Trong vô vàn khó khăn, nhà đầu tư điện gió ngoài khơi quyết tâm bám trụ

Thưa bà, vì sao phía công ty lại chọn La Gàn là địa điểm để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi mà không phải là vị trí khác?

Việt Nam may mắn có điều kiện tự nhiên tuyệt vời để phát triển điện gió ngoài khơi. Với đường bờ biển dài 3.000 km, độ sâu mực nước tối ưu và tốc độ gió lớn, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên tốt nhất để phát triển điện gió trong khu vực. Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, ước tính tổng tiềm năng điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là 450 GW. Về lâu dài, điện gió ngoài khơi sẽ cung cấp một giải pháp quy mô lớn và khả thi nhất để có thể thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. 

Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam nổi bật ở các khu vực phía Nam và các vị trí được đánh giá cao nhất nằm ở khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận. Do đó chúng tôi đã lựa chọn phát triển dự án La Gàn tại Bình Thuận với tổng công suất dự kiến là 3,5 GW. Dự án dự kiến phát điện vào năm 2026. Tuy nhiên, tiến độ dự án này còn phụ thuộc vào tiến trình phê duyệt của Chính phủ.

Vị trí dự án điện gió ngoài khơi La Gàn được phát triển bởi bởi Copenhagen Infrastructure Partners, Asiapetro và Novasia, và được quản lý bởi Copenhagen Offshore Partners, chuyên gia về điện gió ngoài khơi.

 Vị trí dự án điện gió ngoài khơi La Gàn được phát triển bởi Copenhagen Infrastructure Partners, Asiapetro và Novasia, được quản lý bởi Copenhagen Offshore Partners, chuyên gia về điện gió ngoài khơi.

Khi thi công lắp đặt với các thiết bị siêu trường, siêu trọng, điều này được giải quyết như thế nào ở dự án điện gió ngoài khơi La Gàn? 

Thiết bị và phương tiện vận chuyển được sử dụng để xây dựng và lắp đặt điện gió ngoài khơi khác với dự án điện gió trên bờ. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, chúng tôi lắp đặt các móng trụ (chân đế) và tuabin tại các vùng nước sâu tới 50m tính từ mặt nước. Chúng tôi sử dụng các tàu nâng và lắp đặt hạng nặng (heavy weight jack-up and installation vessels) để có để vận chuyển các thành phần và lắp đặt dự án điện gió trên đại dương. 

Có thể thấy thiết bị có tính chuyên dụng cao và hiện chưa có tàu tự nâng hạng nặng nào do các công ty Việt Nam vận hành. Tuy nhiên, còn rất nhiều lĩnh vực khác mà các công ty Việt Nam có đủ trình độ và kinh nghiệm để đóng góp vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi. Chúng tôi thấy được khả năng nội địa hóa mạnh mẽ của Việt Nam trong các lĩnh vực như chế tạo móng trụ (chân đế), truyền tải điện trên bờ, vận hành & bảo trì dự án ngoài khơi. Dự án La Gàn cam kết phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của Việt Nam và tạo điều kiện chuyển giao kiến thức. Hiện nay, dự án La Gàn cũng đã ký các thỏa thuận cung cấp móng trụ và dịch vụ cảng hậu cần với các nhà thầu tại Việt Nam.

Bà Maya Malik – Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Dự án Điện gió La Gàn

Bà Maya Malik – Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Dự án Điện gió La Gàn

 

Dự án này đi vào hoạt động sẽ đóng góp lợi ích kinh tế, việc làm, môi trường ra sao cho địa phương và cho Việt Nam?

Sự phát triển, xây dựng và vận hành Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn sẽ thu hút nguồn đầu tư quốc tế, mang đến nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp địa phương và tạo thêm hàng ngàn việc làm tại Việt Nam. Dự án La Gàn sẽ đóng góp những lợi ích kinh tế có ý nghĩa cho Việt Nam. Theo một nghiên cứu chi tiết về tác động kinh tế do các chuyên gia quốc tế BVG Associates thực hiện, dự án La Gàn dự kiến sẽ mang lại những lợi ích sau trong suốt thời gian hoạt động của dự án:

– Dự án dự kiến sẽ đóng góp hơn 4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam.

– Dự án dự kiến sẽ tạo ra 45.880 công việc tương đương toàn thời gian (FTE), trong đó 1 FTE được định nghĩa là 1 công việc tương đương toàn thời gian trong 1 năm.

– Tổng tỷ lệ nội địa hóa dự kiến chiếm khoảng 44,1% trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Những đóng góp quan trọng nhất từ các hoạt động phát triển dự án, cung cấp chân đế (móng trụ), cung cấp hệ thống đấu nối trên bờ, vận hành và bảo trì. Trong các lĩnh vực này, Việt Nam là quốc gia có chuyên môn vững vàng. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp trong nước sẽ được sử dụng với tỉ lệ rất cao.

 Thiết bị của điện gió ngoài khơi siêu trường, siêu trọng, vận chuyển rất khó khăn, cần công nghệ hiện đại

Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn sẽ đồng hành cùng các cộng đồng địa phương và phát triển dự án một cách có trách nhiệm. Dự án không chỉ cung cấp nguồn năng lượng sạch cho hàng triệu gia đình Việt Nam mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Trong suốt thời gian thực hiện, dự án có thể dự kiến tạo ra khoảng 250 TWh điện năng, cung cấp năng lượng cho khoảng 7 triệu hộ gia đình và giúp giảm thiểu khoảng 130 triệu tấn khí thải CO2.

Để vận hành thông suốt, dự án sẽ sử dụng công nghệ gì? đảm bảo an toàn, chất lượng ra sao thưa bà? 

Dự án La Gàn được phát triển bởi Copenhagen Infrastructure Partners, Asiapetro và Novasia, và được quản lý bởi Copenhagen Offshore Partners, chuyên gia về điện gió ngoài khơi. Dự án hướng tới đảm bảo nhu cầu năng lượng dài hạn của Việt Nam và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp địa phương một cách bền vững. Dự án có tổng giá trị đầu tư ước tính 10,5 tỷ USD và sẽ thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, sử dụng công nghệ điện gió tiên tiến nhất.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ hợp tác cùng các đối tác có uy tín trong và ngoài nước thực hiện việc đánh giá tác động môi trường và xã hội (ESIA) theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu và phân tích sâu rộng về các điều kiện môi trường hiện có. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo dự án điện gió ngoài khơi này được phát triển và xây dựng đúng tiêu chuẩn, phương pháp, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường và cộng đồng, và cuối cùng chúng tôi có thể cung cấp nguồn điện tái tạo, sạch và ổn định cho người dân.

N. Nam (thực hiện)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích