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc – thị trường lớn của Việt Nam những năm gần đây cũng ban hành nhiều chính sách kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu phải thực hiện TXNG.
Truy xuất nguồn gốc giúp minh bạch tất cả các khâu, từ sản xuất cho đến phân phối, cuối cùng là tới tay người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, cùng với sự vận động của thị trường, yêu cầu đối với hàng hoá của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn theo xu hướng tìm hiểu sâu về thông tin sản phẩm, hàng hóa. Sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm cuối cùng đến khách hàng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm,…
Tuy nhiên, hiện hoạt động TXNG và áp dụng tem TXNG tại Việt Nam đang tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập, như: TXNG mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số thị trường lớn; Hệ thống TXNG mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống TXNG này có thể tham gia với các hệ thống TXNG khác; TXNG đòi hỏi tính chuẩn hóa cao, yêu cầu các bên tham gia TXNG cần thống nhất dùng chuẩn chung. Tuy nhiên, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún gây hạn chế cho việc thống nhất giữa các bên tham gia TXNG;
Các giải pháp TXNG tại Việt Nam chưa được kết nối và có được sự thừa nhận của quốc tế gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu; Việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát; Chưa có chương trình, hệ thống, cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống TXNG mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, người sử dụng…
Để bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai TXNG trên thế giới, ngày 19/01/2019 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” (Đề án 100) nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động TXNG phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Theo Quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ xây dựng, đưa vào vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Mới đây nhất, thông tin về tiến độ xây dựng Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc đưa Cổng thông tin về TXNG vào hoạt động do một số thủ tục đầu tư chưa triển khai được trọn vẹn. Bộ hiện đang tập trung để trong những tháng tới được hoàn thành, đưa Cổng TXNG này vào hoạt động.
Ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC) – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, việc quản lý thông tin TXNG sản phẩm tập trung trên cổng thông tin TXNG là đòi hỏi bức thiết bởi các lý do sau: Đáp ứng việc quản lý sản xuất trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đảm bảo kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khi nhập nguyên liệu đến khi xuất sản phẩm, từ đó đảm bảo tính an toàn, chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm;
Phát hiện, ngăn chặn, phòng chống hàng giả và hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh, phù hợp với chức năng quản lý sản phẩm hàng hóa lưu thông của ngành Công thương; Quản lý và tối ưu hoá chuỗi cung ứng, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cải thiện hiệu quả sản xuất, dễ đánh giá và tham mưu một cách chính xác cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô;
Tăng cường sự tin tưởng của người tiêu dùng, nâng cao vị thế, uy tín sản phẩm thương hiệu Việt, tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; Đảm bảo sự công bằng, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, thu hút sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp FDI, cải thiện môi trường đầu tư.
Thanh Tùng