Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam: “Xanh” ra sao?

(Xây dựng) – Xu hướng xây dựng các công trình xanh đang trở nên phổ biến trên thế giới khi mà các công trình này có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tới môi trường tốt. Tại Việt Nam, mô hình công trình xanh đang ngày càng phát triển và được chú trọng đầu tư xây dựng. Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam chính là một công trình tiêu biểu với kiến trúc và giải pháp công nghệ tiên tiến.

trung tam nghien cuu dao tao ung dung va chuyen giao cong nghe xay dung xanh viet nam xanh ra sao
Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam.

Hình mẫu về giải pháp công trình xây dựng xanh

Trong xu thế phát triển hiện nay, lĩnh vực kỹ thuật xây dựng xanh, thân thiện môi trường sẽ được thực hiện tại nhiều quốc gia cùng với phát triển đô thị thông minh. Vì vậy, đào tạo trong lĩnh vực Công nghệ xây dựng xanh và đô thị thông minh là chuẩn bị một bước về nguồn nhân lực cho phát triển bền vững. Từ những lý do trên, Bộ Xây dựng đã phê duyệt chủ trương đầu tư “Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam”.

Công trình Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam được đầu tư xây dựng với diện tích hơn 900m2, tổng diện tích sàn xây dựng 3.850m2, chiều cao công trình là 21,6m. Toàn bộ diện tích xây dựng nằm trong khuôn viên trường Cao đẳng xây dựng Công trình đô thị (Yên Thường, Gia Lâm, Thành phố Hà Nội).

Tổng kinh phí xây dựng Trung tâm lên tới hơn 90 tỷ đồng với hệ thống tòa nhà cao 5 tầng, bao gồm khu vực làm việc văn phòng, các phòng họp; khu triển lãm trưng bày, các phòng thí nghiệm; thư viện, phòng nghe nhìn, lớp học lý thuyết; phòng đa năng và khu vực bếp.

Mục đích đầu tư xây dựng Trung tâm chính là thí điểm một công trình xanh mới, nhằm thúc đẩy mô hình này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu bắt nhịp với sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật của các cán bộ kĩ thuật, giảng viên cũng như sinh viên; tăng cường khả năng tiếp xúc với các công nghệ mới, tiên tiến trong và ngoài nước.

trung tam nghien cuu dao tao ung dung va chuyen giao cong nghe xay dung xanh viet nam xanh ra sao
Trung tâm được xây dựng đã đáp ứng được các yêu cầu chất lượng đào tạo, hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Chính vì vậy, sau khi hoàn thành và được đưa vào sử dụng, Trung tâm đã trở thành nơi nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Xây dựng xanh và tự động hóa các tòa nhà thông minh. Trung tâm đồng thời bổ sung và tăng cường năng lực giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng triển lãm công nghệ, phòng hội thảo… nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng đào tạo, hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Trung tâm được thiết kế xây dựng dựa theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam. Việc xây dựng Trung tâm đã đạt các mục tiêu lớn như tối ưu hóa được địa điểm xây dựng; giảm tối đa tiêu thụ năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo vào công trình; đảm bảo bền vững trong sử dụng nước; ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, có năng lượng hàm chứa thấp, có nguồn gốc địa phương và không phát tán chất độc hại; đảm bảo chất lượng môi trường bên trong ở mức độ cao nhất; tối ưu hóa quá trình thi công và vận hành công trình.

Áp dụng hiệu quả các giải pháp về kiến trúc và công nghệ xanh

Về kiến trúc, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam được xây dựng theo hướng linh hoạt, có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Không gian chức năng được bố trí tập trung xung quanh không gian trung tâm thông tầng được chiếu sáng tự nhiên từ phía trên. Đây là không gian đa năng kết hợp vườn trong nhà, được thông gió tự nhiên kết hợp với thông gió cơ học khi cần thiết. Không khí nóng sẽ di chuyển lên cao và thoát ra ngoài.

Mặt đứng của công trình gồm 2 lớp với lớp trong là vách kính kết hợp với hệ thống cửa sổ có thể đóng mở được. Lớp ngoài nằm cách lớp trong 1-1,5m, là các dải cây xanh bám trên lưới thép có tác dụng chắn nắng mùa hè nhưng không cản trở gió mát (khi cửa sổ để mở).

Bên cạnh đó, hệ thống tường cách nhiệt với các ô cửa sổ nhỏ kết hợp với các tấm chắn nắng bên trên. Các tấm chắn nắng này có thể xoay quanh trục cố định tùy thuộc điều kiện thời tiết. Không gian mái được tổ chức thành khu vườn có mái che. Vật liệu xây dựng được sử dụng cho công trình là vật liệu xanh thân thiện với môi trường, trong đó có gạch xây không nung AAC và bê tông xanh…

Về công nghệ, công trình sử dụng hệ thống điều hòa không khí, thông gió; hệ thống chiếu sáng tự nhiên; hệ thống xử lý nước thải và tái sử dụng nước mưa.

Theo đó, nước mưa được thu gom từ mái của công trình và được đưa vào 2 bể chứa. Nước mưa chứa trong bể cao dùng để tưới cho vườn trên mái. Nước mưa từ bể thấp tưới cho hệ thống cây xanh trên mặt đứng và ở tầng trệt của công trình. Khi dư thừa, nước mưa sẽ được cấp cho khu vực vệ sinh của các tầng để rửa sạch (sau khi đã được xử lý). Đối với hệ thống xử lý nước thải, nước thải sẽ được thu gom, xử lý và đưa vào sử dụng để xả bồn cầu và khu vệ sinh.

Hệ thống chiếu sáng được xây dựng đồng bộ, đảm bảo yêu cầu về quy chuẩn. Công trình đã sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, hiệu suất cao, tính toán công suất hợp lý. Đèn LED đã được lắp cho toàn bộ công trình.

trung tam nghien cuu dao tao ung dung va chuyen giao cong nghe xay dung xanh viet nam xanh ra sao
Các hệ thống bên trong công trình xanh.

Đối với hệ thống điều hòa không khí, để đảm bảo hiệu suất năng lượng tối đa, công trình trang bị hệ thống công nghệ địa nhiệt gắn liền với các tấm sàn/trần, được gọi là CCA (Concrete Core Activation – Bê tông hoạt hóa). Công nghệ bê tông hoạt hóa năng lượng được sử dụng để làm lạnh hoặc sưởi ấm công trình bằng cách sử dụng các ống nhựa chứa nước đặt bên trong bê tông (trong công trình này sử dụng bê tông đúc sẵn). Bằng cách này, công trình có thể được cân bằng nhiệt độ trong cả năm.

Theo ước tính, hệ thống CCA sẽ cung cấp nhiều nhất 90kW làm mát và khoảng 30kW làm nóng. Vào mùa lạnh, nước ngầm được bơm lên từ một giếng ở nhiệt độ 26 độ C. Một bơm nhiệt sẽ vận chuyển hơi nóng ra ngoài tòa nhà, làm nóng nước ngầm lên 30 độ C. Sau đó, nước được bơm trở lại lòng đất. Vào mùa nóng, nhiệt độ đất vào khoảng 22-23 độ C. Với hệ thống này, nước ngầm có thể được sử dụng để làm nóng công trình mà không cần tiêu thụ năng lượng.

Mặt khác, công trình đã có sử dụng nguồn năng lượng tái tạo khác, đó chính là năng lượng mặt trời. Theo thiết kế, các tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt trên mái của không gian thông tầng trung tâm. Nguồn năng lượng này là năng lượng tự nhiên, có thể giúp tiết kiệm tài nguyên và hạn chế tác động đến môi trường, đảm bảo cung cấp năng lượng an toàn cho toàn bộ công trình…

Có thể thấy, công trình Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam đã được xây dựng với thiết kế, vật liệu cũng như công nghệ đạt các tiêu chí về một mô hình công trình xanh với nhiều tiện ích. Trong thời gian tới, các mô hình công trình xanh như Trung tâm cần được tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhân rộng tại nhiều khu vực với những công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu về đào tạo cũng như hội nhập sâu rộng trong khu vực và quốc tế.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích