Trồng nấm theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ – triển vọng cho doanh nghiệp

Chất lượng nông sản đang ngày càng được người tiêu dùng chú trọng, đặc biệt là độ an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, việc đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ đang được xem là hướng đi mới cho các hợp tác xã nông nghiệp tại địa phương, không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng và bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp áp dụng trồng nấm theo tiêu chuẩn hữu cơ

Thực phẩm hữu cơ được trồng, xử lý và chế biến theo cách an toàn. Đối với nông sản đó là sản phẩm được trồng mà không sử dụng hầu hết loại thuốc trừ sâu thông thường, sử dụng phân bón nhân tạo, bùn thải, phóng xạ và sinh vật biến đổi gen. Đối với các loại thịt động vật thì không được tiêm kháng sinh hoặc hormone… Do đó, để sản xuất ra thực phẩm hữu cơ không đơn giản đòi hỏi quy trình kỹ thuật cao, áp dụng công nghệ tiên tiến mà phải đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam. 

Một trong những doanh nghiệp áp dụng và đạt chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041-1:2017 cho trồng nấm và mang lại hiệu quả cao là Công ty TNHH Hà Lâm Phong (tỉnh Lào Cai). Anh Nguyễn Quốc Việt – Giám đốc Công ty TNHH Hà Lâm Phong chia sẻ, nguyên là thợ cơ khí, sau khi bén duyên với ngành nông nghiệp, anh đã sang Trung Quốc học tập và được chuyển giao công nghệ trồng nấm.

Tìm hiểu khí hậu Sa Pa với độ cao trên 1.000m rất phù hợp cho việc trồng nấm hương, anh quyết định lựa chọn phát triển vùng nấm từ năm 2017. Tuy nhiên, quy trình trồng nấm hương khá phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao. Công đoạn đầu tiên Công ty mua gỗ bồ đề, mùn cây và một số phế phẩm lâm sản nghiền, trộn với keo mạch, bột thạch cao sau đó đóng gói hấp thanh trùng 36 giờ để nguội rồi mới cấy giống.

 Công ty TNHH Hà Lâm Phong đạt chứng nhận Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041-1:2017 trong việc trồng nấm. Ảnh: Thu Giang

Theo dõi phát triển của bào tử nấm trong khoảng 50-60 ngày, sau khi thấy bào tử ăn trắng bịch, công nhân sẽ mang bịch nấm đi săm lỗ lưu thông dưỡng khí cho bịch và đưa lên giàn tại nhà trồng. Khoảng 85-90 ngày sau, các bào tử nấm sẽ hình thành quả nấm cho thu hoạch.

Quy trình sản xuất nấm hương được ứng dụng công nghệ cao, môi trường sạch hoàn toàn, nước tưới được lấy từ khe qua hệ thống lọc và xử lý trước khi đưa vào sử dụng. Do dòng nấm hương thường rất nhạy cảm, mọi quy trình và thiết bị phải được bảo vệ sạch sẽ, an toàn.

Anh Việt khẳng định, việc trồng nấm tuân thủ theo kỹ thuật vô cùng nghiêm ngặt. Năm 2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã chứng nhận sản phẩm nấm hương của Công ty TNHH Hà Lâm Phong Sa Pa sản xuất phù hợp yêu cầu Tiêu chuẩn Quốc gia về Thực hành Nông nghiệp tốt trong lĩnh vực trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 1ha, sản lượng 550 tấn/năm; đến năm 2022 cấp giấy chứng nhận sản xuất phù hợp tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ quốc gia với diện tích 1,5 ha; sản lượng 800 tấn/năm.

Sau nhiều lỗ lực, cuối năm 2019, anh đã xuất khẩu lô hàng nấm hương đầu tiên đi Đài Loan và là người Việt đầu tiên xuất khẩu được nấm hương sang thị trường khó tính và mơ ước của nhiều doanh nghiệp Việt này. Đến nay, trang trại diện tích 1,5 ha mỗi năm xuất trên 600 tấn, thu về trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại nấm tạo điều kiện cho 30-40 lao động trên địa bàn thị xã Sa Pa có công việc và thu nhập ổn định.

Chia sẻ thêm về kế hoạch của công ty, anh Việt cho biết: “Nấm hương của chúng tôi giống mũ to, dày, thân mập, được nuôi trồng trong điều kiện lý tưởng ở Sa Pa nên khá giàu dinh dưỡng. Chúng tôi muốn tìm mặt bằng đủ rộng tăng diện tích trồng nấm, ngoài ra trồng thêm mộc nhĩ và thử một vài giống nấm mới giá trị dinh dưỡng cũng như kinh tế cao phục vụ trong nước và xuất khẩu như nấm bụng dê, nấm vòng mật, nấm tú cầu… Tiến tới hình thành khu nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm để du khách đến với Sa Pa có thể vừa tham quan khu vực sản xuất, vừa tự tay thu hoạch nấm, chế biến tại chỗ hoặc mang về như một sản phẩm đặc hữu địa phương.

Một dẫn chứng khác là Hợp tác xã nông nghiệp Yên Công, xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cũng thực hiện theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn từ đầu vào và đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng trong việc trồng nấm hương.

Sau thời gian triển khai, mô hình trồng nấm hương của Hợp tác xã nông nghiệp Yên Công bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhờ sản xuất sạch, nấm hương có hương vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, hiện không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. 

Đặc biệt, hợp tác xã mở rộng thị trường ra cả nước ngoài, nâng cao chất lượng, mẫu mã, thu hút kỹ sư nông nghiệp hữu cơ vào làm việc để có thể phát triển và hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, hợp tác xã đang trong quá trình xây dựng, đăng ký chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nấm hương để sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP.

Từ hoạt động có hiệu quả kinh tế, Hợp tác xã nông nghiệp Yên Công trở thành đơn vị tiên phong thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông sản hữu cơ của tỉnh. Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư khoa học, công nghệ tiên tiến để sản xuất nấm, phát triển sản xuất theo mô hình gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trồng nấm theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả vượt trội tại Hợp tác xã nông nghiệp Yên Côn, Cao Bằng. Ảnh: Diệu Linh- Đàm Kiểu 

Tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam

TCVN 11041-1:2017 là bộ tiêu chuẩn đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Những yêu cầu cơ bản của tiêu chuẩn hữu cơ bao gồm đa dạng sinh học, vùng đệm, vùng sản xuất song song, các vật liệu biến đổi gen (GMOs).

Việc xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế (CODEX, IFOAM…) và các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như Mỹ, EU, Nhật cùng các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Trung Quốc.

Ở mỗi quốc gia, tiêu chuẩn hữu cơ cho nông nghiệp còn được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận hữu cơ ở quy mô quốc tế. Trong đó, PGS Vietnam là tổ chức tại Việt Nam cung cấp chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ như: rau hữu cơ và thịt hữu cơ.

Năm 2004, Liên đoàn các phong trào Nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) và tổ chức ADDA đã chấp nhận PGS là hệ thống đảm bảo giá trị cho sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là cho thị trường nội địa. 

Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam PGS cơ bản bao gồm: Nguồn nước sử dụng trong canh tác phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm (theo quy định trong tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn của TCVN 5942: 1995). Khu vực sản xuất hữu cơ phải cách ly tốt khỏi các nguồn ô nhiễm.

Các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hay chất tổng hợp kích thích sinh trưởng đều bị cấm sử dụng, chỉ được phép sử dụng các đầu vào nông dân đã đăng ký với PGS và được PGS chấp thuận.

Cấm sử dụng phân ủ làm từ rác thải đô thị. Phân động vật lấy vào từ ngoài trang trại phải được ủ nóng trước khi dùng trong canh tác hữu cơ. Không được sử dụng túi và vật đựng chất bị cấm trong canh tác hữu cơ để vận chuyển và cất giữ sản phẩm hữu cơ. Cấm đốt cành cây và rơm rạ, ngoại trừ phương pháp du canh truyền thống. Cấm sử dụng tất cả vật tư đầu vào có chứa sản phẩm biến đổi gen GMOs.

Các cây trồng trong ruộng hữu cơ phải khác cây trồng trong ruộng thông thường. Nếu ruộng gần kề có sử dụng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ thì ruộng hữu cơ phải có vùng đệm để ngăn cản sự xâm nhiễm của các chất hóa học từ ruộng bên cạnh. Các loại cây trồng ngắn ngày được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trọn vẹn một vòng đời từ khi làm đất đến thu hoạch, sau khi thu hoạch có thể được bán như sản phẩm hữu cơ. Các tiêu chuẩn này đều nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và gia tăng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao đời sống cộng đồng.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích