Trường THCS Việt Tiến – Bắc Giang nỗ lực chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy và học

“Lớp học đảo ngược” điểm nhấn trong thực hiện chuyển đổi số

Sau khi được chọn là trường thực hiện thí điểm chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục, năm học 2021 – 2022, Trường THCS Việt Tiến đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả đề án. Trường đã đề xuất UBND huyện tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT). Đến nay, nhà trường đã được UBND huyện hỗ trợ 20 máy tính xách tay, lắp đặt đồng bộ hệ thống mạng lan, mạng wifi đến các vị trí trong nhà trường. Đặc biệt, trường được trang bị mới 05 phòng học với các thiết bị công nghệ thông minh (mỗi phòng học gồm có: 01 tivi smart tương tác thông minh kèm theo hệ thống camera nhận diện khuôn mặt, hệ thống âm thanh). Cùng với đó nhà trường đã được sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang hỗ trợ thêm 10 máy tính để bàn và 05 tivi smart.

Nhà trường đã phối hợp với Viettel Bắc giang tạo tài khoản định danh hỗ trợ K12 online (tài khoản hỗ trợ CĐS) cho 42 cán bộ, giáo viên và 817 học sinh toàn trường; tập huấn phương pháp thiết kế bài giảng điện tử và quy trình dạy học trên nền tảng công nghệ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường sử dụng thành thạo nền tảng công nghệ số K12 online trong quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Hệ thống K12 online được xem là cầu nối quan trọng giữa thầy và trò. Các câu hỏi, thảo luận, thắc mắc của học sinh được giáo viên giải đáp, tương tác trực tiếp, kịp thời trên hệ thống, giúp học sinh hiểu sâu và nắm bắt nhanh nội dung kiến thức của bài học, từ đó vận dụng để giải bài tập và ứng dụng trong các tình huống cụ thể.

z3433087107790_e5c8e9cfd68f5b662f0bb1c06d6ac8f7
Đề án thí điểm đã tạo ra không khí hào hứng cho giáo viên và học sinh. Ảnh: Phạm Minh.

Với mô hình “lớp học đảo ngược”, hệ thống K12 online tự động tổng hợp kết quả tự học của học sinh, căn cứ kết quả tổng hợp giáo viên có được đầy đủ thông tin về mức độ nhận thức của từng học sinh, từ đó điều chỉnh giáo án dạy trên lớp cho phù hợp. Trong đó, chú trọng hỗ trợ các học sinh chưa tiếp thu được kiến thức mà giáo viên đã cung cấp trên hệ thống K12 online. Đến nay, giáo viên nhà trường đã xây dựng và đẩy lên hệ thống K12 online 356 đơn vị học liệu số của 4 môn thí điểm lớp8 (Vật lý, Hóa học, Địa lí, Lịch sử).

Cô giáo Đoàn Thị Thanh Huyền – Tổ trưởng chuyên môn tổ Khoa học Tự nhiên cho biết: mô hình “lớp học đảo ngược” khá là khác so với cách dạy truyền thống cũ. Mô hình này đòi hỏi học sinh thông qua các tư liệu có thể là video, hình ảnh,… trên hệ thống để nghiên cứu bài giảng trước khi đến lớp. Chính vì thế, giáo viên không phải truyền tải lý thuyết nhiều mà chỉ cần giảng sơ qua là học sinh có thể nắm bắt được. Điều này kích thích hệ tư duy của học sinh lên cực điểm. Đồng thời giúp học sinh có nhiều thời gian để luyện tập, ôn tập thậm chí là trải nghiệm thực tế ngay trên lớp.

Chia sẻ về phương pháp học mới, em Nguyễn Thị Như Quỳnh và em Nguyễn Thị Mai Anh học sinh lớp 8A Trường THCS Việt Tiến hào hứng: đối với các tiết học đảo ngược, các bạn học sinh được nghiên cứu nội dung bài giảng của thầy cô trước khi đến lớp. Trong bài giảng có nhiều phần sử dụng các video liên quan tới nội dung bài học giúp chúng em hiểu bài hơn và quan sát được quá trình thí nghiệm mà tiết học truyền thống không thể thực hiện. Đặc biệt, các bạn trong lớp sẽ có thời gian để trao đổi nhóm với nhau nhiều hơn.

z3433087087899_9e1c393cac352a4756dc77d9032f68b9
Em Nguyễn Thị Mai Anh học sinh lớp 8A rất hứng thú với tiết học đảo ngược. Ảnh: Phạm Minh.

Việc thực hiện thí điểm đề án chuyển đổi số trong giáo dục là cơ hội tốt để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường THCS Việt Tiến sớm được tiếp cận với nền giáo dục số; là thời cơ để nhà trường tạo bước chuyển mới, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung Ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán giảm tải áp lực hồ sơ sổ sách cho các thầy cô, đề án chuyển đổi số tại Trường THCS Việt Tiến đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành đơn vị; hệ thống hồ sơ học sinh (học bạ, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, …). Theo đó, được quản lý chặt chẽ theo quy định trên cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành giáo dục; các ứng dụng, phần mềm giáo dục (kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý tài sản, tài chính; chấm trắc nghiệm; xếp thời khóa biểu; phổ cập online; quản lý hồ sơ cán bộ công chức, viên chức…) đã được nhà trường quản lý và sử dụng hiệu quả trong đơn vị.

Đòi hỏi tâm huyết của đội ngũ giáo viên trong chuyển đổi số

Chia sẻ về những khó khăn, những trăn trở trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, thầy giáo Lê Anh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: đây là một đề án rất khả thi nên được nhân rộng, tuy nhiên cũng cần có những giải pháp đồng bộ để đề án được hoàn thiện hơn. Đó là, điều kiện cơ sở vật chất cần được đầu tư đồng bộ, đầy đủ. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể sắm đầy đủ thiết bị học tập cho các em học sinh.

Theo thầy Tuấn, cho dù đề án thực hiện chuyển đổi số là ứng dụng khoa học công nghệ vào việc giảng dạy nhưng yếu tố con người vẫn là yếu tố quan trọng bậc nhất, không thể thay thế. Cái khó ở đây là làm sao đội ngũ giáo viên phải thực sự tâm huyết, coi sự nghiệp trồng người là một nghĩa vụ cao cả chứ không chỉ đơn thuần là việc đi dạy để ăn lương. Cần giáo viên tâm huyết bởi vì, đây là một phương pháp dạy mới, khá là khác lạ so với cách dạy truyền thống cũ.

Đa số các giáo viên bước đầu tiếp cận phương pháp mới đều có phần bỡ ngỡ. Đối với các giáo viên trẻ thì cách dạy cũng khác so với trước đây được học. Không phải đơn thuần chỉ soạn giáo án trước khi đến lớp để dạy một cách lặp đi lặp lại mà cần sự hòa mình vào học sinh, thậm chí là sáng tạo cùng với ý tưởng của học sinh. Còn đối với các giáo viên lâu năm đã theo một lối mòn giảng dạy cũ thì việc thay đổi cũng không thể diễn ra một sớm một chiều.

Khi yêu cầu chuyển đổi số ngày càng cao, bản thân mỗi giáo viên cũng phải nỗ lực thay đổi để ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy. Như vậy không chỉ là học sinh phải học mà giáo viên cũng cần phải đi học./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích