Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI): 15 năm tiên phong trong phát triển tài nguyên nước
(TN&MT) – Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên và duy nhất trong lĩnh vực tài nguyên nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trải qua 15 năm khẳng định vị thế tiên phong trong phát triển tài nguyên nước quốc gia, Trung tâm đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng trên mọi mặt công tác, góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường cũng như phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường nhân dịp NAWAPI kỷ niệm 15 năm thành lập (04/3/2008 – 04/3/2023), Tiến sĩ Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc NAWAPI cho biết: 15 năm qua, NAWAPI đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động hùng hậu với gần 700 người. Trong đó, có 10 tiến sĩ, 132 thạc sĩ, 316 kỹ sư và đội ngũ công nhân, kỹ thuật lành nghề để đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao.
PV: Ông có thể điểm qua một số thành tích ấn tượng đối với công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước trong 15 năm xây dựng và phát triển?
TS. Tống Ngọc Thanh: Cùng với việc xây dựng và phát triển, chúng tôi đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước. Đặc biệt là đã hoàn thành được Bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1/200.000 cho toàn quốc. Đây là bộ tài liệu quý, phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác điều tra để bảo vệ các nguồn nước quý hiếm phục vụ cho công tác khai thác, bảo vệ và sử dụng nước bền vững ở các đô thị lớn của Việt Nam, bằng nguồn lực của Chính phủ và sự hợp tác với Chính phủ CHLB Đức.
Để có nguồn tài liệu phục vụ cho dữ liệu điều tra cơ bản phục vụ quản lý Nhà nước, NAWAPI đã đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, tổng hợp tài nguyên nước bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất cho các vùng kinh tế trọng điểm, các lưu vực sông quan trọng. Ngoài ra, Trung tâm đã thực hiện các chương trình của Chính phủ về điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất từ các vùng kinh tế trọng điểm để phát triển kinh tế tới các vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước của vùng biên giới, núi cao, vùng sâu vùng xa và vùng hải đảo xa xôi của Việt Nam.
PV: Vậy còn công tác quy hoạch tài nguyên nước thì sao, thưa ông?
TS. Tống Ngọc Thanh: Để bắt kịp xu thế mới, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như Bộ TN&MT, NAWAPI đã đẩy mạnh công tác lập quy hoạch tài nguyên nước cho các lưu vực sông trọng yếu ở Việt Nam. Đến nay, đã hoàn thành được hơn 40 quy hoạch tài nguyên nước cho các địa phương và các tỉnh, thành phố. Đặc biệt trong thời gian qua đã thực hiện lập 05 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông lớn đặc biệt quan trọng: Bằng Giang – Kỳ Cùng, Sê San, Srêpốk, Hồng – Thái Bình, Cửu Long. Trong đó, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Cửu Long là hai quy hoạch hết sức quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của hai vùng trọng yếu cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Cùng với đó đã tham gia đóng góp quan trọng vào Quy hoạch tài nguyên nước của quốc gia cũng như các quy hoạch vùng liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
PV: Thưa ông, để quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ở Việt Nam, NAWAPI đã có giải pháp gì?
TS. Tống Ngọc Thanh: Chúng tôi đã hoàn thành cơ bản hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước dưới đất cũng như thu nhận hệ thống thông tin dữ liệu, về tài nguyên nước, các số liệu về thủy văn. Trên cơ sở đó xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống tác nghiệp để phục vụ cho công tác thông báo, cảnh báo và dự báo tài nguyên nước cho các lưu vực sông, đáp ứng công tác quản lý Nhà nước.
Trong những năm gần đây, không chỉ vấn đề số lượng nguồn nước mà chất lượng nguồn nước cũng được đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, chúng tôi tập trung nguồn lực cho việc đánh giá khả năng tiếp nhận cũng như sức chịu tải của các con sông, nguồn nước. Trên cơ sở đó, Trung tâm đưa ra các đề xuất thực hiện việc quản lý chất lượng cũng như phục hồi, bảo vệ và phát triển nguồn nước cũng như đảm bảo an ninh nguồn nước của quốc gia.
PV: Theo ông, đâu là yếu tố tạo nên những thành công trong 15 năm qua?
TS. Tống Ngọc Thanh: Để có được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước quốc gia trong 15 năm qua, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, chúng tôi đã thực hiện các mục tiêu trọng tâm về đổi mới tổ chức, quản lý chủ động, sáng tạo; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới để áp dụng trong công tác. Đây là yếu tố tạo nên thành công đối với đơn vị đặc thù như NAWAPI có địa bàn hoạt động hết sức phân tán, hầu như có mặt ở trên mọi miền Tổ quốc.
PV: Trong giai đoạn phát triển mới của ngành TN&MT, có thể nói sẽ có nhiều thách thức đặt ra đối với công tác quy hoạch, điều tra tài nguyên nước quốc gia. Vậy NAWAPI đã có sự chuẩn bị như thế nào để chủ động đón đầu xu thế và tiếp tục hội nhập trong thời gian tới?
TS. Tống Ngọc Thanh: Chúng tôi cũng đã định hướng sự phát triển của Trung tâm, đặc biệt là trong tình hình mới, cuộc cách mạng sâu rộng về chuyển đổi số, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ. Đó là lấy nền tảng về chuyển đổi số để thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời các công tác về điều tra, quy hoạch, quan trắc, giám sát nguồn nước và đặc biệt đẩy mạnh công tác cảnh báo, dự báo tài nguyên nước nhằm phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước cũng như khai thác, sử dụng và điều hành nguồn nước một cách thông minh và kịp thời.
Đồng thời, chúng tôi xây dựng hệ thống điều hành tác nghiệp hỗ trợ ra quyết định cho toàn bộ các lưu vực sông lớn của Việt Nam để có thể vừa phục vụ cho công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, giám sát quy hoạch cho các lưu vực sông. Cùng với đó, phục vụ cho công tác đánh giá tài nguyên nước một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời để cung cấp các thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương cũng như các ngành có khai thác, sử dụng nguồn nước.
Đặc biệt, NAWAPI cũng xây dựng một nền tảng để có thể tiến tới hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước cũng như phát triển các hệ thống có thể quản trị nước thông minh. Chúng tôi mong muốn cùng với cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ xây dựng một đơn vị sự nghiệp công lập có mô hình hoạt động linh hoạt, thích ứng như doanh nghiệp và tiến tới tự chủ. Không những tự chủ các nguồn lực về sự nghiệp kinh tế mà tự chủ cả đầu tư và có thể cùng tham gia với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện những dự án về cải tạo, phục hồi cũng như phát triển nguồn nước, chứ không chỉ thực hiện nhiệm vụ mang tính chất định hướng mà Nhà nước đặt hàng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NHỮNG KẾT QUẢ NAWAPI ĐẠT ĐƯỢC TRONG 15 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÃ ĐƯỢC LỰA CHỌN LÀ 1 TRONG 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG QUA CÁC NĂM
2012: Tìm kiếm nguồn nước ở độ sâu 230m cho người dân thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
2018: Tìm được nguồn nước vô cùng quý hiếm tại đảo Bạch Long Vỹ (hòn đảo được mệnh danh là xa nhất vịnh Bắc Bộ, có diện tích 2,5km2) với trữ lượng 100m3/ngày, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho khoảng 1.000 quân và dân trên đảo
2019: Hoàn thành bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 thống nhất theo hệ quy chiếu quốc gia VN-2000 trên quy mô toàn quốc
2020: Hoàn thành giai đoạn I Dự án trọng điểm quốc gia “Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thuộc Chương trình Chính phủ
2021: Hoàn thành 03 nhiệm vụ lập quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 03 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pôk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
2022: Hoàn thành, trình Chính phủ Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”, trong đó đã đánh giá đầy đủ, toàn diện, khoa học, chi tiết hiện trạng nước dưới đất và dữ liệu quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất bàn giao 17 đô thị lớn, trọng điểm của nước ta
Để ghi nhận những thành tựu, đóng góp to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Trung tâm Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.