Truy tố nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và đồng phạm
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cùng tội danh, Viện Kiểm sát truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo UBND tỉnh và sở, ngành ở tỉnh Bình Thuận gồm: Lương Văn Hải (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh); Hồ Lâm (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường); Ngô Hiếu Toàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính); Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường); Đặng Hoài Nhân (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất); Nguyễn Thanh Cho (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai); Lê Nam Hưng (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai); Phạm Duy Cường (nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng kinh tế đất thuộc Chi cục Quản lý đất đai); Lê Anh Huy (nguyên Chuyên viên Phòng kinh tế đất); Nguyễn Thị Thu Phong (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất).
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Văn Phong (nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ trương bán đấu giá 3 lô đất (số 18, 19, 20, thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên, sau thông báo 6 lần vẫn không có đơn vị, cá nhân nào tham gia mua đấu giá.
Đầu năm 2016, giá đất ở Bình Thuận, trong đó có 3 lô đất trên, liên tục biến động tăng. Ngày 26/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của Bình Thuận, trong đó có khu vực 3 lô đất trên là 1,6 triệu đồng/m2.
Đến ngày 7/3/2017, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn giao và cho thuê đất đối với Công ty Tân Việt Phát nhưng lấy giá đất năm 2013. Việc giao đất năm 2017 nhưng lấy giá 2013 của các lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và cấp dưới khiến tài sản Nhà nước bị thiệt hại khi giao đất cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát là 45,4 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, phía Tân Việt Phát cũng đã có công văn xin nộp bổ sung số tiền chênh lệch (bằng với số tiền thiệt hại mà các bị can trong vụ án gây ra: 45,4 tỷ đồng). Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nộp.
Về phía các bị can đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Một số bị can đã tác động để gia đình khắc phục một phần hậu quả thiệt hại của vụ án, cụ thể: Bị can Nguyễn Ngọc Hai khắc phục 300 triệu đồng; bị can Lương Văn Hải khắc phục 500 triệu đồng; bị can Lê Nguyễn Thanh Danh khắc phục 100 triệu đồng; bị can Hồ Lâm khắc phục 100 triệu đồng; bị can Đặng Hoài Nhân khắc phục 100 triệu đồng.
Nguồn: Báo lao động thủ đô