Trường hợp nào được coi là thay đổi quy mô đầu tư dự án?

(Xây dựng) – Ông Trần Nhân Nghĩa (Hà Tĩnh) đang làm hồ sơ thiết kế thi công dự án mạng lưới nước sạch. Bước thiết kế báo cáo kinh tế – kỹ thuật có quy mô 63.000m đường ống gồm các kích thước HDPE D315, D200, D160, D110, D90, D63, D50, D40 đã được cơ quan thẩm định phê duyệt.

Trường hợp nào được coi là thay đổi quy mô đầu tư dự án?
Ảnh minh họa.

Hiện nay, bước thiết kế bản vẽ thi công ông Nghĩa muốn thay đổi tăng thêm 7.000m ống D50, D40. Ống D315 có chiều dài 5.500m và ông muốn thay đổi thành 5.300m ống D315 và 200m ống D355. Tất cả thay đổi và thêm mới không làm thay đổi tổng mức đầu tư.

Ông Nghĩa hỏi, các thay đổi đó của ông có làm thay đổi quy mô đầu tư không?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Điều 61 Luật Xây dựng 2014 và Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, tùy từng loại công trình, quy mô đầu tư xây dựng được thể hiện thông qua:

Quy mô công suất, quy mô kết cấu của dự án (Phụ lục I, II của Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng).

Chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án: Diện tích khu đất; mật độ xây dựng; hệ số sử dụng đất; số tầng cao; số lượng công trình, hạng mục; kích thước các chiều;…

Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng đã được cơ quan thẩm định phê duyệt có quy mô 63.000m đường ống bao gồm các kích thước HDPE D315, D200, D160… Đến nay, việc đề xuất tăng thêm 7.000m ống D50, D40; điều chỉnh ống D315 có chiều dài 5.500m thành 5.300m ống D315 và 200m ống D355 làm thay đổi quy mô đầu tư ban đầu của dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích