Trung Quốc phát hiện Covid-19 trên bề mặt một số gói hàng

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận, trên bề mặt một số gói hàng chuyển từ khu vực Nội Mông đến Bắc Kinh và Liêu Ninh có lây dính Covid-19.

Tất cả người tiếp xúc với bưu kiện, từ người gửi hàng đến người nhận, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đều âm tính với virus. CDC Trung Quốc ngày 21/11 ban hành hướng dẫn khử trùng bưu phẩm, dành cho các công ty vận chuyển.

Trước đó tỉnh Hà Bắc cũng phát hiện 3 công nhân tại một nhà máy sản xuất quần áo trẻ em dương tính Covid-19. Giới chức yêu cầu tất cả người giao, nhận và xử lý bưu phẩm lấy mẫu xét nghiệm. Tỉnh Hà Bắc kiểm tra 200 gói quần áo liên quan đến công ty, ngừng dịch vụ giao hàng ở thành phố Tân Tập và Cẩm Châu. Các mẫu xét nghiệm sau đó cho kết quả âm tính.

 Trung Quốc phát hiện bưu phẩm dính Covid-19. Ảnh: VnExpress

Zhang Liubo, chuyên gia của CDC, cho rằng Trung Quốc nên ngừng nhận bưu phẩm từ những khu vực nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. “Các nhân viên giao hàng nên giám sát sức khỏe chặt chẽ hơn. Điều quan trọng là bảo đảm vệ sinh an toàn cho bưu phẩm trong quá trình chuyển phát. Sau khi bưu phẩm đến khu vực phân loại tập trung, cần khử trùng bề mặt, thông thường là phun khử khuẩn và làm sạch bằng bức xạ cực tím”, ông Zhang nói.

Trước đó, giới chức y tế Hong Kong (TQ) cũng cho xét nghiệm định kỳ virus trên các bưu phẩm được chuyển đến thành phố kể từ ngày 13/11.

Các nhà khoa học cho rằng Covid-19 rất khó lây lan qua bưu kiện. Emanuel Goldman, giáo sư vi sinh học tại Đại học Rutgers, New Jersey, Mỹ, nói việc lây truyền Covid-19 thông qua bề mặt ô nhiễm “cực kỳ khó xảy ra”.

Đầu năm nay, giáo sư Goldman và các đồng nghiệp đã hoàn thành nghiên cứu về thời gian tồn tại của Covid-19 trên bề mặt nói chung. Họ phát hiện virus có thể sống trên bề mặt cứng như nhựa và thép không gỉ trong 6 ngày; trên tiền trong 3 ngày, trên khẩu trang y tế ít nhất 4 ngày. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa người dân có thể nhiễm virus từ các bề mặt đó.

“Virus rất mong manh và sẽ chết nhanh chóng bên ngoài vật chủ, ở điều kiện thường. Covid-19 là căn bệnh lây lan qua đường hô hấp, không phải thông qua đụng chạm”, giáo sư Goldman cho biết.

Ông nói thêm tình trạng dương tính giả trên bưu kiện có thể xuất phát từ các tàn dư RNA virus, hoặc các mảnh của virus. Chúng không còn khả năng lây nhiễm sang người.

Giáo sư Leo Poon Lit-man, Trưởng bộ phận khoa học thí nghiệm sức khỏe cộng đồng, Đại học Hong Kong, cũng cho rằng bưu kiện hàng hóa không thể là nguồn lây Covid-19. Song các hãng giao thông vận tải cần chú ý đến tình trạng sức khỏe của nhân viên vận chuyển.

“Chúng ta cần lưu tâm xem tại sao nhiều gói hàng được kiểm tra có kết quả xét nghiệm dương tính đến vậy. Có thể người nhiễm virus đang làm việc trong công ty chuyển phát nhanh hoặc ở bưu điện. Họ không biết mình mắc Covid-19 và tiếp tục làm việc, vì vậy vô tình làm nhiễm khuẩn bưu kiện”, ông nói.

Ông đề xuất nhân viên chuyển phát đeo khẩu trang, găng tay và giữ vệ sinh khi giao hàng. “Chúng ta cần cảnh giác, nhưng nó không phải mối đe dọa quá lớn”, ông nói.

Trước đó, Trung Quốc từng cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm nCoV thông qua dây chuyền thực phẩm đông lạnh. Dù vậy, các nhà khoa học cho biết chưa có bằng chứng xác thực điều này.

Dù vậy, theo các chuyên gia, dịch Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động đi lại, tiếp xúc đều hạn chế. Trong khi đó, Tết Nguyên đán đã cận kề, nhu cầu mua sắm Tết vẫn chưa ngừng tăng cao. Do đó, nhiều người đã lựa chọn mua hàng online để giảm tiếp xúc, tụ tập nơi đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm virus. Tuy vậy, mua hàng online cũng đồng nghĩa với việc sẽ sử dụng dịch vụ giao hàng tại nhà. Nhiều người tiêu dùng vẫn lo ngại nguy cơ virus tồn tại trên bề mặt tiếp xúc như bề mặt gói hàng hay tiền mặt khi sử dụng dịch vụ giao hàng trong mùa dịch. Do đó, để an toàn tốt nhất nên giữ khoảng cách, thanh toán không tiền mặt, vệ sinh gói hàng, lưu giữ thông tin người chuyển phát hàng.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích