Trồng 50 ha sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt ở “chảo lửa” Krông Pa
Ngày 12/6, anh Trương Đức Huy-Giám đốc HTX Nông nghiệp Vạn Phát Chư Ngọc (HTX Vạn Phát Chư Ngọc), huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa hoàn thành cánh đồng mẫu lớn 50 ha trồng sắn theo mô hình mới, phủ bạt kết hợp tưới nước nhỏ giọt.
Theo đó, HTX Vạn Phát Chư Ngọc thuê 50 ha đất nông nghiệp tại khu vực buôn Djrết, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa triển khai trồng sắn theo mô hình mới. Đồng thời đẩy mạnh liên kết tại các vùng nguyên liệu sắn, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sắn trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm trung tâm, HTX và tổ hợp tác là cầu nối giữa doanh nghiệp và hộ gia đình trồng sắn.
Theo anh Nguyễn Duy Luân-công nhân HTX: “Cây sắn ở đất Krông Pa đã giúp nhiều người dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, cây sắn bị sâu bệnh tấn công khiến năng suất giảm sút. Việc áp dụng mô hình mới sẽ khắc phục được bất lợi trên, giúp đời sống người nông dân ngày càng khấm khá hơn”.
Bên cạnh làm công nhân cánh đồng mẫu lớn của HTX Vạn Phát Chư Ngọc, gia đình anh Luân còn trồng 3,5 ha cây sắn, sau thu hoạch bán cho HTX và nhà máy chế biến; trừ mọi chi phí, mỗi vụ thu về hơn 100 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Sau này áp dụng phương pháp mới theo mô hình của HTX, thu nhập có thể tăng gấp 3 lần.
Trồng 50 ha sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt nhằm cụ thể hóa “Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Mục đích phát triển ngành hàng sắn trên địa bàn tỉnh ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dụng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn.
Anh Trương Đức Huy cho biết: “Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, ưu điểm không làm cỏ, giữ độ ẩm cho đất, tiết kiệm nước, năng suất cao, không hao tốn phân bón, không dùng thuốc trừ cỏ gây ảnh hưởng môi trường. Cánh đồng mẫu lớn áp dụng cơ giới hóa, đồng bộ từng khâu, không phụ thuộc vào thời tiết, chủ động bơm tưới, gieo trông theo thời gian ấn định, phù hợp giúp cây phát triển tốt, năng suất cao”.
Theo tính toán, so với trồng bình thường, mỗi vụ thu hoạch khoảng 20 tấn/ha, mô hình mới năng suất thấp nhất 40 tấn/ha, cao hơn có thể 60-70 tấn/ha, nhưng chi phí đầu tư của hai mô hình là tương đương. Mô hình này tiềm năng, phù hợp trồng mì trên vùng đất khát Krông Pa, một trong những địa phương nắng nóng nhất ở tỉnh Gia Lai.
Cùng với áp dụng mô hình trồng mới, hiện HTX Vạn Phát Chư Ngọc đang nghiên cứu, tham khảo, lấy một số giống mới theo khuyến khích của Sở Nông nghiệp và PTNT nhằm chống bệnh khảm lá sắn, các giống sắn kháng bệnh HN3 và HN1 nhập từ Tây Ninh. Nếu hiệu quả HTX sẽ nhân rộng, cung cấp giống cho những hộ dân lân cận canh tác.
Vạn Phát Chư Ngọc hiện có diện tích 10.000 ha trồng mì, với khoảng 400 hộ, tạo thành chuỗi liên kết giữa nhà máy, HTX và người dân; chuỗi liên kết được áp dụng từng điểm trên địa bàn huyện Krông Pa, từ khâu chọn giống, cung cấp phân bón, chăm sóc, thu hoạch, thu mua, chế biến, xuất khẩu.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu