Trung Quốc xây dàn kính thiên văn lớn nhất thế giới nghiên cứu mặt trời

Trung Quốc xây dàn kính thiên văn lớn nhất thế giới nghiên cứu mặt trời

MTĐT –  Thứ ba, 23/08/2022 14:31 (GMT+7)

Trung Quốc đang xây dựng một dàn kính thiên văn khổng lồ để nghiên cứu các vụ phun trào trên mặt trời.

tm-img-alt
Dàn ăng-ten parabol tại công trường xây dựng Kính viễn vọng Vô tuyến Mặt trời ngày 29.6.2022 ở huyện Đạo Thành, thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: China News Service

Dàn kính thiên văn lớn nhất thế giới mà Trung Quốc đang xây dựng sẽ dành riêng cho việc nghiên cứu mặt trời với mục đích nâng cao hiểu biết về các vụ phun trào vật chất cực quang (CME) hay còn gọi là bão mặt trời – hiện tượng có thể gây ra hỗn loạn trên Trái đất.

Theo Space, Kính viễn vọng Vô tuyến Mặt trời Đạo Thành (DSRT) đang được xây dựng trên một cao nguyên ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Khi hoàn thành, nó sẽ bao gồm 313 đĩa, mỗi chiếc có đường kính 6 mét, tạo thành một vòng tròn có chu vi 3,14km.

Ảnh: China News Service
DSRT gồm 313 đĩa, mỗi chiếc có đường kính 6 mét, tạo thành một vòng tròn có chu vi 3,14km. Ảnh: China News Service

Dàn kính thiên văn này sẽ ghi lại hình ảnh mặt trời dưới dạng sóng vô tuyến để nghiên cứu các vụ phun trào CME, các vụ phun trào lớn của các hạt mang điện từ tầng thượng khí quyển của mặt trời, vành nhật hoa.

CME được kích hoạt bởi sự sắp xếp lại trong từ trường của ngôi sao xảy ra ở các vết đen mặt trời. Khi hướng vào Trái đất, những vụ phun trào này có thể tàn phá lưới điện, viễn thông, vệ tinh quỹ đạo và thậm chí gây nguy hiểm cho sự an toàn của các phi hành gia. Mặt khác, CME cũng là nguyên nhân dẫn đến cực quang đầy màu sắc có thể được quan sát trên bầu trời đêm ở các vùng cực.

Hình ảnh về việc xây dựng DSRT đã được China News Service công bố vào tháng 6. Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, DSRT được lên kế hoạch hoàn thành vào cuối năm nay.

Việc xây dựng này là một phần của mạng lưới giám sát môi trường không gian trên mặt đất được gọi là Dự án Kinh tuyến Trung Quốc (Giai đoạn II).

Ảnh: China News Service
DSRT là một phần của Dự án Kinh tuyến Trung Quốc (Giai đoạn II). Ảnh: China News Service

Dự án cũng bao gồm Máy đo vô tuyến quang phổ Trung Quốc để theo dõi hoạt động của mặt trời, đang được xây dựng ở Nội Mông.

Máy đo vô tuyến quang phổ sẽ bao gồm 100 đĩa theo kiểu sắp xếp xoắn ốc ba nhánh và sẽ nghiên cứu mặt trời ở dải tần rộng hơn DSRT để nghiên cứu sâu hơn về mặt trời, vật lý mặt trời và thời tiết không gian.

Toàn bộ dự án nhằm mục đích vận hành gần 300 thiết bị được triển khai tại 31 trạm trên khắp Trung Quốc ở các kinh độ và vĩ độ cụ thể. Dự án do Trung tâm Khoa học Không gian Quốc gia (NSSC) của Học viện Khoa học Trung Quốc dẫn đầu, với sự tham gia của hơn 10 tổ chức và trường đại học ở Trung Quốc.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích