Trông người mà ngẫm đến ta
(Xây dựng) – Báo chí và dư luận xã hội, các chuyên gia trong những ngày qua liên tục phản ánh về những sai phạm tại dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít – tỉnh Bình Định khi triển khai thi công đã xâm phạm nghiêm trọng đến di tích cấp quốc gia.
Một dự án tu bổ tôn tạo được đầu tư tới 25 tỷ đồng, nhưng với cách làm cẩu thả, không tôn trọng lịch sử từ biện pháp thi công, hồ sơ thẩm định tới lựa chọn nhà thầu thiếu chuyên nghiệp đã làm mất đi vẻ hoang sơ, kỳ vỹ của Tháp Chăm. Đặc biệt nếu không có dư luận phản ánh chắc chắn một di tích sẽ biến mất, số tiền 25 tỷ lại trở thành một sự lãng phí rất lớn.
Thi công, tu bổ tôn tạo di tích lịch sử phải luôn tôn trọng bảo đảm giữ nguyên yếu tố gốc của di tích, từ vật liệu cho đến hoa văn cổ, việc này lãnh đạo tỉnh và ngành văn hóa Bình Định chắc nắm quá rõ.
Công trình thi công tháp Bánh Ít cho thấy đơn vị thi công có sự cày xới xây móng và tạo một mặt bằng vuông vức bao quanh tháp chính. Bên chân đế tháp cũng bị xây đường viền bao bọc bằng loại gạch xi măng xám trắng để tạo bồn trồng hoa lá. Họ quét lớt phớt lên mảng bao bọc đó một lớp sơn nâu hồng, để lộ những mạch vữa hồ nham nhở. Một số đoạn quanh chân tháp đã trồng cây lá vàng trang trí cho thấy sự việc sắp sửa hoàn thành.
Không biết các nhà lãnh đạo quản lý văn hóa, các nhà sử học đất Võ vô tình không biết, hay cố tình thiếu trách nhiệm mà lựa chọn những nhà thầu thi công, không có chút năng lực và am hiểu gì về tu bổ, tôn tạo di tích để làm hỏng cả một kỳ quan quốc gia.
Nhìn sang tỉnh bạn Gia Lai, có địa giới giáp Bình Định, có thể nói tỉnh còn rất nghèo, hàng năm được phân bổ kinh phí từ ngân sách Trung ương, địa phương rất ít để đầu tư cho tu bổ văn hóa nhưng họ biết cầu thị, lắng nghe và rất tôn trọng di tích lịch sử khi đầu tư tôn tạo, tu bổ. Có rất nhiều di tích được tôn tạo tu bổ như: Dự án tu bổ tôn tạo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa điểm di tích Nền nhà, Hồ nước và kho tiền Ông Nhạc tại xã Yang Nam – huyện KôngChro, diện tích tu bổ tôn tạo là 1.000 m2 .
Mặc dù nằm trên địa bàn hẻo lánh nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar cách xa tỉnh lỵ Pleiku 150 km, đường sá hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến thị sát, sau khi kiểm tra hồ sơ thiết kế đã yêu cầu ngành VHTT&DL tỉnh các hạng mục nền nhà, giếng cổ, hồ nước, cổng tứ trụ, hàng rào, đường vào không được dùng vật liệu gạch bát, bê tông mà phải dùng đá ong và đá tự nhiên nguyên khối, trạm khắc hoa văn cổ để phục dựng. Sau đó lựa chọn vật liệu và mời các nghệ nhân có bàn tay tài hoa từ các làng nghề nổi tiếng tại Ninh Bình, Thạch Thất, Hà Nội gia công chế tác, các họa tiết hoa văn trên đá, kết cấu được các nghệ nhân làm bằng thủ công vận chuyển vào để lắp ghép. Trong quá trình lập chủ trương đầu tư và biện pháp tổ chức thi công, ngoài các văn bản thỏa thuận với Bộ VHTT&DL thì khi lựa chọn nhà thầu thi công chủ đầu tư đã thẩm định kiểm tra rất kỹ năng lực, kinh nghiệm thực tế của nhà thầu, lấy mẫu vật liệu và yêu cầu cam kết khi tu bổ không được dùng máy móc cơ giới vào trong phạm vi vùng lõi bảo vệ di tích.
Cách làm và sự tôn trọng lịch sử của Gia Lai trong công tác bảo tồn, tu bổ di tích thu được thành quả đó cũng chính là tri ân các bậc tiền nhân đã lấy Tây Sơn Thượng đạo làm căn cứ dựng cờ tụ nghĩa buổi đầu thắt chặt tình gắn bó keo sơn Kinh thượng, đứng dưới ngọn cờ đào của Tây Sơn tam kiệt. Công trình Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa điểm di tích Nền nhà, Hồ nước và kho tiền Ông Nhạc – thuộc quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn sau khi tu bổ và đưa vào sử dụng hiện tại rất đẹp và được bảo tồn gần như nguyên vẹn; với những cột đá, hàng rào đá, cổng tứ trụ đá tự nhiên nguyên khối, đường nét hoa văn tinh sảo đứng sừng sững giữa đại ngàn, dưới nền nhà và đường vào; hồ nước, giếng cổ là những hàng đá ong vàng óng, vuông vắn, họa tiết đẹp như thách đố với thời gian; Khách du lịch và các nhà nghiên cứu lịch sử, đồng bào Bahnar khi tham quan đều đánh giá rất cao và ngợi khen bàn tay tài hoa của người thợ các làng nghề được chọn tham gia tu bổ, đặc biệt là phục dựng đúng như nguyên bản. Trong khi đó điều bất ngờ nhất là kinh phí chỉ có trên 1 tỷ đồng.
Nếu so sánh dự án tu bổ di tích Nền nhà, Hồ nước và kho tiền Ông Nhạc tỉnh Gia Lai với dự án tu bổ tháp Bánh Ít tỉnh Bình Định dư luận cảm thấy không khỏi chạnh lòng, xót xa về sự lãng phí rất lớn 25 tỷ đồng và trên 1 tỷ đồng.
Người có am hiểu và cảm xúc về văn hóa về cái đẹp chỉ muốn nhìn thấy cái dung dị ấm ấp, lành lạnh toát ra từ hồn những viên gạch mộc bị bào mòn, những mảng đá ong, cột đá điêu khắc thâm trầm ẩm ướt màu thời gian cùng với ngọn đồi đất nâu, xanh lá chứ không muốn nhìn thấy những thứ cải tạo gượng ép bằng thứ gạch sơn phết, bằng bê tông tri trét trải thảm những viên đá cuội thu nhặt từ lòng sông. Thử hỏi, người khách du lịch tham quan có muốn chụp hình của mình vướng vào những thứ cải tạo kia? Cái thẩm mỹ quê mùa, có phần cẩu thả sao có thể chen vào một tuyệt tác di sản nghệ thuật.
Trông người mà ngẫm đến ta, câu nói các cụ xưa thật thấm thía, nhưng cũng không nói đâu xa. Nhìn sang tỉnh bạn mà coi, tỉnh bạn khó khăn thế nhưng những gì thuộc về bảo tồn văn hóa họ làm tốt và bài bản hơn, sâu sát hơn và trách nhiệm hơn; chứ không chỉ hô hào trên nghị quyết, trong báo cáo thành tích, để rồi làm biến dạng đi một di tích, một kỳ quan quốc gia và số tiền 25 tỷ trao nhầm cho những doanh nghiệp không có năng lực?
Nguồn: Báo xây dựng