Trường Sa mãi trong tim tình cảm quê hương
(Xây dựng) – Hành trình đến với Trường Sa lần này diễn ra vào những ngày tháng Tư lịch sử, dịp cả nước kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa. Chuyến đi thực sự là một kỷ niệm quý báu, đáng trân trọng và tự hào với mỗi thành viên trong Đoàn công tác số 12 chúng tôi.
Lực lượng hải quân trên xã đảo Sinh Tồn duyệt đội ngũ. |
Tôi là một trong số rất hiếm phóng viên từ miền Bắc nhập đoàn đại biểu tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh đến với hải trình Trường Sa. Chúng tôi như được hòa mình vào không khí thiêng liêng, tự hào cùng những công dân thành phố mang tên Bác.
Nghĩa tình biển đảo với quê hương
Chuẩn bị cho chuyến khởi hành đến với biển đảo quê hương tôi cứ như vang vọng lời dạy của Bác Hồ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Hải trình một tuần lễ với những hoạt động rất ý nghĩa đã giúp cho các thành viên trong Đoàn có được những kỷ niệm không thể quên.
Ấn tượng nhất khi tôi gặp mẹ chiến sỹ Huỳnh Thế Sơn, chị Nguyễn Thị Lành bảo, cả tuần trước khi được thông báo là được chọn ra thăm con, chị đã không ngủ được. Dù con vẫn gọi điện thoại về nhà kể về sự trưởng thành của mình từ khi được tham gia đóng quân nơi đảo Sinh Tồn. Ấy vậy mà vừa đặt chân lên cầu cảng nước mắt chị đã rơm rớm, chị bảo: “Nhìn thấy con trưởng thành chững trạc em mừng lắm chị ạ. Ở nhà con là út nên mẹ lo hơn nhưng từ khi nhập ngũ cháu được giúp đỡ của các anh, các thủ trưởng nên hòa nhập môi trường nhanh. Mọi công việc cấp trên giao cháu đều hoàn thành tốt, giờ đã tăng hơn chục ký so với hồi còn ở nhà. Con trưởng thành là mình vui lắm rồi”.
Ôm mẹ trong tay Sơn dõng dạc nói: “Mẹ yên tâm con sẽ phấn đấu vững chắc tại tuyến đầu Tổ quốc, con quen với nắng gió rồi!”.
Chị Nguyễn Thị Lành vui mừng khi thấy con trưởng thành. |
Chiến sĩ Huỳnh Thế Sơn không chỉ được nhận sự quan tâm đặc biệt trong chuyến công tác của Đoàn số 12 – Thành phố Hồ Chí Minh mà còn được các đồng chí lãnh đạo của thành phố ân cần động viên, tặng quà giúp em yên tâm bám biển cùng đồng đội.
Cũng như chiến sỹ Huỳnh Thế Sơn, chiến sỹ Thái Gia Bảo cũng có bố ra thăm lần này. Hình ảnh người cha Thái Văn Vũ mang theo chú gấu bông tặng con ở đảo Tốc Tan C đã khiến không ít thành viên trong Đoàn ngấn lệ. Dù trong mắt mẹ cha các con vẫn còn bé bỏng, nhưng chiến sĩ Thái Gia Bảo với vóc dáng cao dong dỏng, làn da đậm màu nắng gió đã quen thuộc từng góc đảo thân thương.
Chiến sĩ trẻ Thái Gia Bảo được bố ra thăm. |
Theo chân chàng chiến sĩ trẻ Bảo dẫn cha đi thăm và giới thiệu từng góc đảo, từng vị trí làm việc và các đồng đội của anh em, chúng tôi không khỏi thán phục. Trên đảo có đủ khu sinh hoạt, khu huấn luyện, khu tập thể thao với các dụng cụ tập Gym, khu vườn rau nhỏ xinh nhưng xanh mướt các loại rau quả, các tấm pin năng lượng mặt trời giúp thắp sáng và vận hành các thiết bị điện tử phục vụ sinh hoạt… Các bạn cún cưng hôm nay được cho tạm vào một khu vực nhưng khi có khách ra thăm chuyện trò thì đều vẫy đuôi mừng thật thân thiện.
Chị Nguyễn Thu Hiền, một người dân trên đảo Sinh Tồn tâm sự với chúng tôi: “Tình cảm của Đoàn công tác Thành phố Hồ Chí Minh từ đất liền mang ra đảo vào đúng dịp kỷ niệm đặc biệt này đã giúp chúng tôi cảm thấy như được tiếp thêm động lực vượt qua mọi khó khăn. Hoàn thành tốt nhiệm vụ để đất liền yên tâm với tuyến đầu Tổ quốc”.
Các học sinh ở đảo Sinh Tồn khá tự tin khi gặp khách đến thăm. |
Những cây bàng vuông cùng tình yêu biển đảo
Thầy Phạm Quang Tuấn đã có ước vọng từ lâu được đóng góp cho huyện đảo Trường Sa, là thầy giáo có kinh nghiệm 35 năm ở Khánh Hòa, thầy biết ngoài đảo có dân, có học trò nên đã tình nguyện ra đảo dạy học. Dù điều kiện ở đảo rất khó khăn, lớp học ghép nhưng những học sinh bé bỏng của trường Tiểu học Sinh Tồn ở xã đảo Sinh Tồn luôn được thầy dành mọi yêu thương. Thầy bảo, học sinh ở đảo khó khăn hơn trong bờ, thiếu các dụng cụ học tập trực quan, đồ chơi… Tuy nhiên, trong quá trình dạy học thầy luôn cố gắng lồng ghép kiến thức và các kỹ năng sống cho các học trò nơi đây.
Giữa trưa khi các trò đã về cùng bố mẹ nghỉ ngơi, thầy giáo Tuấn vẫn miệt mài bên trang giáo án, bởi hơn ai hết thầy mong muốn đem đến cho các em kiến thức, đưa các em tự tin vững bước vào đời.
Anh Đặng Văn Bình, phụ trách làng chài ở đảo Tốc Tan có lẽ là một người gắn bó lâu nhất với Trường Sa, 35 năm trong quân ngũ thì có 15 năm anh bám biển cùng đồng đội. Năm 2009 anh bắt đầu ra đảo Đá Tây, gắn bó cùng công việc nuôi cá lồng bè. Anh bảo khi ấy kinh nghiệm chưa có nên cá cũng bị hỏng nhiều. Năm 2018, anh Bình được phân công sang đảo Tốc Tan hỗ trợ ngư dân ra biển Trường Sa khai thác thủy sản. Cấu tạo của cụm bãi đá Tốc Tan có chiều dài khoảng 20km, rộng gần 7km, diện tích khoảng 140km2, thềm san hô phía Bắc rộng rãi tạo thành vành đai, hình thành hồ nước có độ sâu từ 15-20m. Tàu thuyền của ngư dân thường vào đây tránh bão, mỗi khi hướng dẫn giúp bà con vào nơi tránh gió an toàn người lính hải quân này lại thầm tự hào. Cũng có khi thời tiết không thuận, các anh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phao dẫn luồng, sóng to gió lớn có lúc rất nguy hiểm. Tuy vậy mỗi khi con xuồng cập đảo an toàn người lính này lại như được về với ngôi nhà thân yêu.
Anh Đặng văn Bình và các đồng đội trẻ thư giãn sau ca trực (ảnh: NVCC). |
Gặp anh trên đảo khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là người lính này hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ chế độ nhưng anh vẫn còn đau đáu: Chỉ tiếc là mình đã hết tuổi quân nhường lại biển đảo thân yêu cho thế hệ trẻ tiếp tục canh giữ.
Anh Bình cũng tiết lộ cả con trai và con rể của anh đều gắn bó với lực lượng Hải quân, cậu con trai duy nhất của anh đã có mặt tại quần đảo Trường Sa cùng bố làm nhiệm vụ trong giai đoạn năm 2020- 2022. Con rể hiện cũng đang công tác tại Hải quân vùng 2, với người lính này đó chính là niềm tự hào lớn nhất.
Đoàn công tác thăm và làm việc tại đảo Đá Tây B thuộc huyện quần đảo Trường Sa. |
Giữa biển bao la xanh, quần đảo Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi đã có dịp tâm sự với những cựu binh Đoàn tàu HQ 505 anh hùng. Trong phút giây thiêng liêng, tưởng niệm những chiến sĩ Gạc Ma, đồng đội của các anh đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, cánh hải âu biển lượn vòng trên tàu kiểm ngư KN 290 như vẫy tay chào đồng đội. Hải âu bay về Trường Sa – gửi tình yêu thương và lòng tin từ hậu phương tới tiền tuyến, tới những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn: Báo xây dựng