Trùng tu, phục hồi nhiều công trình quan trọng trong Đại Nội Huế
Hiện nay ba ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Đại Nội là điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Kiến Trung đã và đang được trùng tu, phục hồi góp phần hồi sinh những giá trị di sản văn hóa.
Đại Nội Huế. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN) |
Trải qua những biến động của lịch sử, chiến tranh, cộng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều công trình kiến trúc quan trọng ở khu vực Đại Nội (Kinh thành Huế, thành phố Huế) bị xuống cấp trầm trọng hoặc bị phá hủy, trở thành phế tích.
Thời gian qua, một số công trình tại đây đã được phục hồi thành công, hiện nay ba ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Đại Nội là điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Kiến Trung đã và đang được trùng tu, phục hồi góp phần hồi sinh những giá trị di sản văn hóa, kiến trúc của tiền nhân đã được Tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới.
Bước qua cửa Ngọ Môn uy nghi và tráng lệ là tới cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch dẫn vào điện Thái Hòa. Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn, biểu trưng cho cơ quan quyền lực của triều đình phong kiến.
Đây là nơi Hoàng đế ngự ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng, ghi dấu lịch sử thăng trầm của 13 vị Hoàng đế triều đại nhà Nguyễn. Trải qua thời gian, điện Thái Hòa đang bị xuống cấp nghiêm trọng do điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt và một số tác nhân khác.
Gần đây nhất, phần mái ngói phía Tây của điện Thái Hòa bị hư hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của các đợt mưa bão cuối năm 2020.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Văn Tuấn cho biết: Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa hiện đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để tổ chức khởi công trong tháng 11/2021.
Trước khi khởi công, chủ đầu tư sẽ thành lập Hội đồng đánh giá di tích nhằm đảm bảo tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc trùng tu. Hội đồng đánh giá di tích sẽ nghiên cứu, đánh giá tình trạng kỹ thuật cấu kiện, thành phần kiến trúc và phân loại, lựa chọn cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng không được sử dụng lại để bảo quản, trưng bày tại di tích hoặc ở bảo tàng.
Về phương án thi công tu bổ, Trung tâm sẽ xây dựng nhà bao che phục vụ thi công tu bổ di tích, nhà bảo quản cấu kiện, thành phần kiến trúc. Trước khi hạ giải, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được chụp ảnh, ghi hình, đánh dấu theo hệ thống ký hiệu đã lập trên bản vẽ; có phương án hạ giải và vị trí tập kết trong nhà bảo quản.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, điện Thái Hòa sẽ được tu bổ, gia cường nền móng; phục hồi nền lát gạch, bậc cấp đá Thanh, tường gạch và chi tiết kiến trúc khác; tu bổ tường gạch, phục hồi màu sắc nguyên trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ; sơn son thếp vàng; mái lợp ngói; bờ mái và con giống khảm sành sứ; hệ thống trang trí pháp lam.
Ngoài ra, Dự án cũng tiến hành tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán và các đồ nội thất; tu bổ, gia cường, cân chỉnh toàn bộ sân nền khuôn viên Điện, hệ thống tường chắn đất, phục hồi lan can; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh; hệ thống điện chiếu sáng, trang trí, thoát nước, phòng cháy chữa cháy. Quá trình triển khai tu bổ tổng thể điện Thái Hòa dự kiến sẽ kéo dài trong 4 năm, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng.
Sau điện Thái Hòa là điện Cần Chánh được xây dựng từ năm 1804, hiện tại là phế tích cũng mới được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế thông qua Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh.
Theo các nhà nghiên cứu, điện Cần Chánh là một kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế, là nơi thiết triều và làm việc thường xuyên của các vua nhà Nguyễn. Nhưng đến tháng 2 năm 1947, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, điện Cần Chánh bị phá hủy hoàn toàn.
Vì vậy, việc nghiên cứu phục hồi công trình đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nhiều năm qua.
Ngay từ những năm 1994-1995, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Viện Di sản Thế giới thuộc Đại học Waseda (Nhật Bản) tiến hành nghiên cứu dài hạn nhằm phục hồi di tích quan trọng này. Sau khi tiến hành khảo sát, trắc đạc tổng thể và chi tiết toàn bộ công trình di tích Huế kết hợp với việc nghiên cứu các tài liệu liên quan, hai bên đã cùng tổ chức nhiều hội thảo khoa học liên quan đến công tác nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh.
Các cuộc hội thảo này đã thu hút và ghi nhận nhiều ý kiến quý báu của các thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia của Tổ chức UNESCO, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước… Đến nay, kết quả phân tích từ các dữ liệu đã được thể hiện ở mô hình phục hồi điện Cần Chánh tỷ lệ 1/10 đang được trưng bày tại khu vực Đại Nội Huế.
Để đảm bảo tính khoa học cũng như tính pháp lý của hồ sơ thiết kế công trình, hiện nay Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp tư liệu, bản vẽ nhằm hoàn thiện hồ sơ thiết kế phục hồi điện Cần Chánh để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cố đô Huế có mật độ di sản rất đồ sộ, “đậm đặc” nên nhu cầu về nguồn lực dành cho công tác trùng tu, phục hồi rất lớn nhưng khả năng cân đối bố trí kinh phí lại hạn chế, nhất là hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu từ vé tham quan di tích bị sụt giảm nghiêm trọng.
Quảng trường Ngọ Môn. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN) |
Điện Kiến Trung được khởi công phục hồi, tôn tạo từ đầu năm 2019 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022, tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án cho đến nay mới đạt 30% khối lượng xây lắp, thực hiện chủ yếu phần thô hai tầng của công trình, phục hồi tường bao nền tổng thể công trình và một số hạng mục kiến trúc nhỏ khác. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi của công trình này chính là việc bố trí nguồn vốn.
Đầu tháng 11/2021, tại Kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội khóa XV đã thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong đó có việc cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.
Theo đó, Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên – Huế trực tiếp quản lý. Quỹ bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác.
Nguồn thu của Quỹ chỉ dùng để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra cơ chế để huy động nguồn lực một cách bài bản, phục vụ công tác trùng tu, phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa Huế trong thời gian tới.
Việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị di sản vật thể và phi vật thể của Cố đô Huế không những cho địa phương mà cho cả nước và thế giới./.
Nguồn: Báo xây dựng