Trung Quốc: Kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp đối với lũ lụt

Trung Quốc: Kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp đối với lũ lụt

Bộ Thủy lợi Trung Quốc ngày 3/5 đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 đối với lũ lụt tại 3 tỉnh Giang Tây, Hồ Nam và Quảng Tây khi cơ quan thời tiết nước này dự báo sẽ có mưa lớn trong 3 ngày đến hết ngày 5/5.

Bộ Thủy lợi Trung Quốc cũng duy trì mức ứng phó khẩn cấp lũ lụt cấp độ 4 tại tỉnh Quảng Đông.

tm-img-alt
Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX

Theo Cơ quan dự báo thời tiết Trung Quốc, từ ngày 3-5/5, các khu vực phía Tây Nam, phía Nam và miền Trung Trung Quốc có khả năng sẽ hứng chịu mưa lớn kèm theo thời tiết đối lưu mạnh như mưa xối xả trong thời gian ngắn, mưa đá, lốc sét và gió mạnh, với sức gió mạnh nhất có thể lên đến cấp 11. Mưa lớn có thể khiến mực nước tại các sông thuộc lưu vực sông Châu Giang, sông Dương Tử và thượng nguồn sông Mân Giang dâng cao.

Bộ Thủy lợi Trung Quốc kêu gọi các chính quyền địa phương theo dõi và dự báo kịp thời để giảm thiểu những thiệt hại trong trường hợp khẩn cấp. Bộ cũng đã cử các tổ công tác đến Hồ Nam và Quảng Tây để hướng dẫn về công tác chống lũ.

Trung Quốc có hệ thống ứng phó khẩn cấp lũ lụt bốn cấp, trong đó cấp độ 4 là cấp độ thấp nhất và cấp độ 1 là nghiêm trọng nhất.

Thời gian qua, mưa lũ liên tục tấn công miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Quảng Đông. Một vụ sạt lở đường cao tốc nghiêm trọng do mưa lớn dài ngày đã xảy ra vào rạng sáng ngày 1/5 ở thành phố Mai Châu thuộc tỉnh này, cướp đi sinh mạng của 48 người và khiến 30 người khác bị thương.

Sau vụ việc này, Trung Quốc đã yêu cầu các địa phương rà soát và xử lý các nguy cơ tiềm ẩn của thảm họa cơ sở hạ tầng như đường cao tốc trong mùa lũ. Tỉnh Quảng Đông cũng phải tiến hành một cuộc rà soát quy mô lớn về những nguy cơ tiềm ẩn của các thảm họa địa chất đường bộ và đường sắt.

Theo các chuyên gia khí tượng, tỉnh Quảng Đông đã phải hứng chịu trời mưa suốt 2/3 tháng Tư, trong khi lượng mưa ở miền Nam Trung Quốc nhiều hơn gấp đôi so với cùng kỳ hàng năm và đạt mức cao thứ hai trong lịch sử kể từ năm 1961.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích