Trưởng Ban Kinh tế TƯ: Cần chú trọng phát triển các ngành dịch vụ công nghệ cao
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, cần chú trọng phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số.
Ngày 5/8, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Các báo cáo chính của Hội thảo tập trung vào các chủ đề: Những xu hướng du lịch toàn cầu và ý nghĩa đối với Việt Nam; Tương lai của sự phát triển dựa vào dịch vụ; Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Một số đề xuất, kiến nghị phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam…
Các chuyên gia hiến kế để phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 |
Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia ở các lĩnh vực trong ngành dịch vụ đã đóng góp ý kiến để phát triển ngành theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để gia tăng giá trị.
Theo các số liệu thống kê, tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm và hiện chiếm trên 40% GDP. Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.
Thương mại điện tử cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ thay thế dần thương mại truyền thống, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến.
Lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Fintech đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, CMC…
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao.
Một số dịch vụ quan trọng hiện nay có tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 5,37%); khoa học và công nghệ (1,29%); giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%).
“Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistic vẫn chiếm tỷ trọng cao. Một số mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế nền tảng dựa trên công nghệ số, nền tảng số phát triển nhanh nhưng còn thiếu cơ chế kiểm soát đồng bộ nên gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống”, ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tại Hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, logistics…
Ngoài ra, cần tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với các nền tảng thương mại điện tử, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu.
“Phát triển các lĩnh vực dịch vụ phụ trợ cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành định hướng xuất khẩu, công nghiệp ưu tiên. Ngành du lịch phải được phát triển chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững, tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo, công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học và công nghệ thông tin truyền thông”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Nguồn: Báo xây dựng