Trung Quốc: Biến dầu ăn thừa thành nhiên liệu máy bay
Trung Quốc: Biến dầu ăn thừa thành nhiên liệu máy bay
Ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, dầu ăn thừa từ nồi lẩu cay có thể được tận dụng để trở thành nhiên liệu máy bay.
Theo Bloomberg đưa tin, riêng ở TP Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, lượng dầu mỡ đã qua sử dụng của món lẩu là khoảng 12.000 tấn mỗi tháng.
Hầu hết thực khách không biết lượng dầu mỡ sót lại có thể được “tái sinh” – trở thành nhiên liệu máy bay. Đây đã là hướng đi từ năm 2016 của công ty khởi nghiệp địa phương Sichuan Jinshang Environmental Protection (tạm dịch: Bảo vệ môi trường Jinshang Tứ Xuyên, gọi tắt là Jinshang).
Hằng đêm, nhân viên của công ty đi thu gom dầu ăn bẩn ở Thành Đô, chủ yếu từ hàng trăm nhà hàng lẩu cũng như các chuỗi cửa hàng khắp vùng siêu đô thị 16 triệu dân này. Dầu này sau khi được tách bỏ nước và thức ăn thừa bằng bộ lọc đặc biệt sẽ được đưa đến nhà máy của Jinshang ở một khu công nghiệp thuộc ngoại ô thành phố. Tại đây, dầu tiếp tục được tinh chế cho đến khi ra thành phẩm là loại dầu cấp độ công nghiệp trong và có màu vàng nhạt.
Thành phẩm này sau đó được đưa lên tàu vận chuyển dọc theo sông Dương Tử đến cảng biển ở Thượng Hải. Từ đây, chúng được xuất khẩu tới châu Âu, Mỹ và Singapore để tinh chế tiếp thành “nhiên liệu hàng không bền vững” (SAF). Nhà sản xuất SAF lớn nhất thế giới hiện nay là Neste Oyj (Phần Lan); ngoài ra còn có các “ông lớn” năng lượng toàn cầu khác như BP PLC (Anh) và Eni SpA (Ý).
Trung Quốc từ lâu đã là nước tiêu thụ dầu ăn nhiều nhất thế giới – hơn 41 triệu tấn/năm. Theo Nhân dân nhật báo, gần 3 triệu tấn trong số này “đầu quân” vào chuỗi cung ứng dành cho nhiên liệu sinh học để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở châu Âu.
Bloomberg cho biết Jinshang được thành lập vào thời điểm Trung Quốc gặp cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm và phải nỗ lực ngăn chặn tình trạng dầu bẩn được lọc lại bán cho các hàng quán đường phố. Đến nay, Jinshang sản xuất tối đa 150.000 tấn dầu cấp độ công nghiệp mỗi năm. “Sứ mệnh của chúng tôi là đưa dầu bẩn bay lên bầu trời” – ông Zhong Guojun, Phó Chủ tịch của Jinshang, bày tỏ.
Chiếm khoảng 2% tổng lượng phát thải của thế giới, ngành hàng không phải chịu áp lực không nhỏ trong việc “xanh hóa” nhiên liệu máy bay. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế ước tính việc sử dụng rộng rãi SAF “có thể góp phần giảm khoảng 65% lượng phát thải mà ngành này cần đạt được để hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050”. Tuy nhiên, SAF hiện chiếm chưa tới 0,1% tổng lượng nhiên liệu hàng không sử dụng, chủ yếu do quy trình tinh chế tốn kém trong khi số lượng nhà cung cấp còn tương đối ít. “Một khi nhu cầu tăng lên, nguồn cung sẽ bắt kịp thông qua sự ra đời của các công ty khởi nghiệp theo đuổi công nghệ sạch” – ông Chong Cheng Tung, chuyên gia tại Trường ĐH Giao thông Thượng Hải, tỏ ra lạc quan.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị