Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đưa các giải pháp giảm thiểu nguy cơ cháy nổ tại các hộ gia đình và hộ gia đình sản xuất kinh doanh
(Xây dựng) – Nhằm giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn cháy nổ tại các các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an Thành phố Hà Nội.
Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Thành phố Hà Nội. |
PV: Thưa ông, xin ông cho biết, tình hình cháy, nổ đối với hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh trong thời gian qua? Thực trạng an toàn về PCCC trên địa bàn Thành phố Hà Nội?
Đại tá Phạm Trung Hiếu: Trong 05 tháng đầu năm 2023 (từ ngày 15/12/2022 đến 14/5/2023), trên địa bàn Thành phố Hà Nội xảy ra tổng số 107 vụ cháy (không có vụ nổ); làm 06 người chết, 09 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4 tỷ đồng; trong đó, có 53 vụ cháy (chiếm 49,5% tổng số vụ cháy) thuộc loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, các vụ cháy này làm 06 người chết, 05 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 840 triệu đồng, cụ thể: Cháy xảy ra đối với nhà ở hộ gia đình là 44 vụ; làm 05 người chết; Cháy xảy ra đối với nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh là 09 vụ; làm 01 người chết, 05 người bị thương.
Trong 09 vụ cháy xảy ra đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, có 04 vụ (chiếm 44,44%) nguyên nhân do chập điện, 05 vụ đang tiếp tục điều tra. So sánh với cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy và thiệt hại về tài sản do cháy đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh đều giảm trên cả 3 tiêu chí (người chết, người bị thương và thiệt hại tài sản), cụ thể giảm 47 vụ cháy (53/100 vụ); giảm 05 người chết (06/11 người chết); giảm 03 người bị thương (05/08 người bị thương); giảm khoảng 250 triệu đồng thiệt hại về tài sản.
Đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh thường được thiết kế, xây dựng theo dạng nhà ống với đặc điểm lắp lồng sắt chống trộm kiên cố, chỉ có duy nhất 01 lối ra thoát nạn tại tầng 1, bố trí 01 cầu thang bộ bên trong nhà để hở liên thông giữa các tầng. |
Từ đó cho thấy, thực trạng an toàn PCCC tại các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh hiện nay đang gặp rất nhiều vấn đề. Đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, dù ở mặt đường hay trong các ngõ, ngách, loại hình này thường được thiết kế, xây dựng theo dạng nhà ống với đặc điểm chỉ có duy nhất 01 lối ra thoát nạn tại tầng 1, bố trí 01 cầu thang bộ bên trong nhà để hở liên thông giữa các tầng, do đó, khi xảy ra hỏa hoạn khói, khí độc rất dễ lan nhanh theo trục đứng lên các tầng trên. Trong khi 3 mặt nhà đều là tường đặc, chỉ có mặt trước là có thể mở cửa sổ, do vậy khả năng thông gió hoặc thoát khói của những ngôi nhà này thường rất hạn chế. Mặt khác, việc tận dụng diện tích để sắp xếp các vật dụng, hàng hóa gây cản trở lối thoát nạn duy nhất của công trình cũng xảy ra phổ biến, đặc biệt là tại các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, do lo ngại về tình trạng tội phạm đột nhập trộm cắp tài sản nên trong xây dựng nhà ở, các gia chủ thường yêu cầu xây kín đáo và phải khóa cửa nhiều lớp, không làm cửa hậu hay lối lên mái và xây bít ban công bằng khung sắt kiên cố (chuồng cọp) nên khi xảy ra sự cố, không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng. Với nhà được thiết kế như vậy, lực lượng chữa cháy cứu nạn, cứu hộ rất khó khăn trong quá trình tiếp cận để cứu người, cứu tài sản và tổ chức chữa cháy, đặc biệt là nhà trong ngõ nhỏ, xe chữa cháy không tiếp cận được.
Bên cạnh đó, hầu hết các hộ gia đình không tự trang bị các phương tiện PCCC&CNCH ban đầu như bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, CNCH cũng như kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ (kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH) nên khi có sự cố cháy nổ thường mất bình tĩnh, không xử lý ngay được từ ban đầu, dẫn đến nguy cơ cháy lan, cháy lớn là rất cao.
Theo thống kê nguyên nhân các vụ cháy, nổ trong những năm qua cho thấy đến 70% nguyên nhân các vụ cháy đến tử sự cố liên quan sử dụng hệ thống dây dẫn điện, thiết bị điện trong nhà, trong cơ sở sau công tơ điện. |
PV: Thưa ông, vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ cháy nổ tại các hộ gia đình để ở, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh?
Đại tá Phạm Trung Hiếu: Hà Nội có số lượng và mật độ nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh rất cao với nhu cầu sử dụng các chất, vật liệu dễ cháy, sử dụng điện ngày một gia tăng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn về PCCC, đặc biệt là đối với hệ thống, thiết bị điện (quá tải, đấu nối đường dây dẫn điện không đúng quy cách, sử dụng nhiều thiết bị cũ không đảm bảo an toàn điện…). Theo thống kê nguyên nhân các vụ cháy, nổ trong những năm qua cho thấy đến 70% nguyên nhân các vụ cháy đến tử sự cố liên quan sử dụng hệ thống dây dẫn điện, thiết bị điện trong nhà, trong cơ sở sau công tơ điện). Đến nay, chưa có quy định phân công trách nhiệm cụ thể về việc quản lý, theo dõi an toàn điện “sau công tơ”, đồng thời, chưa có chế tài để ngừng cung cấp điện cho các cơ sở, hộ gia đình cố tình vi phạm về PCCC, có nguy cơ về cháy, nổ cao.
Bên cạnh đó, nguyên nhân cháy nổ còn xuất phát từ sự cố hệ thống gas đun nấu (không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên) hay sự bất cẩn trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (thắp hương thờ cúng, sử dụng ngọn lửa trần…).
Ngoài ra, nhận thức, ý thức về PCCC của chủ hộ gia đình, người dân chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC. Qua kiểm tra thực tế, vẫn còn tình trạng chủ hộ gia đình vì đảm bảo về an ninh trật tự nên chưa thực hiện nghiêm cam kết phá dỡ chuồng cọp, mở lối thoát nạn thứ 2; còn chủ quan, lơ là, vì lợi ích kinh tế nên không quan tâm, chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn về PCCC.
Nhiều hộ gia đình tự cơi nới thêm “chuồng cọp nhằm” chống trộm và gia tăng diện tích cho ngôi nhà. |
PV: Vậy xin ông cho biết, việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm số vụ cháy cũng như thiệt hại về người và tài sản đối với các hộ gia đình để ở, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh trong thời gian qua như thế nào?
Đại tá Phạm Trung Hiếu: Thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ; Điện mật số 58 của Bộ Công an trong công tác PCCC, lấy “Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết”; “lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản – chiến lược – lâu dài”, Công an Thành phố đã chủ động tham UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 53 ngày 16/02/2023 về triển khai nhân rộng 02 mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Với mục tiêu: “Mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 01 người được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH; Tuyên truyền vận động 100% hộ gia đình trang bị các phương tiện chữa cháy, CNCH; phấn đấu mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện CNCH cần thiết.
Bên cạnh việc triển khai 02 mô hình theo chỉ đạo của Bộ Công an, tại Kế hoạch số 53, Công an Thành phố cũng tham mưu UBND Thành phố Hà Nội tổng kết, xây dựng và nhân rộng 04 mô hình, gồm: Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC; Cụm liên kết Làng nghề an toàn; Cụm liên kết an toàn trong Khu/Cụm công nghiệp; Cụm liên kết an toàn PCCC rừng.
Có thể khẳng định rằng với 06 mô hình hiện tại Hà Nội đang triển khai xây dựng và nhân rộng bảo đảm phù hợp, bao quát và toàn diện đến đầy đủ các loại, diện đối tượng cơ sở, khu dân cư, nhà ở trên toàn Thành phố.
Để việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Kế hoạch số 53 ngày 16/2/2023 của UBND Thành phố đạt hiệu quả cao nhất, Công an Thành phố đã chủ động biên soạn, xây dựng bộ tài liệu kèm Clip hướng dẫn rất chi tiết, thể về đối tượng, các tiêu chí thành lập và duy trì mô hình và tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng an toàn về PCCC cho các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh để triển khai tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, hộ gia đình với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cấp cơ sở (Bí thư, Tổ trưởng tổ dân phố, Đội trưởng dân phòng và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể…).
Bên cạnh đó, Công an Thành phố cũng chủ động phối hợp với các Sở Thông tin và truyền thông, Sở Giáo dục và đào tạo, Đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương nghiên cứu, xây dựng các chương trình, chuyên mục, nội dung tuyên truyền để tăng cường cách thức tiếp cận đối với người dân Thủ đô nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để lan tỏa các kiến thức, kỹ năng về PCCC.
Đặc biệt, nhận thức được nguy cơ cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra do hệ thống, thiết bị điện, ngày 19/4/2023, Công an Thành phố đã phối hợp Tổng Công ty Điện lực Thành phố tham mưu UBND Thành phố tổ chức Hội nghị tăng cường công tác bảo đảm an toàn PCCC trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, qua đó đã tham mưu UBND Thành phố có Văn bản số 1179/UBND- NC chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã để triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất số cháy, cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra có nguyên nhân do điện. Qua đó, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tính đến ngày 12/5/2023, Công an 30 quận, huyện, thị xã đã tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tích cực triển khai tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC&CNCH cũng như vận động các hộ gia đình tự trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ, kết quả gần 100% các hộ cam kết thực hiện đảm bảo về PCCC.
Trong 02 tháng từ 01/5/2023 đến 20/6/2023, phấn đấu hoàn thành sớm nhất đối với chỉ tiêu nhân rộng 02 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” theo chỉ đạo của Bộ Công an; Riêng đối với 04 mô hình còn lại (Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC; Cụm liên kết Làng nghề an toàn; Cụm liên kết an toàn trong Khu/Cụm công nghiệp, Cụm liên kết an toàn PCCC rừng), mục tiêu đến trước 15/12/2023 sẽ hoàn thành việc xây dựng và nhân rộng toàn bộ 06 mô hình để triển khai đồng bộ trong những năm tiếp theo.
Phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) ra mắt Tổ liên gia an toàn PCCC và thực tập phương án CNCH. |
Đối với công tác tuyên truyền, vận động hộ gia đình để ở, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh tự trang bị phương tiện PCCC&CNCH đã đạt được kết quả đáng ghi nhận khi 100% các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh và gần 60% hộ gia đình, đảm bảo mỗi hộ gia đình có ít nhất 01 người được tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật và kỹ năng an toàn về PCCC&CNCH. Mục tiêu đến 15/12/2023 hoàn thành việc tuyên truyền đến 100% hộ gia đình để ở (mỗi hộ gia đình có ít nhất 01 người được tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật và kỹ năng an toàn về PCCC&CNCH).
Qua công tác tuyên truyền, vận động, đã có 675.750 gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay (trong đó có 572.067 nhà chỉ để ở và 103.683 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh) với tổng số hơn 1 triệu bình chữa cháy; 1.118.033 nhà đã trang bị dụng cụ phá dỡ thô sơ (trong đó có 1.014.350 nhà chỉ để ở và 103.683 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh) với trên 1,1 triệu dụng cụ phá dỡ . Phấn đấu từ nay đến cuối năm, với trên 1,5 triệu nhà ở hộ gia đình tại Hà Nội đều được trang bị bình chữa cháy.
Riêng đối với công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng PCCC&CNCH đến các hộ gia đình trên địa bàn Thành phố: Dự kiến đến trước ngày 15/12/2023 hoàn thành việc tuyên truyền đến 100% hộ gia đình để ở (mỗi hộ gia đình có ít nhất 01 người được tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật và kỹ năng an toàn về PCCC&CNCH), đồng thời vận động 100% hộ gia đình tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy và các phương tiện, dụng cụ phá dỡ thông thường.
Song song với việc triển khai xây dựng các mô hình này, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã triển khai ra mắt và diễn tập 601 phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các Tổ liên gia trên địa bàn. Phấn đấu đến trước 20/6/2023, mỗi phường, xã, thị trấn triển khai xây dựng và diễn tập ít nhất 01 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Tổ liên gia và nhân rộng đến từng thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn quản lý.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo xây dựng