Trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải làm tốt từng khâu, từng công đoạn

Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra sơ bộ tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với những kết quả đạt được trong công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được nêu trong Báo cáo của Chính phủ.

Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nghiêm túc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.

Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết năm 2024 thể hiện tính kịp thời, tập trung, có nhiều đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp và nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện. Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp cơ bản bảo đảm tiến độ, không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải làm tốt từng khâu, từng công đoạn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Quốc hội)

Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được Chính phủ tăng cường chỉ đạo triển khai và áp dụng nhiều giải pháp mới hiệu quả, chủ động, khẩn trương hơn ngay từ khâu lập danh mục, phân công soạn thảo, triển khai thi hành đến theo dõi, đôn đốc, kiểm tra. Kết quả đạt được tích cực hơn so với các năm trước.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức hiệu quả, chất lượng. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được Chính phủ quan tâm, sát sao chỉ đạo để kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc, bất cập, các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp trong thực tiễn thi hành pháp luật.

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan nghiêm túc thực hiện theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; công tác kiểm tra VBQPPL, hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống QPPL, hệ thống hóa VBQPPL đạt nhiều kết quả tích cực…

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị cần quan tâm, làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tổ chức thi hành pháp luật và giải pháp khắc phục đối với những tồn tại, hạn chế.

Đó là số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải trình ở từng kỳ họp Quốc hội rất lớn nhưng chưa bảo đảm sự cân đối giữa các lĩnh vực; nhiều dự án được bổ sung vào Chương trình sát thời điểm tổ chức kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Số lượng văn bản quy định chi tiết nợ mới phát sinh nhiều, văn bản nợ đọng kéo dài chưa được khắc phục triệt để; số lượng văn bản ban hành chậm, không bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với luật còn nhiều; công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa được triển khai kịp thời, còn chờ hướng dẫn của cấp trên…

Trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải làm tốt từng khâu, từng công đoạn
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Cơ bản tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật; chủ động chuẩn bị, đề xuất cân đối, hợp lý số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua ở từng kỳ họp; hạn chế tối đa tình trạng đề nghị bổ sung sát thời điểm tổ chức kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đã nhận diện được trong thời gian qua trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhất là tình trạng pháp luật còn chồng chéo, xung đột, thiếu tính khả thi; tình trạng nợ đọng văn bản quy định kéo dài; đôn đốc và có giải pháp cụ thể, kịp thời ban hành 133 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành trong thời gian tới…

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nội dung hết sức quan trọng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, “gốc” vấn đề xây dựng pháp luật phải từ bộ, ngành. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng, Thứ trưởng và các vụ có liên quan bám sát, xem xét từng khoản, điều, từng chương của dự thảo luật, nghị quyết để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng cần siết chặt kỷ cương, quyết liệt trong việc thẩm tra, thẩm định; thể hiện rõ chính kiến để việc xây dựng và ban hành các dự án luật có chất lượng và tuổi thọ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải làm tốt từng khâu, từng công đoạn, đạt yêu cầu về chất lượng, không chạy theo số lượng, lấy quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích